Kỳ vọng thị trường xuất khẩu lao động khó tính

19/02/2023 06:00

Ngoài những thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản thì nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ có cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao cũng đang rộng cửa đón người lao động của tỉnh.


Lao động kỹ thuật sẽ có nhiều cơ hội đi làm việc tại các nước có thu nhập cao và chế độ an sinh tốt

Nhiều ưu đãi

Theo thống kê sơ bộ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2.2023, Hải Dương có gần 600 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài những thị trường quen thuộc, số lao động sang Singapore, Romania, Australia, Đức… cũng tăng dần. Nhiều thị trường tiềm năng, vốn rất khó khăn để lao động Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng tiếp cận thì nay đã dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Xuân Bộ, đại diện Công ty TNHH một thành viên Thành Long HD ở đường Trường Chinh (TP Hải Dương) cho biết trong năm 2023, Đức, Australia, Singapore thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với lao động nước ngoài. “Nắm bắt cơ hội đó, rất nhiều lao động Hải Dương đã đến công ty tìm hiểu để tiếp cận các thị trường việc làm tiềm năng này. Ngay trong tháng 1, doanh nghiệp đã tiếp nhận hàng chục bộ hồ sơ đưa người lao động (NLĐ) Hải Dương sang Đức, Australia. Doanh nghiệp đang hoàn thiện thủ tục để hỗ trợ lao động học ngoại ngữ và một số kỹ năng mềm trước khi sang các nước này học tập và làm việc”, ông Bộ nói.


Tập đoàn ICOGroup chi nhánh Hải Dương đang tổ chức nhiều khóa học ngoại ngữ cho lao động có nhu cầu sang Australia làm việc (ảnh doanh nghiệp cung cấp)

Đối với nghề điều dưỡng tại Đức, học viên được tham gia khóa đào tạo 3 năm để trở thành điều dưỡng viên đa khoa, được cấp chứng chỉ quốc gia của Đức. Sau khi kết thúc khóa học, các ứng viên được làm việc và xem xét cho phép định cư lâu dài. Trong thời gian học nghề tại các cơ sở đào tạo của Đức, học viên vẫn được hưởng tiền lương làm thêm ngoài giờ học nghề tối thiểu từ 1.100-1.300 EUR/tháng (tương đương 27,5-34 triệu đồng)… Đây là những thông tin chị Hoàng Thị Hằng ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc) nhận được khi đến Tập đoàn ICOGroup chi nhánh Hải Dương ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) tư vấn tìm cơ hội xuất ngoại làm việc.

Chị Hằng cho biết: “Tuy khó tiếp cận nhưng khi hoàn thành khóa đào tạo nghề, lao động làm việc tại Đức sẽ có thu nhập cao hơn gấp 2-3 lần so với làm việc ở Hàn Quốc hay Đài Loan. Chế độ phúc lợi và các chính sách bảo vệ quyền lợi NLĐ cũng tốt hơn. Bạn cùng xã tôi đi Đức làm điều dưỡng từ 3 năm trước hiện đã có thu nhập hơn 70 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương mơ ước của nhiều lao động”.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã ký kết bản ghi nhớ về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại quốc gia này. Dự kiến, Australia sẽ tiếp nhận 1.000 lao động Việt Nam mỗi năm với mức lương cơ bản từ 3.200-4.000 AUD/tháng (tương đương khoảng 52,8-66 triệu đồng/tháng). Đây là mức thu nhập cao so với nhiều thị trường lao động khác.

Năm 2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục kết nối để đưa lao động Việt sang những thị trường như Canada, Ba Lan, Na Uy, Đan Mạch, Hungary, Bulgaria, Romania... Các quốc gia này đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động thuộc các ngành: điều dưỡng, nhà hàng, dịch vụ làm đẹp, cơ khí… với mức thu nhập khá cao.


Ngoại ngữ đang là rào cản của nhiều lao động muốn sang làm việc tại các thị trường có thu nhập cao, phúc lợi tốt (ảnh tư liệu)

Xóa rào cản

Khi các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống đã bão hòa thì những nơi mới có nhiều ưu đãi về mức lương, thưởng và chế độ phúc lợi sẽ được nhiều lao động nhắm tới. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu vào làm việc tại các nước có mức thu nhập cao kể trên đòi hỏi NLĐ phải vượt qua không ít những tiêu chuẩn khắt khe.

Chị Nguyễn Thị Thanh Phương (ở phố Hàm Nghi, TP Hải Dương) đang làm việc tại Đức chia sẻ một trong những rào cản lớn nhất đối với lao động Việt Nam sang làm việc tại các thị trường khó tính, có yêu cầu cao là ngoại ngữ. Sang Đức, NLĐ phải thi đỗ chứng chỉ tiếng Đức B2, hoặc IELTS 6.5. Ngoài ra, Đức rất chú trọng học nghề tại nước này. Nhiều lao động vượt qua kỳ thi ngoại ngữ tại Việt Nam nhưng khi sang Đức không chịu khó rèn giũa trong thời gian học nghề thì cũng khó có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. “Tôi phải mất gần 2 năm để học tiếng Đức tại Việt Nam, khá tốn kém. Nhiều người sang Đức cũng khá chật vật để học nghề vì thiếu kiên trì”, chị Phương nói.

Chị Mạc Thị Thủy, Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự Công ty CP Nhân lực Kiyokawa (phường Tân Bình, TP Hải Dương) nhận định Australia cũng là một thị trường được nhiều lao động nhắm tới không chỉ vì thu nhập cao mà chế độ và điều kiện sống nơi đây khá tốt. Cộng đồng người Việt tại Australia cũng khá đông. Tuy nhiên, để sang được đây, lao động phải có bằng nghề và phải có kinh nghiệm làm nghề trong một doanh nghiệp với thời gian nhất định và đã được đóng bảo hiểm. “Rõ ràng những thị trường cho NLĐ có thu nhập cao như Australia và một số nước châu Âu, NLĐ sẽ không dễ sang làm việc so với các thị trường dễ tính khác", chị Thủy nói.

Trong thực tế, nhiều người có nhu cầu đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng là lao động phổ thông, trình độ tay nghề còn thấp và phụ thuộc nhiều vào quá trình đào tạo của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của nước bạn. Do đó, sự chênh lệch về trình độ, năng lực và kỹ thuật chính là rào cản khiến cho lao động Việt Nam chưa dễ tiếp cận thị trường lao động ở những nước phát triển của châu Âu hay Austraila, Canada... Vì vậy, lao động qua đào tạo, có kỹ năng nghề và ngoại ngữ tốt sẽ có cơ hội việc làm tốt và phát triển tại các nước có yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Kỳ vọng thị trường xuất khẩu lao động khó tính