Từ hơn 1 năm nay, tin tức về các vụ đánh đập, dâm ô, chửi bới, kiện tụng giữa nhà giáo và học sinh, phụ huynh liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Dư luận xã hội như lên cơn sốt trước căn bệnh xuống cấp đạo đức ngày càng trầm trọng của môi trường giáo dục. Ngày 11.3 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo, khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo. Bộ yêu cầu cơ quan chức năng xử lý kịp thời, không bố trí đứng lớp những giáo viên vi phạm đạo đức nghề giáo, trong đó những trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành.
Rất nhiều người quy trách nhiệm, chỉ trích các trường nói riêng, ngành giáo dục nói chung về tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của nhiều nhà giáo và học sinh. Cần đánh giá vấn đề này như thế nào để bảo đảm sự thấu đáo, toàn diện và công bằng?
Tất nhiên các trường, ngành giáo dục và đào tạo phải chịu trách nhiệm đầu tiên, trực tiếp nhất về tình trạng này. Điều ấy không cần bàn cãi. Song nếu chỉ coi trách nhiệm ấy từ phía ngành giáo dục và đào tạo là chưa đầy đủ và phiến diện.
Môi trường giáo dục có 3 thành tố chính là gia đình, nhà trường, xã hội. Các thầy cô giáo, học sinh chịu tác động từ cả 3 thành tố này, mà thành tố nào cũng rất quan trọng.
Trong một gia đình mà ông bà, bố mẹ không gương mẫu, vi phạm pháp luật, chắc chắn con cháu họ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Ngày càng nhiều gia đình mà nếp nhà bị rối loạn, cha mẹ không làm tròn nghĩa vụ của mình, con cái không làm đúng bổn phận người làm con. Không ít gia đình coi nhẹ giáo dục đạo đức cho con cái, có tư tưởng phó mặc cho các nhà trường. Họ cho rằng nếu con cái mình hư hỏng thì lỗi hoàn toàn thuộc về nhà trường.
Hiện nay, đạo đức xã hội xuống cấp là một thực tế. So với tiền tài, lợi lộc, địa vị, danh vọng, quyền lực thì đạo đức đang bị nhiều tổ chức, cá nhân coi là thứ yếu. Mặt tiêu cực của kinh tế thị trường tác động hằng ngày đến tâm lý, đạo đức con người. Nhiều bản sắc tốt đẹp, giá trị cốt lõi của con người dần phai nhạt, thậm chí biến đổi theo chiều hướng xấu trước những cám dỗ của đồng tiền. Vì kiếm lợi bất chính mà có những người bán rẻ lương tâm mình. Truy cập internet, người ta thấy thông tin về cái xấu, cái ác tràn lan, còn thông tin về những nét đẹp của con người thật hiếm. Các học sinh sống trong môi trường xã hội xuống cấp như vậy chắc chắn bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau. Không loại trừ những học sinh bị “nhiễm bệnh” từ thời đi học, nay trở thành những thầy cô đứng trên bục giảng và vi phạm đạo đức nhà giáo.
Nhà trường là một bộ phận của xã hội, chịu ảnh hưởng từ xã hội, chứ nhà trường không phải là một “tháp ngà” đứng biệt lập với xã hội. Khi môi trường xã hội chưa an toàn, lành mạnh thì làm sao môi trường trong nhà trường an toàn, lành mạnh được.
Từ việc nhận thức đúng vị trí, vai trò, mối quan hệ giữa 3 thành tố gia đình - nhà trường - xã hội sẽ thấy được nguyên nhân sâu xa và trách nhiệm phòng chống sự xuống cấp đạo đức trong nhà trường. Trách nhiệm đó phải có từ cả 3 thành tố. Không nên ảo tưởng rằng môi trường giáo dục sẽ hoàn toàn trong sạch như nước cất, mà quan trọng hơn là tìm ra giải pháp hữu hiệu để phòng chống suy thoái đạo đức, phẩm chất của nhà giáo, học sinh.
Đạo đức là cái gốc của con người và xã hội. Khi cái gốc ấy bị sâu mọt ở đâu đó, khi việc giáo dục đạo đức cho con người nói chung, học sinh và nhà giáo nói riêng chưa được coi trọng đúng mức thì tất yếu sẽ dẫn tới những tổn thương đau đớn.
NINH TUÂN