Cách nào nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên?

27/11/2020 15:58

Nhiều ý kiến cho rằng, sự thiếu gắn kết giữa thực tiễn với nội dung bài giảng là nguyên nhân dẫn đến sự “thiếu lửa” trong giảng dạy ở một bộ phận giảng viên.


Sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng trong cuộc thi Tự động hóa năm 2019 do dự án BUILD-IT tài trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp cùng Rockwell Automation, First Solar và nhiều doanh nghiệp cũng như đối tác giáo dục khác

Điều này cũng dẫn đến sự lệch pha trong đào tạo và sử dụng nhân lực, doanh nghiệp buộc phải đào tạo lại.

Giảng viên buộc phải đi cơ sở

Đánh giá về chất lượng đội ngũ giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, TS Nguyễn Hải Thập, nguyên Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho rằng, giảng viên đáp ứng tốt yêu cầu về năng lực chuyên môn nhưng kiến thức thực tế vẫn còn ít. Điều này dẫn đến tình trạng chương trình đào tạo ở bậc đại học (ĐH) vẫn nặng tính hàn lâm. “Phải bắt đầu từ cơ sở, thực tiễn mới nâng cao được chất lượng đào tạo nguồn nhân lực” – ông Thập cho biết. 

Để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và công việc thực tế tại doanh nghiệp, lãnh đạo các trường ĐH đều thống nhất, giảng viên phải gắn liền với cơ sở. Thậm chí, giảng viên buộc phải làm việc trong môi trường doanh nghiệp để lấy kinh nghiệm thực tế cho bài giảng của mình. PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng khẳng định: “Với phương pháp dạy - học theo dự án mà nhà trường triển khai được 3 năm nay, các dự án thực tế được giảng viên và sinh viên (SV) xây dựng hoặc phối hợp với doanh nghiệp. SV cũng có thể đề xuất dự án nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu. SV những năm cuối càng cần gắn kết với doanh nghiệp để tăng tính thực tiễn và ứng dụng cho dự án. Nếu người thầy chỉ ở trong 4 bức tường của trường ĐH thì không thể dạy cho SV những công việc thực tế tại doanh nghiệp được”. 

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng từ nhiều năm nay có cơ chế khuyến khích giảng viên đi thực tế cơ sở. Mô hình học kỳ doanh nghiệp mà nhà trường triển khai cũng bắt đầu từ chủ trương này. Với Học kỳ doanh nghiệp, SV tiếp cận sớm và thường xuyên với môi trường sản xuất, kinh doanh thực tế thông qua việc tham gia làm việc bán thời gian tại doanh nghiệp hay cùng với giảng viên giải quyết một vấn đề phát sinh trong dây chuyền sản xuất trên cơ sở đề cương hướng dẫn của giảng viên… Hầu hết các cơ sở được chọn để SV tham gia Học kỳ doanh nghiệp phần lớn dựa trên sự kết nối của giảng viên nhà trường. 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Công ty CP FLC Quy Nhơn Golf & Resort nêu thực tế: Có giảng viên đào tạo các môn chuyên ngành du lịch - khách sạn nhưng chưa bao giờ trải nghiệm thực tế với tư cách là khách tham quan nghỉ dưỡng tại các resort. “Tất nhiên trải nghiệm với tư cách là khách tham quan cũng sẽ có một khoảng cách nhất định với trải nghiệm ở một vị trí việc làm nào đó. Thầy cô giáo phải đến làm việc thực sự trong một khoảng thời gian nhất định mới có kiến thức thực tế sinh động cho bài giảng, biết được xu hướng trong ngành nghỉ dưỡng cũng như những cải tiến trong nâng cao chất lượng phục vụ của ngành du lịch – khách sạn. Ngay như công đoạn kiểm soát việc mua thực phẩm, tiếp phẩm cũng khác trước rất nhiều ” - ông Thanh chia sẻ.

Rút ngắn khoảng cách đào tạo

SV của khoa Nhiệt - Điện lạnh, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng có thể tìm thấy các câu hỏi thực tế và đáp án trả lời cho các lĩnh vực thuộc chuyên ngành nhiệt lạnh từ kho dữ liệu thực tế do các giảng viên của khoa xây dựng. Nguồn dữ liệu này, ngoài hồ sơ thiết kế, còn có những tình huống xuất phát từ thực tiễn của các lĩnh vực như kỹ thuật lạnh, điều hòa không khí, lò hơi và nhà máy nhiệt điện, lò hơi công nghiệp, đo lường nhiệt, tự động hóa nhiệt...; các dữ liệu hình ảnh như lạnh công nghiệp, khí thải CO2, hệ thống khí nén, hệ thống xử lý nước, hệ thống sấy… SV cũng có thể tiếp cận với các xu hướng công nghệ mới thông qua những giới thiệu sản phẩm của đối tác của khoa. PGS.TS Trần Văn Vang, Trưởng khoa Nhiệt – Điện lạnh cho biết: “Diễn đàn của khoa Nhiệt – Điện lạnh là nơi giúp SV học hỏi thêm kinh nghiệm xử lý những tình huống xuất phát từ thực tiễn, các em sẽ thường xuyên gặp phải khi làm việc tại các cơ sở thông qua sự hỗ trợ của giảng viên và cựu SV của trường.  

TS Lê Thị Giao Chi, Trưởng khoa Sư phạm Ngoại Ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cho rằng: “Với nghề sư phạm, SV không chỉ học kiến thức mà còn học cả cách yêu nghề. Giảng viên, vì vậy, qua giờ giảng, còn truyền cho các em đức tính nhân văn, từng ánh mắt, động tác tay như thế nào khi đứng trên bục giảng. Rồi kinh nghiệm khi xử lý các tình huống sư phạm hay thực tế dịch thuật. Những điều này không có trong giáo trình, bài giảng cũng không thể hiện cái tâm của người thầy như thế nào, ảnh hưởng đến SV ra sao… cho nên mình dạy SV những kỹ năng này, truyền lửa cho các em những giá trị vô hình. Để khi làm nghề, các em hiểu và yêu nghề bằng cả tấm lòng”. 

PGS.TS Võ Trung Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng nhấn mạnh: Để SV được trang bị nền tảng tốt, giảng viên phải có kiến thức lý thuyết sâu, rộng và kết hợp với thực tiễn. Điều này giúp SV hiểu sâu bài giảng và thích ứng nhanh với môi trường làm việc sau này. Giảng dạy về công nghệ thông tin, theo PGS Võ Trung Hùng, nếu giảng viên không tự cập nhật các xu hướng công nghệ, không nghiên cứu khoa học, SV sẽ “bị hẫng” khi tiếp cận với thực tế, vì “đặc thù của công nghệ thông tin là thay đổi liên tục, chỉ cần 2 năm không tự nâng cao mình là đã lạc hậu rồi”.

Trong bối cảnh giáo dục 4.0, khi SV có nhiều kênh để tiếp cận thông tin, vị trí của giảng viên không phải được xác định bằng sự độc quyền về thông tin và tri thức có tính đẳng cấp, mà bằng trí tuệ và sự từng trải của mình trong quá trình dẫn dắt trò tự học.

Theo Giáo dục và Thời đại

(0) Bình luận
Cách nào nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên?