Cần lưu ý bảo dưỡng bộ phận nào trên ô tô để tránh cháy nổ?

29/09/2020 14:30

Xăng dầu kém chất lượng, độ chế hệ thống điện, rơm rạ khô cuốn vào gầm… dễ dẫn đến cháy nổ ô tô. Để tránh rủi ro này, chủ xe cần lưu ý kiểm tra những bộ phận, chi tiết có nguy cơ cao.


Cháy ô tô không loại trừ xe cũ hay mới

Thời gian qua, nhiều vụ cháy nổ ô tô xảy ra không theo quy luật mùa cụ thể khiến người dân lo lắng, nảy sinh sự hoài nghi về chất lượng xăng dầu. Mới nhất vào chiều ngày 27.9, một chiếc Land Rover Range Rover tiền tỷ đã bất ngờ bốc cháy khi đang lưu thông trên cầu Chương Dương, sau 30 phút chiếc xe dù được lực lượng chữa cháy tiếp cận nhưng chỉ còn trơ khung. Trước đó vào sáng ngày 17.9 gần cầu Bà Bầu, Quảng Nam, một chiếc ô tô cũ sản xuất từ những năm 90 của thế kỷ trước đã bốc chạy dữ dội khiến không ai dám lại gần.

Kỹ sư Lê Văn Tạch (chủ ga ra ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cho rằng có 2 nguyên nhân chính dẫn đến cháy xe là chập điện và rò rỉ nhiên liệu. “Cháy xe do chập điện thường xảy ra với xe cũ, theo thời gian dây dẫn bị hư hại lớp vỏ bọc, kết hợp độ ẩm cao dẫn đến hiện tượng đánh move (hiện tượng tiếp xúc không tốt). Đối với xe mới, nguyên nhân chập điện phần lớn là do độ chế thêm thiết bị sử dụng điện sai quy cách, mất an toàn”, kỹ sư Tạch nói.

Đối với sự cố cháy xuất phát từ khoang động cơ, kỹ sư Tạch cho rằng nguyên nhân rò rì nhiên liệu có thể đóng tác nhân chính, tác nhân phụ là nhiệt độ khoang máy cao và một số dây điện hư hại theo thời gian không được kiểm tra, xảy ra hiện tượng move gây cháy. Cũng có sự cố xuất hiện từ bên ngoài như xe đỗ gần đống lửa bị cháy lan hoặc rơm rạ, vật dễ cháy bám vào gầm xe gần hệ thống xả.

Gầm xe ô tô bị cháy xém do kẹt rơm vào hệ thống ống xả, nơi nhiệt độ có thể lên đến 500 độ C

Cùng quan điểm với kỹ sư Tạch về nguyên nhân cháy nổ nằm ở 2 yếu tố chập điện và hở xăng, anh Huỳnh Trọng Nhân, chủ gara ô tô ở phố Lạc Nghiệp, Hai Bà Trưng, Hà Nội nói thêm về việc xử lý khi cháy. Anh Nhân nhận xét: “Chập điện dễ xử lý và không gây tác hại nhanh như cháy xăng vì nó chỉ bắt lửa khi đủ nhiệt và cháy lan sang các vật liệu dễ cháy, có thể dùng cách dội nước hay khăn dập lửa, nhưng cháy xăng là cháy dưới gầm và khoang máy thì gần như khó trong việc cứu cháy, chậm trễ giây nào là càng tăng độ khó”.

Lưu ý những bộ phận “nhạy cảm” trên xe để phòng cháy

Anh Huỳnh Trọng Nhân cho biết trong quá trình kiểm tra và sửa chữa cho khách, anh nhận thấy rất ít chủ xe để ý tới hệ thống dây điện, đến khi hỏng thiết bị điều khiển nào đó hoặc chập cháy mới đem xe đi sửa. “Với xe cũ, lớp bọc ngoài dây điện ở những vị trí hay tiếp xúc với nguồn nhiệt như trong khoang máy, hay dễ ẩm ướt như dưới sàn xe, lâu ngày bị lão hóa gây bong tróc, dễ dẫn đến hiện tượng move gây cháy. Với xe độ chế lại loa đài, ánh sáng nếu lắp không cẩn thẩn, đấu không đủ tải, hở điện sẽ sinh nhiệt gây cháy ở vị trí đấu nối”, anh Nhân nói.

Trong khi đó kỹ sư Lê Văn Tạch cho biết việc rửa khoang máy ô tô cũng tiềm ẩn nguy cơ cao khiến xe bị chập cháy nếu khâu xử lý kém. “Khi rửa xe bằng cách xịt nước vào khoang máy, nếu không che chắn cẩn thận và xịt khô kỹ các kẽ sâu sẽ khiến khoang máy tồn tại những ổ nóng ẩm, dễ làm ô-xi hóa dây điện dẫn đến hiện tượng move sau này”, kỹ sư Tạch nhận định.

Nói về lỗi rò hơi xăng, rỉ xăng, anh Huỳnh Trọng Nhân kể rằng có trường hợp lái xe không để ý khi sa hố, vấp đá làm vỏ bình xăng (thường nằm dưới sàn xe) hoặc đường ống bị xây xát, lâu ngày có thể bị rò rỉ nhiên liệu khi gặp điều kiện thuận lợi có nhiệt độ cao sẽ gây cháy. Vì vậy người dùng cần tập thói quen kiểm tra lại xe nếu cảm thấy bất ổn khi đi qua đường xấu.

“Rò rỉ xăng cũng có thể do quá trình bảo trì kim phun, đường ống dẫn xăng, nếu thợ lắp lại không cẩn thận sẽ sẽ bị hở gioăng làm bay hơi xăng, gây cháy,” anh Nhân nói thêm.

Nhớ lại về sự cố nhớ đời suýt cháy xe, anh Phùng Văn Hiếu (TP Hồ Chí Minh) kể lại vào năm 2016 khi đang sử dụng chiếc Mercedes-Ben C-lass đời cũ, khi đi khỏi nhà chừng 3 km thì anh thấy mùi xăng sống. Dừng xe mở cửa bước ra ngoài cũng ngửi thấy. Sau đó anh Hiếu tiếp tục hành trình ngắn nữa rồi mới về nhà. “Về đến nhà tôi kinh hãi khi phát hiện đoạn ống dẫn xăng từ lọc bơm lên máy bị rò mục, xăng phun xối xả thẳng vào đường ống xả dưới gầm. May không cháy. Nghĩ lại giờ vẫn sợ”, anh Hiếu kể.

Đoạn ống dẫn xăng từ lọc bơm lên động cơ bị rạn nứt gây rò rỉ

Theo anh Huỳnh Trọng Nhân, các chi tiết liên quan đến nhiên liệu cần phải được kiểm tra và thay thế định kỳ. Lọc xăng tầm 30.000 km cần thay mới. Lọc hơi, lọc khí, van thông hơi ở xe đời cao có thể nhận biết hư hại qua đèn báo đồng hồ, nhưng với xe đời cũ phải kiểm tra định kỳ, thường 1 năm/lần. Để kiểm tra người thợ mất vài tiếng hoặc nửa ngày mới xong tùy theo từng đời xe, loại xe.

“Mua xe cũ cần phải kiểm tra tổng thể, trong đó có hạng mục về nhiên liệu bởi không ít chủ xe bỏ mặc một thời gian không kiểm tra bảo dưỡng khâu này. Thường phải tháo bình xăng xuống, sẽ thấy các ống dẫn, ống thông hơi, kiểm tra xem có mục hay nứt gẫy thì phải thay. Chi phí cho công đoạn này khoảng từ 1 triệu đổ lại, nếu phải thay thế ống dẫn nhiên liệu sẽ không quá đắt chỉ vài trăm nghìn”, anh Nhân chia sẻ.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần lưu ý bảo dưỡng bộ phận nào trên ô tô để tránh cháy nổ?