Cái giá của danh hiệu học sinh giỏi

25/07/2022 07:05

Con gái tôi học lớp 12. Con kể một câu chuyện khiến tôi suy nghĩ.


Ảnh minh họa 

Bạn con đạt giải quốc gia nhưng trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn chưa định hướng được cho mình sẽ học ngành gì, mong muốn trở thành người như thế nào trong tương lai.

Gần đây, tôi đi dự lễ tuyên dương học sinh giỏi mà lòng trĩu nặng khi phát hiện ra ít em được giải cao có cử chỉ và thái độ ứng xử linh hoạt. Một số em thậm chí còn có biểu hiện thụ động, phản xạ kém. Dẫn chứng là khi người lãnh đạo trao khen đưa tay ra bắt em không biết phải làm thế nào. Cánh tay của người lãnh đạo giơ ra đến ba lần em vẫn chưa có phản xạ tương ứng.

Nhớ lại thời chúng tôi đi học, khi đó chưa ai nói đến kỹ năng sống. Nhưng chúng tôi sáng đi học, chiều đi gặt lúa. Đến trường dù cuốc bộ hay đạp xe đều đầy ắp kỷ niệm gắn với những con đường lầy lội mùa mưa hay những trưa hè nắng gắt. Tuổi học trò có những lần trốn học đi chơi, đi bơi, thậm chí bị đuối nước hụt. Chúng tôi có những người thầy không ngại giờ chào cờ bày trò làm thí nghiệm hoá học cho khói bay lên như một câu chuyện bí ẩn. Chúng tôi cũng có những người thầy thường xuyên ra sân đá bóng với học trò, khích lệ chúng tôi chơi những trò chơi tập thể.

Trở lại chuyện của con gái tôi, cháu không chỉ có những người bạn là “những con mọt sách”. Cháu có người bạn không được giải học sinh giỏi cấp nào nhưng lại “săn” được học bổng của nhiều trường đại học danh giá bằng cách bồi đắp kỹ năng tiếng Anh, những hoạt động ngoại khoá, những bài luận tự do phóng khoáng. Con gái tôi cũng sớm rời khỏi đội tuyển học sinh giỏi để đi theo con đường của riêng mình. Cháu học theo cách cháu nghĩ là tốt cho tương lai nghề nghiệp cháu theo đuổi. Cháu biết lắng nghe ý kiến của bố mẹ, ông bà và những người thầy để tự rút kinh nghiệm. Cháu chăm đọc sách và chú ý đến những điều xảy ra quanh mình, cảm nhận cuộc sống bằng tâm hồn mới lớn. Cháu có tấm gương là những người thành đạt, những thần tượng để theo đuổi.

Gần đây, tôi được xem bài phát biểu của giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tại Lễ bế giảng và trao bằng cử nhân năm 2022. Tôi rất chia sẻ với vị giáo sư khi nói rằng: Giáo dục phải bắt đầu từ những điều gần gũi, bắt đầu từ trong nhà mới ra ngoài ngõ. Phải bắt đầu để mỗi trẻ biết thương cha, thương mẹ, biết cảm thông với nỗi nhọc nhằn, biết bưng bát cơm là chắt chiu từng hạt, biết hỏi han khi mẹ cha trái gió, trở trời.

Giáo dục để trẻ đến với nhau bằng tình thương trang lứa, để mỗi em thơ không mặc cảm giàu nghèo. Cái cao cả của một nền giáo dục không phải chỉ tạo ra các chuyên gia thật giỏi giang, mà thành công trước tiên là tạo ra những con người ứng xử văn minh và có tấm lòng rộng lượng.

Giáo dục để mỗi trẻ biết yêu thương đồng chua nước mặn, biết quý cái dải cát trắng trải dài, biết thương vách đá cheo leo và biết ơn đến từng nắm đất. Giáo dục để mỗi trẻ biết một thời đau thương của đất nước, biết thương non sông này đã mấy bận chia đôi; biết ơn hàng triệu người đã hòa vào lòng đất để bình yên có được hôm nay…

Tôi không kỳ thị chuyện đào tạo học sinh giỏi và các cháu học sinh giỏi. Thực tế có những cháu đã trở thành nhân tài hay chuyên gia ở một lĩnh vực cháu theo đuổi. Nhưng tôi không muốn số đông các cháu học sinh trường chuyên phải trả giá khi bỡ ngỡ bước vào cuộc sống thực sau chuỗi ngày ôn luyện kiểu “đóng kín cửa tu luyện”.

NGUYỄN THỊ THANH VÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cái giá của danh hiệu học sinh giỏi