Nữ nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa

21/06/2023 11:29

Đi công tác Trường Sa! đơn giản ngắn gọn thế nhưng gói cả khát vọng, ước mơ, sự hãnh diện và vô vàn nguy hiểm với những người làm báo, và với nhà báo nữ nó lại càng đặc biệt!


Nhà báo Trương Thị Thương Huyền (thứ 2 từ phải sang) cùng các nhà báo nữ trên đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa năm 2015 (ảnh tư liệu)

Chuẩn bị, lên đường

Việc đi công tác dài ngày với các nhà báo nữ không còn là chuyện lạ. Gia đình, người thân của họ cũng đã quen với những ngày vắng họ ở nhà. Nhưng để đi công tác Trường Sa mùa cuối năm lại là chuyện khác. Ồ, sao lại cứ phải nhấn mạnh chuyến công tác Trường Sa mùa cuối năm nhỉ? À bởi cuối năm là chuyến đi biển thay thu quân, là chuyến chuyển hàng Tết cho quân dân các đảo và cơ bản nó là chuyến đi ẩn chứa nhiều nguy hiểm bởi sóng gió khác với chuyến đi tháng 4, tháng 5 mùa biển lặng gắn với thành ngữ mùa "bà già đi biển".

Đàn bà đi biển! Đủ thứ bà rằn: từ quần áo tư trang, nhặt cái này vào bỏ cái kia ra, đồ đi làm, đồ giao lưu, đồ tác nghiệp; rồi mang quà gì cho lính, cho nhà chùa; quà gì cho trẻ con trên đảo... đồ cứ như mẹt hàng xén bày ra. Rồi sổ ghi chép, máy ảnh, thẻ nhớ... và đặc biệt là ríu ran nhắn nhủ hỏi kinh nghiệm những người đã từng đi Trường Sa trước đó! Xong chuẩn bị việc nghề là chuẩn bị việc nhà, nhờ đồng nghiệp bố trí việc chuyên môn, chạy bài cho đủ định mức, nhờ người trông nhà, chăm con... cũng lại loạn xà ngầu! Tất tật gói trong thời gian chừng 1 tuần để rồi cuối cùng là: ba lô trên vai, cất cánh vào vùng 4 để hẹn hò với nắng gió Trường Sa!

Rồi Trường Sa hiện ra kiên cường và kiêu hãnh sau khi chúng tôi bỏ lại sóng gió và những cơn say đến tưởng nạo hết cả gan ruột đổ ra biển, nhập vào đoàn phóng viên các báo khác hành quân tới!

Khác với trên đất liền, tác nghiệp báo chí ở Trường Sa có nhiều cái khó, nhưng có lẽ, sẽ rất dài dòng, đôi khi là lặp lại nếu cứ nói mãi, viết mãi về điều ấy. Chỉ biết với các phóng viên tác nghiệp trên quần đảo này, cái tên Trường Sa - mảnh đất có ý nghĩa là “Bãi cát dài” ấy sau 30 ngày trở nên rất đỗi thân thương, các phóng viên nữ gắn bó với nhau như chị em gái! Gạt hết gian nan, vất vả của hải trình, xếp sang một bên những quy định khắt khe đối với những nhà báo nữ được phân công đi công tác Trường Sa, cảm xúc về một vùng đất mới, về những nhân vật mới choáng ngợp chúng tôi, để đến tận hôm nay, khi đã xa Trường Sa cả quãng thời gian rất dài, nhắc lại vẫn thấy bồi hồi, trở thành ký ức không thể nào quên. Trong những chuyến công tác Trường Sa đầy kỷ niệm ấy, các nhà báo nữ thêm một lần khẳng định, tất cả những gì khó khăn nhất trong nghề báo, trong cuộc sống đều có thể vượt qua bằng ý chí, tình yêu nghề và quyết tâm.

Chuyện nghề

Ở Trường Sa, việc tác nghiệp của phóng viên hơi khác so với ở đất liền. Nếu trong bờ, phóng viên đôi khi phải đi hàng trăm cây số để thu thập tư liệu và phỏng vấn thì ở Trường Sa, tại đảo nổi, phóng viên chỉ mất khoảng 15 phút đã đi bộ hết diện tích đảo. Còn ở đảo chìm, đôi khi chỉ cần đứng một chỗ tác nghiệp. Đó là thuận lợi nhưng cũng là bất lợi. Có chuyến đi, gần bốn chục phóng viên của các báo hình, báo viết, báo nói tập trung trong một đoàn công tác, chỉ riêng chuyện khai thác thông tin, lấy góc độ máy để quay phim, chụp ảnh đã là cả một vấn đề. Làm thế nào để đề tài không trùng lặp với các báo, đài khác là chuyện đau đầu. Tạp chí văn nghệ đương nhiên không thể viết theo lối của báo thông tấn mà Trường Sa phải mang hơi thở của văn nghệ. Xác định điều ấy nên giữa cái hầm hập của nắng, của gió, cái chen chúc, chật chội của rừng máy móc lấy thông tin, tôi lẳng lặng ngắm nghía, chụp ảnh và ghi chép bằng tâm tình gắn với giới tính nữ của mình! Từ tiếng đập cánh của con muỗi trên góc khuất của đảo, đến ánh hoàng hôn chìm dần vào chân sóng hay những con lợn cùng nhau đi dạo dưới mưa đảo, rồi tiếng chim gù dưới trăng khuất trong tán bàng vuông… Tất tần tật đều ghi chép vào sổ, tâm niệm trong lòng, không viết ngay thì sẽ có “lương khô” dự trữ, tha hồ viết trong nay mai. Chụp ảnh cũng vậy, phóng viên nam, phóng viên báo đài thông tấn chộp ảnh trao quà, duyệt đội ngũ, thể thao, trồng rau, chăn lợn… thì tôi chụp tất cả những gì tôi nhìn thấy cho dù góc máy ấy đẹp hay không đẹp, đủ sáng hay thiếu sáng… Đó có lẽ là nét khác biệt duy nhất của một nhà báo nữ, phóng viên văn nghệ với phóng viên của các báo, đài khác. Quyển sổ ghi chép và thẻ nhớ máy ảnh của tôi dầy lên theo từng chặng của hải trình.

Những ngày trên tàu và xuống đảo, tôi đã tận mắt chứng kiến sự xả thân làm việc của các đồng nghiệp... Thôi thì đủ tư thế lấy tư liệu, bất chấp hiểm nguy. Khi sóng nhồi tàu dữ dội nhất, phóng viên nữ Bế Thị Vui của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương vừa ôm túi nôn, vừa nhào ra mạn, cổ đeo máy ảnh, vai vác máy quay, hy vọng có được những bức ảnh, thước phim “hoành tráng” nhất của sóng Trường Sa. Rồi Hảo, nữ phóng viên Đài Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng đang quặp chân theo lối “xoắn quẩy” vào chân bàn ăn hy vọng giữ thăng bằng để chén nốt được bát mì tôm bỗng phát hiện ra tư thế quá đẹp của chàng lính trẻ trong tổ phục vụ bếp khi đang làm nhiệm vụ. Thế là mặc bát mì tôm đổ nghiêng trên bàn, vẫn tư thế xoắn quẩy ấy, nhà báo với máy ảnh đang quàng trên cổ, vặn người đủ tư thế để chụp. Sau này, đám phóng viên cùng đoàn đùa: “Nhuận ảnh, nhà báo phải chia cho cái chân bàn phòng ăn trên tàu một nửa…”. Không có vụ “xoắn quẩy” vào chân bàn để giữ thăng bằng, lấy đâu ra những tác phẩm “một đi không trở lại” ấy. Hoàng, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam vừa ra trường, say nghề quá, leo cả lên cây bàng để chụp ảnh, hai chân quặp chặt vào thân cây cho vững, còn tay cứ thế bấm máy, nhìn không khác gì họ nhà Tôn Ngộ Không. Tôi cùng Phương Mai, nữ phóng viên Báo Nhân Dân thì cứ lọ mọ vác máy hết chỗ này đến chỗ khác, dù có nơi không được quay phim, chụp ảnh nhưng vẫn cứ đi. Biết đâu “vồ” được “món gì đó”. Rồi chuyện phóng viên đầu trần vác máy chạy theo để quay hoạt động của bộ đội không hề là chuyện hiếm. Chỉ có điều, những chi tiết ấy đều được “đồng đội” nhà báo ghi lại, còn “nạn nhân” của những “bức ảnh không thể có lời bình” lại cứ ngỡ mình “vô can”. Ấy là chuyện của Chu Sen, phóng viên nữ đài Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nam. Giữa một rừng máy quay, máy ảnh, để lấy được tư liệu về chiến sĩ đảo Sơn Ca, cô phóng viên trẻ vốn rất năng nổ, luôn cười rạng rỡ hay hát véo von, thường xuyên vác máy chạy dưới cái nắng như cháy da thịt trên đảo khiến các chiến sĩ cũng phải trầm trồ thán phục này đành chui vào giữa những đôi chân các đồng nghiệp nam, ngồi lom khom, ghếch mặt lên để ghi hình, phỏng vấn. Tư thế ấy thật khó mô tả! Chỉ biết, sau vụ lấy tư liệu “vô tiền khoáng hậu” kia, đoàn nhà báo được chiêm ngưỡng một tấm hình “không thích cũng phải cười”, còn Chu Sen thì “bỗng dưng muốn khóc…”.

Võ “canh sóng”

Đến Trường Sa, đối với các nhà báo thì mỗi con người, cảnh vật nơi đây đều tạo những cảm xúc muốn được thể hiện ngay trên mặt báo để chia sẻ với bạn đọc. Và có lẽ như vậy nên ai cũng viết thật nhanh để gửi tin bài về tòa soạn. Nhưng cái khó là để gửi được tin, bài về bảo đảm kịp thời, nhanh chóng là cả sự kỳ công và kiên trì của mỗi phóng viên. Sau ngày đầu tiên tác nghiệp trên đảo, phóng viên nào cũng hăm hở gửi tin, bài, ảnh về toà soạn. Khổ nỗi, sóng trên đảo chỉ là sóng 2G, đường truyền rất chậm. Trong khi đó, hàng chục phóng viên gửi tin, bài cùng lúc, cộng thêm việc người trên đảo cũng sử dụng điện thoại nên nghẽn mạng là chuyện thông thường. Những lúc ấy, tất cả đều bó tay! Rồi “cái khó ló cái khôn”, anh em phóng viên tìm ra cách gỡ. Trên đảo, cán bộ, chiến sỹ sinh hoạt theo nền nếp, ăn uống, làm việc, tập luyện và tăng gia sản xuất đều rất đúng giờ. Buổi đêm, đúng 21 giờ 30 phút, tất cả phải đi ngủ, trừ lực lượng tuần tra. Nhưng với các nhà báo thì “KHÔNG” vì đây là lúc sóng 2G khỏe nhất, phóng viên phải chia nhau “canh sóng” để gửi tin, bài về. Mỗi chiếc ảnh trước khi truyền về đều được nén đến mức thấp nhất có thể sử dụng được. Vậy mà để gửi 1 file tin, bài cộng thêm 1 - 2 chiếc ảnh cũng phải mất 2 - 3 giờ. Vui, nữ phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương gửi file video mất gần 10 tiếng, đi đứt một đêm. Sáng tạo hơn, Thu Hà - Phóng viên Đài Hậu Giang viết bài xong để luôn máy tính ở đầu giường, nhấn phím gửi dữ liệu, hẹn giờ báo thức để kiểm tra tình hình đường truyền rồi tranh thủ ngủ. Ấy vậy nhưng khi gửi về được 1 nửa thì bị nghẽn mạng, mất sóng, Hà gào lên thảm thiết khiến đảo suýt “báo động”. Đành làm lại từ đầu. Chưa hết, để tránh cảnh “đang vui thì đứt dây đàn” không gửi được tin bài về tòa soạn, nhiều nhà báo nữ ôm laptop bước chầm chậm để “dò sóng”. Chỗ nào “nhiều vạch”, là dừng lại, bất chấp chỗ đó đang là giữa sân bê tông nắng chang chang. Thu Hương, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Đăk Lăk đội nắng, ôm máy trước ngực thấy “vạch” lò dò, giơ máy lên quá đầu, ngửa mặt nhìn, thấy “vạch” chạy nhanh hơn, thế là cứ đứng ngửa cổ giữa giời, hai tay giơ laptop lên cao quá đầu, miệng không ra cười cũng chẳng ra mếu, cứ lập bập: "Hai vạch rồi! Hai vạch đây rồi"! 

 Và một kho kỷ niệm

Nếu bình chọn mảnh đất nào trên đất nước Việt Nam bị “cày xới” nhiều nhất bởi báo chí, tôi bình chọn cho “quần đảo bão tố” - Trường Sa. Để đi được nước ngoài còn dễ, chứ để đến với Trường Sa vừa là khao khát vừa là thách thức đối với mỗi nhà báo. Và muốn thành công trong hành trình ấy, ngoài chuyện vững tay nghề thì sức khỏe, sự dẻo dai, nhanh nhạy, kinh nghiệm và cả chút may mắn là hành trang không thể thiếu.

Kết thúc hành trình, đêm đầu tiên về lại nhà khách vùng 4, đoàn báo chí tổ chức “họp rút kinh nghiệm”. Bên những vòng tay ấm, ti tỉ bài học sau chuyến đi được rút ra. Nhưng đúc kết lại, chúng tôi đều thống nhất: Đầu tiên phải kể đến kinh nghiệm đi biển. Vô vàn cách, nhưng tốt nhất phải biết “giữ mình”, với phương châm "còn người, còn tất” nên phải giữ sức, nhất là những ngày đầu mới lên tàu, phải nằm nhiều, đi ít, lên boong ít để “dỗ” cơ thể mình quen dần với sóng biển. Khi đã “nhập gia tùy tục”, bạn có thể vượt qua nhiều cú “cựa mình” của Long Hải Đại vương. Lúc ấy mới hy vọng tham gia cuộc chiến với sóng gió một cách chính thức. Thứ đến phải tính chuyện bảo vệ trang thiết bị. Môi trường nước biển, gió biển, nắng biển khiến đồ nghề của nhà báo dễ “dở chứng”. Chuyện “thà đen mà giữ …máy” khi đi Trường Sa không còn là “chuyện của riêng ai”. Chiếc khăn duy nhất tôi có trong chuyến đi không dùng để đội đầu, che nắng mà dùng để “bọc máy ảnh”. Chỉ sơ sẩy một chút, công sức suốt chuyến đi có thể đi tong. Hương – Phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai trong hành trình cùng chúng tôi đã phải trả giá vì việc “say nghề quá” ấy. Đang rê máy quay cảnh sóng liếm theo bước chân chiến sĩ tuần tra bên mép đảo Nam Yết, biển vẫn rất hiền hòa, thế mà “ào”, không đầy nửa giây đồng hồ, cả con sóng lớn từ đâu ập vào, đổ tràn vào lưng, phủ luôn cả máy quay. “Tắm máy rồi!”. Mà tắm bằng nước biển thì “Thôi rồi Lượm ơi”, bao công lao lại gửi về với biển. Không còn cách nào khác, nữ nhà báo đành ngồi ôm cái máy ướt nhoẹt rồi bật khóc ngon lành! Thế là suốt hành trình còn lại, đành cậy nhờ vào sự san sẻ của đồng nghiệp chứ biết làm sao! Còn tôi, khi rời đảo Song Tử Tây đúng ngày sóng lừng, máy ảnh đã bọc kín trong bao ni lông do nhà tàu phát, nhưng tiếc rẻ cảnh xuồng cưỡi sóng đưa phóng viên ra tàu quá hùng vĩ, tôi lôi Iphone ra chụp. Một cú lắc của biển! Con sóng chồm tới đánh xuồng trung chuyển của tôi tung lên rồi ngụp xuống. Điện thoại trượt khỏi tay, tôi vội vã cong người như con tôm vồ lại nhưng không kịp. Người ướt hết mà điện thoại đành gửi tặng Long Vương.... Thế là bao hình ảnh từ lúc đi có trong máy đành “giã biệt”! Kinh nghiệm này, kinh nghiệm khác còn có lời ra, ý vào, chỉ riêng một điều ai cũng phải đồng tình, đó là sự chia sẻ, tinh thần tương trợ của chính đồng nghiệp trong khi làm việc. Có trực tiếp “lội chân xuống nước”, lăn lóc trong nắng, trong gió, trong khó khăn, vất vả mới thấy tác nghiệp tại Trường Sa không thể “chỉ một mình”, đồng đội rất quan trọng. Không có sự chia ngọt sẻ bùi, không có sự tương thân tương ái cả về tinh thần và vật chất của các phóng viên trong đoàn, chắc chắn, tôi không thể hoàn thành chuyến công tác kéo dài hàng chục ngày tại Trường Sa. Và giờ, khi đã xa Trường Sa cả nghìn cây số, khi mỗi thành viên trong đoàn nhà báo đi công tác Trường Sa cùng tôi đã mỗi người một phương, tất bật túi bụi với công việc, với cuộc sống riêng thì những bức hình, những thông tin báo chí, và cả những viên thuốc cảm, những quả quýt, những miếng cơm cháy, bát cháo hay những hạt gạo rang chúng tôi chia sẻ cùng nhau vẫn ăm ắp, rưng rưng. Tôi không thể quên Thu Hà, nữ nhà báo của Sài Gòn Giải phóng cứ chiều đến lại cặm cụi: "Để em đi xin nước nóng cho chị tắm chứ chị yếu, bị dị ứng nữa dễ đổ bệnh"! Tôi cũng không quên nổi đôi dép tông duy nhất Vui của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương kỳ công vác lên tàu rồi nhường cho tôi vì "chân chị nhỏ, mang dép bộ đội rộng size nó cứa trầy hết gót chị rồi kìa"! Bên tôi còn đó hình bộ quần áo mưa duy nhất mà Hương, Đài Phát thanh - Truyền hình Đăk Lăk trùm lên tôi khi xuồng vào An Bang vì "chị đang bệnh không để chị ướt được"... Rồi những "chị ơi sao em không thể ngủ, chị dậy nói chuyện với em đi" đầy nũng nịu của Chu Sen; hay "cả nhà mình dậy đi ăn đi, say cũng phải đi vì em đói" mà Hương đốc mọi người đang nằm bệt vì sóng vật; cả cái tội "ai ăn vụng kẹo sâm mà thơm vậy ta".... cũng cứ vấn vít đâu đây... Để rồi khoảng thời gian lăn lóc cùng vùng biển đảo ấy, cùng khoảng trời ấy vẫn cứ thấm sâu, len lỏi trong tim chúng tôi - những người làm báo. Với chúng tôi, nỗi nhớ thương Trường Sa sẽ còn quay quắt qua nhiều tháng năm! Và với những nhà báo nữ, Trường Sa với biển với trời, với đất với người, từng chiếc lá, ngọn cỏ nơi đây đều để lại dấu ấn trong tim họ, trái tim của những người phụ nữ với bao ngân rung rất riêng bởi thiên chức làm vợ, làm mẹ gắn trong niềm đam mê với nghề báo!

Bút ký củaHOÀNG THƯƠNG

(0) Bình luận
Nữ nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa