Đối phó với già hóa dân số trong tương lai và mức sinh thay thế ngày càng giảm ở hiện tại thì ngoài chính sách khuyến sinh còn cần tạo môi trường tốt cho trẻ em phát triển.
"Tương lai một đứa trẻ phải chăm sóc 6 người già", ông Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) nói như vậy trong một buổi truyền thông về dân số dành cho phụ nữ của Hải Dương gần đây. Nghe ông Phương nói, hội trường có chút ồn ào, bàn tán. Một phụ nữ giơ tay xin hỏi:
- Xin ông cho biết vì sao lại nhận định như vậy?
Là một người có nhiều năm nghiên cứu về dân số, ông Phương lần lượt đưa ra những dẫn chứng về mức sinh ở nước ta đang có xu hướng giảm nhanh, xuống dưới mức sinh thay thế từ 2,11 con/phụ nữ (năm 2021) xuống 1,96 con/phụ nữ năm 2023, mức thấp nhất trong lịch sử. Năm 2024, con số này dự báo có thể ở mức thấp hơn nữa.
Những năm qua, Hải Dương thường xuyên nằm ở nhóm các tỉnh, thành phố có mức sinh thay thế cao trong cả nước nhưng tình trạng giảm mức sinh thay thế cũng đang diễn ra. 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 15.104 trẻ được sinh ra, giảm 1.042 trẻ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 2.497 trẻ là con từ thứ 3 trở lên, giảm 258 trẻ so với 9 tháng năm 2023.
Số gia đình chỉ sinh 1 con tại Hải Dương cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước ngày càng nhiều. Với đa số những gia đình chỉ sinh một con thì hiện nay đứa trẻ đó sẽ được chăm sóc bởi 6 người gồm bố mẹ và 4 ông bà nội, ngoại. Nhưng với mức giảm sinh thực tế và dự báo tương lai thì mô hình này sẽ đảo ngược. Chính đứa trẻ này phải cùng lúc chăm sóc 2 bố mẹ và 4 ông bà nội, ngoại. Đây là lý giải của ông Phương cho nhận định trên.
Đối phó với tình trạng già hóa dân số, nhất là mức sinh thay thế ngày càng giảm, chính quyền một số tỉnh, thành phố đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích sinh đủ hai con. Một số nơi còn đưa ra phương án miễn giảm học phí, thưởng tiền. Tuy nhiên, chính sách quan trọng cần đi kèm với việc khuyến khích sinh con là những cơ chế bảo vệ, chăm sóc tốt những đứa trẻ được sinh ra.
Câu chuyện của một cô giáo tiểu học ở Tứ Kỳ nêu ra ngay trong buổi tập huấn dân số hôm đó khiến nhiều người suy nghĩ. Cô giáo cho biết, trong lớp cô chủ nhiệm có tổng số 32 học sinh thì có tới 10 em phải ở với ông bà (không ở với bố mẹ) hoặc chỉ ở với bố hoặc mẹ. Nguyên nhân là bố mẹ đi làm ăn xa, nhất là đi xuất khẩu lao động phải gửi con ở nhà cho ông bà chăm sóc và nhiều hơn cả là do bố mẹ ly hôn bỏ con ở với ông bà hoặc phải chia ra ở với bố hoặc mẹ. Đây cũng là hệ lụy tất yếu của tỷ lệ ly hôn tăng nhanh trong những năm gần đây và xu hướng đi lao động nước ngoài ngày càng phổ biến. Những đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh trên có thể sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần.
Nếu chúng ta chỉ nỗ lực đi tìm giải pháp để tăng mức sinh thay thế mà bỏ qua việc giải quyết những vấn đề như trên thì chưa toàn diện trong chính sách dân số. Vấn đề là tăng mức sinh thay thế nhưng phải bảo đảm những đứa trẻ sinh ra có điều kiện tốt nhất để phát triển. Dân số trẻ, khỏe và giỏi thì mới có thể trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, còn ngược lại có thể tạo ra những thách thức không nhỏ.
Mọi đứa trẻ sinh ra đều cần được chăm lo chu đáo. Trước hết đó là trách nhiệm của chính những bậc làm cha, làm mẹ, những người sinh ra chúng, sau đó đến gia đình và toàn xã hội. Song hành với chính sách khuyến sinh, nâng mức sinh thay thế để giải bài toán già hóa dân số trong tương lai cũng cần những chương trình, hành động cụ thể để chăm lo cho những búp măng non, tạo môi trường tốt nhất để các em phát triển.
DƯƠNG LAN