Nhiều người đi làm có tâm lý muốn nhảy việc vì cảm thấy công việc không có tương lai và nhiều lý do khác.
Thế nhưng ở góc độ quản lý, người sử dụng lao động lại cho rằng chính người lao động (NLĐ) đã không làm cho công việc đó trở nên có tương lai hơn.
"Tôi cảm thấy làm hoài mà công việc vẫn vậy, chẳng thay đổi gì cả. Mọi việc cứ làng nhàng không có gì đột phá", "Tôi đề xuất thay đổi công nghệ, thay đổi phương thức bán hàng cho team của mình nhưng sếp chẳng đoái hoài gì cả. Cả team đều nản và muốn nghỉ việc"… Đó là những chia sẻ của các thành viên trong một group tiếp thị trên Facebook về chủ đề "Làm hoài không thấy tương lai". Câu hỏi đặt ra là vậy liệu công việc đó không có tương lai hay NLĐ đang mắc kẹt?
Theo bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Văn phòng Adecco TP Hồ Chí Minh, có thể công việc mà nhiều người gắn bó lâu nay chưa hẳn là một công việc phù hợp. Đôi khi NLĐ chỉ tiếp tục đi cùng công việc đó bởi vì phúc lợi của công ty hay đồng nghiệp quá đỗi thân thiện, thậm chí là NLĐ khó có thể tìm được một việc có mức thu nhập tương đương nếu ở môi trường khác. "Nếu lúc nào đó, NLĐ cảm thấy công việc không còn cơ hội để phát triển hay những cảm nhận của họ đã thay đổi thì đó là biểu hiện dự đoán họ sẽ nhảy việc" - bà Thanh nói.
Nhiều người lao động phải nhảy việc khi công việc hiện tại không phát triển
Có nhiều hình thức để NLĐ nhận ra công việc không có tương lai và mình không còn phù hợp với nơi làm việc. Đó là khi NLĐ và sếp không cùng mục tiêu. Điều này sẽ khiến con đường sự nghiệp của NLĐ lệch hướng và họ không có nhiều cơ hội để thể hiện năng lực và chứng tỏ bản thân. Bởi sự trái mục tiêu sẽ dễ khiến sếp dập tắt ý tưởng đột phá, những sáng kiến hay của NLĐ hoặc chính NLĐ sẽ không hài lòng với những điều sếp đưa ra. Ngoài ra, đồng nghiệp cũng là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Nếu mối quan hệ với đồng nghiệp tốt thì đó là yếu tố hỗ trợ NLĐ rất nhiều trong công việc nhưng ngược lại thì mỗi ngày đi làm của NLĐ sẽ rất chán nản, cảm thấy lạc lõng và không thể hòa hợp để làm việc chung, thậm chí trò chuyện cũng nhạt dần. Quá nhiều việc và dù NLĐ cố gắng thế nào cũng không thể giải quyết hết cũng là nguyên nhân khiến công việc không đi tới thành công. NLĐ phải làm với khối lượng việc khổng lồ, dù đôi khi có những việc không nằm trong phạm vi của họ và nó chiếm hết thời gian riêng tư khi về nhà. Từ đó, NLĐ dễ rơi vào trạng thái tiêu cực, áp lực đè nặng. Theo các chuyên gia nhân sự, nếu thực sự không tìm thấy cơ hội phát triển ở công việc hiện tại nữa thì NLĐ hãy mạnh dạn tìm kiếm cơ hội mới để được phát triển hơn.
Sau một thời gian cống hiến, NLĐ không còn hứng thú với công việc cho dù đã cố gắng rất nhiều. Có thể NLĐ lúc đó đã phát hiện sở thích khác hay bộc lộ được một sở trường nào đó phù hợp bản thân hơn và mong muốn thử sức mình. Chính lúc đó, NLĐ cũng có thể nhảy việc. Và nếu NLĐ không có bất kỳ yếu tố nào tác động nhưng lại được người khác giới thiệu một môi trường chuyên nghiệp, học hỏi được nhiều điều bổ ích hoặc lương cao hơn, họ vẫn có thể suy nghĩ đến nhảy việc. Bởi vì nắm bắt cơ hội là chìa khóa để NLĐ tiến xa và thành công hơn trong sự nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình nhảy việc, ắt hẳn NLĐ sẽ cân nhắc một số lý do để quyết định chắc chắn. Hãy thành thật với bản thân và chia sẻ với cấp trên để có những thay đổi kịp thời hoặc có thể nhận được những lời khuyên khách quan, bổ ích. Một khi đã chọn cách "dừng cuộc chơi", hãy quan tâm đến bản thân, hiểu mình muốn gì để xác định một lý do xin nghỉ việc chính đáng nhất, hãy truyền tải chân thật và bày tỏ sự tôn trọng đến cấp trên của bạn. Và dù là bất cứ lý do nào đi nữa, NLĐ cũng cần lưu ý rằng điều quan trọng nhất để thành công trong sự nghiệp chính là tìm được một công việc phù hợp.
Theo Người lao động