Cách mạng công nghiệp 4.0: Bài 3 - Xây dựng và phát triển hệ sinh thái số

29/07/2018 08:43

Các doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo để “bắt kịp” với xu thế chung của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Trong xu thế bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đã chủ động nghiên cứu chuyển giao công nghệ mới của thế giới như: Internet vạn vật, dữ liệu lớn, robot… xây dựng và phát triển hệ sinh thái số, nền kinh tế số và công nghiệp thông minh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới sáng tạo để “bắt kịp” với xu thế chung của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. 


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan và trao đổi với đại diện các doanh nghiệp tiên phong về công nghệ ở Việt Nam

Chủ động và đầu tư đến “ngưỡng”

Tại hội thảo chuyên đề “Những xu hướng lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 – Nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam” mới diễn ra, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Liêm, Trưởng Nhóm nghiên cứu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng: Trên cơ sở phân tích và đánh giá xu hướng vận động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới và tại Việt Nam, Chính phủ cần xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái số. Đặc biệt, tập trung đầu tư đến “ngưỡng”, thích đáng cho phát triển các ngành khoa học và công nghệ ưu tiên cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, để thực hiện thành công các doanh nghiệp cần chia sẻ “trách nhiệm” đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và đổi mới (R&D&I).

Tại Diễn đàn cấp cao "Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4", Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bình đẳng với mọi người và mọi quốc gia, nhưng với các quốc gia có thu nhập thấp như Việt Nam thì dù bình đẳng về cơ hội nhưng dễ bị bỏ lại phía sau nếu không nắm bắt thật nhanh những bước tiến mới của khoa học công nghệ. Vì vậy, Việt Nam cần phải đổi mới cho bằng được hệ thống sáng tạo quốc gia, xây dựng và phát triển hệ sinh thái số. Để thực hiện thành công, Việt Nam cần thay đổi tư duy, phương thức tiếp cận dịch vụ nền kinh tế số, thay đổi giải pháp công nghệ thay vì truyền thống, lấy chủ thể là viện nghiên cứu, các trường đại học… theo hướng các doanh nghiệp phải là trung tâm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng: Việt Nam đã chủ động nghiên cứu chuyển giao công nghệ mới của thế giới như internet vạn vật, dữ liệu lớn, robot… nhưng cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các bộ, ngành cần có những hành động thiết thực, cụ thể bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển hệ sinh thái số, nền kinh tế số và công nghiệp thông minh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới sáng tạo để “bắt kịp” với xu thế chung của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế. 

Các ngành, lĩnh vực đã “sẵn sàng” 

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, “thích ứng” với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết: Ngành ngân hàng đã và đang bắt đầu quá trình chuyển đổi số hướng tới phát triển ngân hàng số đích thực; triển khai cung ứng một số dịch vụ ngân hàng đổi mới, sáng tạo. Ngân hàng Nhà nước đã chủ động triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ hoạt động thanh toán, hệ thống thanh toán, đảm bảo an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia; tăng cường công tác truyền thông và nghiên cứu khoa học về ứng dụng công nghệ, thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành ngân hàng. Đối với ngành ngân hàng, việc phát triển hệ sinh thái Fintech (mô hình công nghệ hợp tác giữa ngân hàng với các tổ chức trung gian) đã mang lại hiệu quả, hướng khách hàng trải nghiệm và đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn quản lý được rủi ro đã tạo bước phát triển mới trong ngành ngân hàng - tài chính Việt Nam, đem lại lợi ích thiết thực, giảm chi phí, tăng tiện ích cho khách hàng.

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Bộ đã chủ động xây dựng một số định hướng, chính sách cũng như giải pháp trọng tâm của ngành, chủ động tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, ngành tập trung vào đổi mới, nâng cấp nền sản xuất hiện đại, tận dụng những cơ hội và hấp thụ nhanh chóng các công nghệ theo xu hướng phát triển mới với việc cụ thể hóa thành nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: Xây dựng chiến lược phát triển ngành giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2035 trên quan điểm và cách thức tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Định hình lại các ưu tiên trong phát triển các ngành, lĩnh vực và hướng ưu tiên phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh mới có nhiều thay đổi mang tính chiến lược. Tập trung hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý, tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, thực hiện đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp của ngành công thương, nhằm đổi mới nền sản xuất hiện tại chính là giải pháp có tính cốt lõi; phát triển nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất, sản xuất thông minh và hiện đại trong tương lai…

“Xây dựng đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” là một chủ đề quan trọng. Những công nghệ tiến bộ sẽ giúp đô thị xây dựng các chiến lược thích ứng mới nhằm tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và năng lượng, nâng cao khả năng ứng phó và chống chịu với thách thức, phối hợp giải quyết các vấn đề ở quy mô lớn hơn, toàn diện hơn và kịp thời hơn. Do đó, phát triển đô thị thông minh được xác định là giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy phát triển đô thị nhanh hơn, bền vững hơn. Để xây dựng đô thị thông minh, các tỉnh, thành phố xây dựng kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin cho đô thị thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực chuyên ngành theo thứ tự ưu tiên. Đến nay, 33 tỉnh, thành phố đang triển khai xây dựng đô thị thông minh, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, dịch vụ… cũng đã hướng tới việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất sang nền kinh tế số, sản xuất theo chuỗi, sản xuất thông minh… nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản xuất, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế.

Tại hội thảo chuyên đề “Phát triển nền sản xuất thông minh: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ”, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp để nâng cao hơn nữa mức độ tiếp cận và “sẵn sàng” của các ngành, lĩnh vực nói chung, của các đơn vị, doanh nghiệp nói riêng để Việt Nam hội nhập chủ động với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, đề xuất các giải pháp về thể chế, chính sách để tháo gỡ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Cách mạng Công nghiệp 4.0: Bài cuối - Đổi mới và thực hiện đồng bộ giải pháp để thích ứng

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách mạng công nghiệp 4.0: Bài 3 - Xây dựng và phát triển hệ sinh thái số