Theo tính toán của tỉnh, sau khi sắp xếp 55 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 25 đơn vị mới toàn tỉnh sẽ giảm khoảng 600 cán bộ, công chức xã.
Do tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, xã Quyết Thắng (Ninh Giang) sẽ còn nợ khoảng 13-14 tỷ đồng khi nhập thành xã mới
Một số cán bộ chủ chốt, cán bộ, công chức cấp xã sẽ nghỉ sau sáp nhập đang có nhiều tâm tư, băn khoăn cả việc chung, việc riêng.
Gánh nặng cho xã mới
Quyết Thắng (Ninh Giang) nằm trong số ít xã sẽ có cả 3 cán bộ chủ chốt nghỉ công tác sau khi nhập xã mới. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Duy Hấn cho biết cả Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã đều không còn đủ thời gian để tái cử trong nhiệm kỳ tới. Ông Hấn sẽ nghỉ hưu vào tháng7.2020. Đây là thuận lợi lớn cho công tác sắp xếp, bố trí cán bộ khi Quyết Thắng nhập với Ứng Hòe và Ninh Hòa thành xã mới. Tuy nhiên, nói đến con số 13-14 tỷ đồng mà Quyết Thắng đang nợ xây dựng cơ bản, ông Hấn khá băn khoăn vì phải trút gánh nặng này sang cho xã mới. Mặc dù đã nỗ lực khai thác, tìm kiếm các nguồn, nhưng đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã đang rất ái ngại vì nhiều công trình chưa thể quyết toán, trong khi nguồn lực của địa phương đang rất khó khăn. Đây chính là điều khiến ông Hấn và đội ngũ lãnh đạo chủ chốt xã thấy thật sự không thoải mái khi nghỉ công tác vì chưa hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ với địa phương.
Tại xã Hồng Thái (Ninh Giang), theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đức Tráng, qua nắm bắt thông tin cũng có một số cán bộ, công chức xã sẽ nghỉ và có nguyện vọng nghỉ khi nhập thành xã mới. Đa số các đồng chí có nguyện vọng nghỉ trước tuổi là do không còn đủ tuổi tái cử, không đủ điều kiện về trình độ, sẽ thuộc diện dôi dư sau sắp xếp. Ngoài ra có một số đồng chí nghỉ hưu, một số có nguyện vọng nghỉ do điều kiện gia đình, sức khỏe… Trước việc có nhiều cán bộ, công chức sẽ nghỉ công tác, ông Tráng lo chất lượng đội ngũ cán bộ xã sau sáp nhập dễ thiếu đi những cán bộ có kinh nghiệm, sâu sát với từng địa phương.
Không chỉ riêng ở Hồng Thái, với đội ngũ cán bộ xã còn tham gia công tác ở các xã sẽ sáp nhập, băn khoăn lớn nhất là bộ máy mới sẽ hoạt động thế nào để bảo đảm sự phát triển của các xã vốn không đồng đều về chất lượng cán bộ. Riêng các đồng chí có nguyện vọng nghỉ công tác thì quan tâm nhất là về chế độ, chính sách vì cho đến nay tỉnh vẫn chưa ban hành hướng dẫn về sắp xếp, bố trí cán bộ sau nhập xã.
Không bê trễ công việc
Chủ tịch UBND xã Tuấn Hưng (Kim Thành) Lê Văn Tuyên (bên trái) chỉ còn ít thời gian công tác nhưng luôn trách nhiệm với công việc
Tại xã Tuấn Hưng (Kim Thành), cả Bí thư Đảng ủy Vũ Văn Chữ và Chủ tịch UBND xã Lê Văn Tuyên đều đã có đơn xin nghỉ công tác để hưởng chế độ theo quy định do không còn đủ tuổi tái cử. Tuấn Hưng đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí để được công nhận là xã nông thôn mới vào cuối năm nay. Theo ông Tuyên, xã phát triển ổn định, các công trình lớn đều đã hoàn thành và không còn nợ xây dựng cơ bản. Sau khi có chủ trương nhập xã, Tuấn Hưng vẫn duy trì các hoạt động ổn định để phục vụ nhân dân; chăm lo xây dựng các tiêu chí của xã nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Lê Văn Tuyên cho biết dù còn 1 ngày công tác ông cũng vẫn đến trụ sở, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của cán bộ.LINH AN