Hôn nhân không hạnh phúc vì người chồng không chung thủy hoặc bị bạo lực về thể chất lẫn tinh thần nhưng nhiều phụ nữ vẫn lặng lẽ chịu đựng chỉ "để con có đầy đủ bố và mẹ"...
Tham gia nhiều hoạt động tập thể là cách giúp phụ nữ tự tin hơn
Một sự nhịn, chín sự có lành?
Lấy chồng được 20 năm nhưng chỉ 5 năm đầu chị Nguyễn Thị N. ở phố Lý Thái Tông (TP Hải Dương) được sống trong hạnh phúc. Còn lại trong ký ức của chị là những ngày tháng bám theo chồng đi đánh ghen. Mọi người xung quanh đều nể phục sự cam chịu của chị N. khi hơn chục năm sống với người chồng không chung thủy. Lần đầu phát hiện chồng ngoại tình chị N. đã điên loạn tìm đến tận phòng trọ của cô nhân tình làm ầm lên, đánh ghen, dằn mặt. Sau lần đó chồng chị có vẻ hối hận, tập trung tu chí làm ăn, cùng chị chăm nom con cái. Do tính chất công việc của anh là lái xe nên chị N. gần như không nắm được công việc của chồng. Có lẽ vì thế chồng chị lại tái diễn chuyện cặp bồ. Chị N. âm thầm theo dõi chồng để phát hiện ra nơi ở trọ của bồ nhí rồi lại tới đánh ghen ầm ĩ cả xóm trọ. 1-2 lần đầu bị phát hiện, chồng chị còn tỏ ra ăn năn, hối hận. Nhưng sau đó "căn bệnh" ngoại tình của anh ta đã thành mạn tính. Ra ngoài cặp bồ, mang tiền đi ăn chơi không lo cho vợ con đã đành, chồng chị N. còn về mắng nhiếc, đánh đập vợ không thương tiếc. Thậm chí anh ta còn đòi ly hôn để có thể thoải mái đến sống với người tình. "Vì con, vì bố mẹ hai bên mà tôi cứ chịu đựng suốt một thời gian dài dù biết chồng ngoại tình. Chính anh ta là người có lỗi nhưng lại đi nói với mọi người rằng vì tôi nên anh mới phải đi ngoại tình. Vợ chồng tôi đã sống trong những ngày dài đày đọa nhau cả thể xác lẫn tinh thần và con cái phải chịu những tổn thương về tâm lý", chị N. nói. Cứ thế trong suốt 15 năm, ký ức của chị chỉ có những lần gửi con cho mẹ chồng để nhờ chị em, bạn bè thân thiết đi đánh ghen...
Mặc dù đã lên bà, nhưng bà Vũ Thị L. ở phố Cô Đông (TP Hải Dương) vẫn thường xuyên bị chồng mắng mỏ, chì chiết vì những việc không đáng có. Bà L. chỉ cần làm việc gì trái ý là sẽ bị chồng chửi bới thậm tệ. Không ít lần trước mặt con dâu, con rể và các cháu nội ngoại, bà bị chồng mắng vì chuẩn bị đồ ăn không chu đáo theo ý ông. Tất cả cũng chỉ vì lý do bà ở nhà nội trợ mà không đi làm kiếm tiền. Ông cho rằng ông là trụ cột trong gia đình và bà là người ăn bám. Các con bà nhiều lần khuyên bà phải lên tiếng mỗi khi ông nói quá lời nhưng bà L. đều cho rằng "một sự nhịn, chín sự lành". Mỗi lần bị chồng mắng mỏ hay nói nặng lời bà L. chỉ biết khóc một mình. "Tôi đã chịu đựng hơn 40 năm rồi, tôi không làm ra tiền nên phải chịu. Để gia đình vui vẻ, tôi chấp nhận được hết cô ạ", bà L. cho biết.
Cả hai người phụ nữ trong câu chuyện trên đều được mọi người xung quanh đánh giá là giỏi cam chịu. Họ cam chịu chỉ vì một mong muốn là các con sẽ được sống trong gia đình êm ấm. Nhưng sự thật thì trong suốt quãng thời gian sống dưới mái nhà đó, người phụ nữ ấy có hạnh phúc và những đứa con của họ có thật sự vui vẻ?
Đừng cam chịu
15 năm sống trong cảnh đi đánh ghen đã khiến chị N. mệt mỏi. Cuối năm 2016, chị N. quyết định ký vào đơn ly hôn như một sự giải thoát cho chính mình và các con. Từ ngày ly dị chồng, chị N. tập trung làm kinh tế lo cho 2 đứa con tuổi ăn tuổi học. Những lúc rảnh rỗi chị lại gặp gỡ bạn bè, cuộc sống vì thế mà vui vẻ hơn. "Ngày mới ly hôn tôi thấy rất hụt hẫng, nghĩ con phải chịu thiệt thòi nên mình càng phải cố gắng. Nhưng hóa ra bây giờ không phải lo giữ chồng, tôi lại có nhiều thời gian dành cho mình hơn, quan tâm nhiều hơn đến mọi người xung quanh", chị N. chia sẻ.
Có kinh nghiệm nhiều năm làm công tác hòa giải và phòng chống bạo lực gia đình, bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Khi gặp những cặp vợ chồng thường xuyên bất hòa trong một thời gian dài, các hòa giải viên thường có ý giúp họ hàn gắn. Tuy nhiên, với những cặp vợ chồng thường xuyên xảy ra xung đột hoặc mâu thuẫn kéo dài không thể giải quyết, không có cách nào tháo gỡ thì các hòa giải viên cũng như người trong cuộc không nên cố níu kéo. Bởi trên thực tế đã có nhiều vụ "già néo đứt dây", vợ bị chồng bạo hành nhưng vì cứ cố nhẫn nhịn mà phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí bằng cả mạng sống. Cũng không nên vì muốn níu giữ hôn nhân mà chấp nhận thỏa hiệp với "căn bệnh" ngoại tình không có thuốc chữa...
Không ai muốn các gia đình tan vỡ, ly hôn nhưng nếu sống trong gia đình không hạnh phúc, suốt ngày dằn vặt nhau thì cuộc hôn nhân đó không khác gì địa ngục. Trong những gia đình đó, phụ nữ và trẻ em thường là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. "Hy sinh, nhẫn nhịn là đức tính quý báu của người phụ nữ Việt Nam. Trong xã hội hiện đại, phụ nữ vẫn cần phải giữ những đức tính này để xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhưng nhẫn nhịn và cam chịu là hai trạng thái hoàn toàn khác nhau, chị em phải biết bảo vệ mình rồi mới có thể bảo vệ con. Và con cái chỉ có thể phát triển bình thường khi sống trong gia đình hạnh phúc thực sự", chị Lê Thị Thanh Thúy, Trưởng Ban Tuyên giáo (Hội Phụ nữ tỉnh) khẳng định.
THANH HOA