Tin tức

Cải cách tiền lương cho cả khu vực công và tư

Theo TTXVN 08/11/2023 19:23

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, sắp tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế, tiết kiệm các khoản chi để bảo đảm nguồn chi lương cho người lao động.

Thu tuong: Cai cach tien luong cho ca khu vuc trong va ngoai nha nuoc hinh anh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, tại phiên chất vấn sáng 8/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Với câu hỏi của đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP Hồ Chí Minh) về vấn đề tiền lương, Thủ tướng cho biết đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm, bởi đó vừa tái tạo sức lao động, vừa là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia vào việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Vừa qua, do đại dịch COVID-19, nguồn lực có hạn, dẫn đến việc thực hiện cải cách tiền lương còn khó khăn. Chính phủ đã cố gắng trích lập, tăng thu, giảm chi, tiết kiệm các khoản để có 560 nghìn tỷ đồng chi cho cải cách tiền lương.

Đồng thời, song song với cải cách tiền lương khu vực nhà nước, chúng ta cũng thực hiện cải cách tiền lương khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, sắp tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để bảo đảm nguồn chi lương cho người lao động.

Trả lời chất vấn của đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) về giải pháp chấn chỉnh tình trạng cháy, nổ, Thủ tướng nêu rõ làm tốt công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, nâng cao ý thức của người dân là rất quan trọng; tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất.

Đặc biệt lưu ý vấn đề quy hoạch, xây dựng, tiêu chuẩn, tiêu chí; sự tham gia và vào cuộc của người dân, của tổ dân phố, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng, chống cháy, nổ; hiện đại hóa các lực lượng nòng cốt phòng cháy, chữa cháy...

Chất vấn Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho biết Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có giao Chính phủ chỉ đạo kịp thời để thể chế hóa và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể chế hóa được nội dung này. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết đến khi nào sẽ thực hiện nhiệm vụ mà nghị quyết giao.

Thu tuong: Cai cach tien luong cho ca khu vuc trong va ngoai nha nuoc hinh anh 2
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn

Trả lời đại biểu, Thủ tướng thẳng thắn: “Chúng tôi xin nhận khuyết điểm việc này, có giao nhiệm vụ mà chưa hoàn thành thì phải nhận khuyết điểm, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm và phải tập trung hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chúng tôi sẽ lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành. Bản thân Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách phải vào cuộc cùng với các bộ, các ngành.”

Trao đổi tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến (Bình Thuận) đặt câu hỏi: Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và số liệu thống kê, hiện nay, tỷ lệ lực lượng lao động có việc làm phi chính thức của cả nước chiếm trên 65% và lên đến trên 30 triệu lao động. Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ phải có giải pháp cho thực trạng này. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ đã có giải pháp hiệu quả nào để đưa nguồn lực này vào phát triển và phục hồi kinh tế-xã hội, cũng như giúp cho người lao động tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội của đất nước?

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đầu tiên là phải tạo sinh kế cho người dân. “Muốn có công ăn việc làm thì phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là khu vực công nghiệp là chuyển dịch từ lao động ở khu vực phi chính thức, khu vực nông thôn ra thành thị. Bên cạnh đó, phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động. Liên quan đến an sinh xã hội, chúng ta phải làm tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ nhau,” Thủ tướng nói.

Chính phủ đang tập trung xây dựng các giải pháp cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật đã ban hành để đi vào cuộc sống và từ đó giải quyết được vấn đề lao động, việc làm. Đây là một vấn đề quan trọng và sẽ tiếp tục được chỉ đạo trong thời gian tới.

Liên quan đến chất vấn về cải cách thể chế, Thủ tướng cho rằng, cần tạo sự hài hòa, hợp lý trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, nhằm tháo gỡ được vướng mắc về thể chế, từ đó tạo nguồn lực, phát triển được hệ thống hạ tầng, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa, giảm chi phí logistic...

Về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thủ tướng thừa nhận hiện nay thủ tục hành chính còn rườm rà, gây tăng chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức xử lý công việc còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm...

“Chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền, đối với cán bộ, công chức phải đảm bảo lợi ích tinh thần, vật chất cho họ. Trên cơ sở đó, họ bảo đảm được nhiệm vụ, chức trách được giao để làm tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có các giải pháp về giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân với gia đình, doanh nghiệp, xã hội trong việc giải quyết các thủ tục hành chính và yêu cầu các bộ, các ngành rà soát lại các thủ tục,” Thủ tướng nêu hướng xử lý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh giải pháp căn cơ cho vấn đề này vẫn là đề cao tinh thần trách nhiệm, năng lực cán bộ và cắt giảm các thủ tục hành chính, tăng chế tài xử lý. “Chúng ta phải cụ thể hóa để tổ chức thực hiện cho tốt, trên tinh thần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cũng như các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ này, quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật”.

Theo TTXVN
(0) Bình luận
Cải cách tiền lương cho cả khu vực công và tư