Cẩm Giàng khó xử lý bãi rác tự phát

11/12/2020 13:30

Dù tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo UBND huyện Cẩm Giàng xử lý dứt điểm, đóng cửa một số bãi rác gây ô nhiễm môi trường nhưng đến nay các bãi rác vẫn hoạt động.


Mặc dù UBND tỉnh đã có chỉ đạo đóng cửa bãi rác thôn Tiền, thị trấn Lai Cách từ ngày 30.6 nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa thực hiện 

Mặc dù UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã nhiều lần chỉ đạo UBND huyện Cẩm Giàng xử lý dứt điểm và đóng cửa một số bãi rác gây ô nhiễm môi trường (ONMT) nhưng đến nay địa phương vẫn loay hoay xử lý. 

Đóng cửa bãi rác

Đầu tháng 6.2020, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND huyện Cẩm Giàng xây dựng phương án và đóng cửa bãi rác tại khu vực tiếp giáp với khu công nghiệp (KCN) Lai Cách thuộc thôn Tiền, thị trấn Lai Cách trước ngày 30.6. Đây không phải lần đầu tiên UBND tỉnh chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng tập kết rác tại khu vực này. Từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND huyện Cẩm Giàng phối hợp kiểm tra, làm rõ các đối tượng đổ chất thải không đúng nơi quy định và xử lý nghiêm. Nhưng đến nay huyện Cẩm Giàng vẫn chưa đóng cửa được bãi rác này.

Tại bãi rác trên, ước tính mỗi ngày người dân tập kết từ 600 - 800kg rác. Bãi rác đã đầy, gây ONMT xung quanh, ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN Lai Cách, là một trong những nguyên nhân làm chậm thu hút đầu tư vào KCN này. Chủ đầu tư hạ tầng KCN đã liên tục kiến nghị, đề nghị các ngành chức năng xử lý tình trạng đổ rác thải gây ONMT ở đây nhưng vẫn không có nhiều chuyển biến.

Công ty TNHH VSIP Hải Dương đang đầu tư, xây dựng hình ảnh kiểu mẫu về KCN xanh, giữ gìn môi trường sống sạch, an toàn cho cán bộ, công nhân viên và các doanh nghiệp trong KCN Cầm Điền - Lương Điền. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, KCN này đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng ONMT từ bãi rác thải tự phát cạnh quốc lộ 5, tiếp giáp với hàng rào KCN. 

Theo ông Vương Đức Thủy, Văn phòng Ban Giám đốc Công ty TNHH VSIP Hải Dương, bãi tập kết rác thải trên xuất hiện từ đầu năm 2019. Lượng rác đổ ra ngày càng nhiều, bốc mùi hôi nồng nặc. Gần đây, người dân còn đốt rác làm khói bụi mù mịt, mùi cháy khét bốc lên ảnh hưởng tới môi trường. “Từ năm 2019 đến nay, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị giải quyết dứt điểm tình trạng này nhưng đến nay vẫn không thay đổi”, ông Thủy nói.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc UBND huyện Cẩm Giàng di chuyển, đóng cửa bãi rác tạm cạnh KCN Cẩm Điền - Lương Điền. Ngày 19.11 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Cẩm Giàng chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND xã Cẩm Điền di chuyển, đóng cửa bãi chứa rác tạm này, chậm nhất trước ngày 25.12.

Nhiều khó khăn

Mặc dù chỉ đạo đã rõ nhưng quá trình thực hiện tại các địa phương lại gặp nhiều khó khăn. 

Thị trấn Lai Cách có 6 bãi rác, phần lớn không bảo đảm khoảng cách tới khu dân cư theo quy định. Một số bãi rác đã lấp đầy nhưng chưa được xử lý. Từ tháng 10.2017 đến nay, trung bình mỗi tháng thị trấn phải hỗ trợ thêm khoảng 60 triệu đồng để thu gom, vận chuyển rác thải ở 9 thôn, khu dân cư. Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên một số thôn, khu dân cư còn lại chưa được hỗ trợ. “Do gặp nhiều khó khăn trong quy hoạch, tìm địa điểm làm bãi rác nên thị trấn Lai Cách chưa đóng cửa được bãi rác theo chỉ đạo của tỉnh. Hiện 100% diện tích đất nông nghiệp ở thị trấn nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại. Địa phương không còn quỹ đất để làm bãi rác thải tập trung”, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND thị trấn Lai Cách cho biết.

Theo ông Nguyễn Khắc Nghĩa, Trưởng Phòng TNMT huyện Cẩm Giàng, ngoài những bãi rác trong quy hoạch được UBND cấp xã đầu tư và hỗ trợ kinh phí, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều bãi rác tự phát, bãi tập kết rác thải tạm thời chưa phù hợp. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng TNMT phối hợp với các địa phương xây dựng phương án để đóng cửa các bãi rác trên. Nhưng nguồn kinh phí hạn hẹp, quỹ đất có hạn. Việc tìm địa điểm phù hợp đã khó, người dân một số nơi lại không đồng thuận. 

Cũng giống nhiều địa phương khác, xử lý rác thải sinh hoạt ở Cẩm Giàng đã và đang là vấn đề bức xúc hiện nay. Nhiều bãi rác tại các xã Cẩm Văn, Định Sơn, Cẩm Hoàng, Cẩm Vũ, Thạch Lỗi... chưa bảo đảm các quy định. Người dân bức xúc, nhiều lần kiến nghị, phản ánh bãi rác ô nhiễm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đời sống. 

Trước thực trạng này, nếu không có phương án bền vững, vấn đề xử lý rác thải sẽ trở thành bài toán khó mà chính quyền địa phương không tìm ra lời giải. 

PHAN ANH

Nâng cao ý thức trách nhiệm

Để hạn chế tình trạng đổ rác thải bừa bãi làm phát sinh bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương phải thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ quan, đơn vị, thôn, xóm, khu dân cư thuộc địa bàn quản lý và sinh sống. Xử lý nghiêm tình trạng đổ rác thải không đúng nơi quy định. Chính quyền địa phương phải tuyên truyền người dân, tổ vệ sinh môi trường không đốt rác tại bãi chôn lấp rác.

Bên cạnh đó, cán bộ chuyên môn về môi trường thường xuyên kiểm tra việc thu gom, vận chuyển và địa điểm tập kết rác thải tạm thời để hạn chế tình trạng đổ trộm rác. Các tổ thu gom phối hợp với đơn vị được giao thu gom, vận chuyển bảo đảm quy định. Hằng ngày, sau khi kết thúc việc thu gom, vận chuyển rác thải tại địa điểm tập kết cần vệ sinh môi trường xung quanh. Việc vận chuyển rác thải phải được thực hiện đúng giờ, tránh tình trạng để lâu gây ra mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường; trong quá trình vận chuyển không để rơi vãi rác... 

TRIỆU THANH BÌNH
Công ty TNHH Đại Dương, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng)


Cần giải pháp đồng bộ để xử lý bãi rác tự phát

Hiện nay vẫn còn nhiều người chưa chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, vứt rác thải bừa bãi. Trong khi đó, điều kiện, trang thiết bị, nhân lực của địa phương còn thiếu nên thu gom, vận chuyển rác gặp khó khăn.

Để giải quyết được tình trạng bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường, theo tôi cần có những giải pháp quyết liệt hơn. Trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn, các cơ quan chức năng cần xem xét, nghiên cứu các giải pháp đồng bộ từ khâu phân loại rác thải tại nguồn đến xử lý rác. Nên triển khai thí điểm các mô hình phân loại rác thải trước khi áp dụng đại trà trong tỉnh theo lộ trình. Trong đó, xác định cụ thể các nội dung, mục tiêu, công việc cần triển khai theo từng giai đoạn để bố trí nguồn lực phù hợp, hiệu quả.

LÊ HUY TRƯỜNG
Công chức địa chính - xây dựng - môi trường xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng)


Tạo sự đồng thuận trong thực hiện dự án điện rác

Hiện nay, phần lớn lượng rác thải trong tỉnh được xử lý bằng công nghệ chôn lấp, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Chôn lấp là phương pháp xử lý rác thải đơn giản nhưng tốn kém và gây lãng phí tài nguyên đất đai. Nếu không xử lý tốt, không khí, nguồn nước ngầm có thể bị ô nhiễm trong quá trình rác phân hủy. Chi phí cho việc thu gom, vận chuyển rác đến nơi chôn lấp, xử lý cũng rất tốn kém. 

Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 5.5.2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam đã quy định các ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, đất đai; hỗ trợ giá điện đối với loại hình điện rác. Tại Hải Dương đã có nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện với công nghệ châu Âu. Tuy nhiên, do một số vướng mắc nên dự án đã phải tạm dừng. Để các dự án xử lý rác thải phát điện được thực thi, sớm đi vào hoạt động, bên cạnh định hướng, chính sách ưu đãi của các cấp chính quyền, cần sự đồng thuận của người dân. Người dân cần nhìn nhận các dự án xử lý điện rác theo hướng bền vững - đốt rác và tận dụng nhiệt thải để phát điện. Phải coi đây là một giải pháp căn cơ, lâu dài để xử lý rác thải hiệu quả hơn.

NGUYỄN DANH HÙNG
(Phường Bình Hàn, TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩm Giàng khó xử lý bãi rác tự phát