Trong tỉnh

Cái khó của phóng viên thể thao "tỉnh lẻ"

CẨM GIANG 21/06/2024 14:30

Làm gì, làm cách nào để có thông tin nóng hổi nhất về vận động viên đang tranh tài tại các giải thể thao trong nước, nhất là quốc tế luôn khiến các phóng viên thể thao đau đầu.

z5516404408674_af62be2c010fb73586e272e1d1d1f760-1-.jpg
Đội bóng đá U11 Gia Bảo Hải Dương dự Giải bóng đá U11 toàn quốc năm 2023. Tại giải này, phóng viên thể thao Báo Hải Dương đã có mặt tại Đắk Lắk để thông tin về toàn bộ giải đấu

Khắc phục khó khăn, phóng viên thể thao đã chuyển tải đến bạn đọc những tin tức, hình ảnh kịp thời nhất.

"Đi như ngựa vía"

Phạm Việt Phương làm phóng viên thể thao của Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương trong một thời gian khá dài, trước khi chuyển sang công tác ở cơ quan báo chí khác. Thời điểm còn làm thể thao, anh được đồng nghiệp trêu đùa là "đi như ngựa vía", bởi những giải thể thao đáng chú ý có các vận động viên Hải Dương tranh tài ở trong nước là anh có mặt.

"Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hải Phòng... tôi đều có mặt, nhất là khi các đội bóng đá U11 Gia Bảo Hải Dương, U13 HADUWACO Hải Dương thi đấu", anh Phương nói.

Cho đến bây giờ, ngoại trừ các cơ quan báo chí lớn, mạnh về mảng thể thao mới dành kinh phí cho phóng viên đi tác nghiệp tại các giải đấu, còn lại tất cả phóng viên cơ bản đều phải tự túc, từ phương tiện đi lại, ăn ở. Vì vậy, theo anh Phạm Việt Phương, xong mỗi giải, tổng kết lại thì nhuận bút, khen thưởng đều "lỗ vốn" so với kinh phí đã bỏ ra.

320812806_707417664163885_7625398163759481721_n(3).jpg
Phóng viên Hoàng Anh (ngoài cùng bên phải) và các đồng nghiệp trong một sự kiện thể thao

Anh Hoàng Anh cũng là một phóng viên ảnh thể thao nhưng đang làm tự do tại Hà Nội. Anh thường đi theo các sự kiện thể thao quốc tế theo đơn đặt hàng của các tòa soạn hoặc miễn phí cho bạn bè thân thiết. Một số giải bóng đá khu vực có đội tuyển Việt Nam tham dự, anh đã phối hợp với phóng viên Báo Hải Dương để chuyển tải đến bạn đọc những bức ảnh mới nhất về các cầu thủ người Hải Dương thi đấu. Đi nước ngoài thì khó khăn nhất là giao tiếp, tìm nơi ăn ở, phương tiện đi lại, vì phóng viên tự do hầu như không được tình nguyện viên hỗ trợ và ít khi được sử dụng hạ tầng của các trung tâm báo chí. Vì vậy, phóng viên phải tự xoay xở. "Có một kỳ SEA Games, tôi phải chuyển USB ảnh vào trung tâm báo chí để đồng nghiệp người Việt Nam trong đó chuyển giúp về các tòa soạn đã đặt ảnh", anh Hoàng Anh nói.

Đào tạo cộng tác viên

Ở nhiều giải thể thao trong nước mà các đội tuyển Hải Dương tham dự, người viết bài này không thể có mặt. Song không vì thế, thông tin về các giải đấu bị bỏ sót trên Báo Hải Dương.

Hiện nay, hầu hết huấn luyện viên, vận động viên thể thao đều có smartphone chất lượng tốt. Đây là cơ hội cho phóng viên thể thao có nguồn ảnh được cung cấp ngay tại sự kiện, bảo đảm tính thời sự, khi không có điều kiện đến tận nơi. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể nhờ để chụp ảnh, hoặc nhờ được thì cũng phải mất rất nhiều thời gian "đào tạo từ xa" về cách thức chụp, khuôn hình, khoảng cách... Trong khi huấn luyện viên, vận động viên bận với việc thi đấu nên chụp ảnh giúp phóng viên không phải ưu tiên hàng đầu.

Liên hệ với đồng nghiệp các báo khác nơi các giải thể thao diễn ra để nhờ chụp ảnh, lấy thông tin cũng là cách nhiều phóng viên thể thao áp dụng, song cũng "được chăng hay chớ". Lý do bởi một số báo không chú trọng thể thao nên chỉ cử phóng viên đưa tin đầu tiên và tin bế mạc giải, không bám sát giải đấu.

img_6521-2(1).jpg
Phóng viên Báo Hải Dương và phóng viên nước ngoài tại SEA Games 31

Một điều "tế nhị" nữa khiến các phóng viên thể thao gặp không ít khó khăn, đó là nhiều người làm thể thao rất đề cao "tâm linh". Ví dụ có giải bóng đá nhi đồng tổ chức tại Đắk Lắk, phóng viên Báo Hải Dương tự đi vào, tự đặt khách sạn và tìm chỗ ăn khác nơi ở của đội tuyển, chỉ khi thi đấu thì mới xuất hiện. Và khi gặp đội tuyển Hải Dương trong sân thì cũng chỉ chào xã giao chứ không trò chuyện gì. Kể cả khi vào giờ nghỉ giữa hiệp, phóng viên cũng giữ ý không giao tiếp với ban huấn luyện hoặc cầu thủ. Vì thế, dù có mặt tại sự kiện nhưng trao đổi thông tin giữa phóng viên với thành viên đội thể thao cũng rất hạn chế. Đặc biệt, khi đội tuyển thi đấu không thành công, phóng viên thể thao xuất hiện rất dễ bị "vạ lây".

Nhiều phóng viên thể thao chuyên nghiệp đã đánh giá, để làm thể thao, phóng viên phải hết sức linh hoạt. Sự linh hoạt này tự thân phóng viên trau dồi, học hỏi đồng nghiệp, tự sáng tạo. Bởi lẽ, hầu như mỗi sự kiện thể thao ban tổ chức lại có những quy định khác nhau cho phóng viên tác nghiệp và nhiều tác động ngoại cảnh khác buộc phóng viên phải xử lý, với mục đích cuối cùng là đẩy được thông tin, hình ảnh về tòa soạn một cách nhanh nhất.

Dù khó khăn, song tin tức, hình ảnh thể thao từ khắp nơi liên tục xuất hiện trên các mặt báo, cho thấy phóng viên thể thao đều linh hoạt vượt trở ngại với mục tiêu cao nhất là phụng sự bạn đọc.

CẨM GIANG
(0) Bình luận
Cái khó của phóng viên thể thao "tỉnh lẻ"