Các nhà vườn sẵn sàng cho ngày hội lớn

08/06/2018 17:58

Các nhà vườn trồng vải thiều trong tỉnh đang gấp rút chuẩn bị để có những quả vải chất lượng tốt nhất phục vụ cho Lễ hội vải thiều Thanh Hà - Hải Dương năm 2018 diễn ra vào ngày 10.6.


Cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thanh Hà hướng dẫn nông dân trồng vải thiều VietGAP dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ảnh: Thành Chung

Chăm sóc kỹ lưỡng

Đăng ký một gian hàng trưng bày tại lễ hội nên từ cuối tháng 5, không khí chuẩn bị sản phẩm vải thiều tại vùng sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu Mỹ có diện tích 30 ha tại xã Thanh Thủy (Thanh Hà) đã nhộn nhịp, khẩn trương. Ông Nguyễn Văn Nhân, đại diện tổ sản xuất thôn Lại Xá cho biết: "Với kinh nghiệm chăm sóc vải đáp ứng các yêu cầu của thị trường khó tính được hơn 3 năm nên đến với lễ hội lần này, chúng tôi tự tin sẽ chinh phục được du khách bằng những sản phẩm an toàn, chất lượng. Dù vậy, đây là lần đầu tham gia giới thiệu vải thiều của địa phương tại một lễ hội có quy mô lớn nên người trồng vải Thanh Thủy vẫn hồi hộp, lo lắng". 

Không chỉ khảo sát, lựa chọn những cây vải có quả to đều, sáng mã để tập trung chăm sóc, bảo đảm chất lượng khi trưng bày tại lễ hội, nông dân Thanh Thủy còn tích cực dọn dẹp vệ sinh, cắt tỉa cành cây, kiểm tra mã VietGAP tất cả các vườn để gây ấn tượng với các doanh nghiệp, khách mời khi tham quan.

Vườn vải của ông Đỗ Gia Mừng ở thôn Hố Sếu, xã Hoàng Hoa Thám được lựa chọn là điểm trải nghiệm hái vải tươi cho du khách tại thị xã Chí Linh. Ngay khi nhận được thông báo, ông Mừng đã tất bật chuẩn bị, bảo đảm mọi điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách. Gia đình ông Mừng có 2ha trồng vải thiều. Do vải ở Chí Linh chín sớm nên ông đã bố trí diện tích vải vừa báo mã 2 là nơi cho mọi người tham quan, thưởng thức vải vì thời điểm diễn ra lễ hội cũng là lúc quả vải ở khu vực này đạt đến độ tươi ngon nhất. Để tăng độ ngọt và giúp quả chín đẫy, dày cùi, ông Mừng bón bổ sung phân ka-li cho cây. Trước lễ hội 15 ngày, ông đã ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm thời gian cách ly. Ông cũng thường xuyên tưới nước, giữ ẩm gốc cây, giúp quả không bị nứt vỏ khi thời tiết nắng mưa xen kẽ. "Ngoài những công việc chuẩn bị ngay tại vườn nhà, tôi còn lựa chọn, thu hái từ 1-2 tấn vải để đại diện cho thị xã tham dự lễ hội tại Thanh Hà. Dù nhiều việc phải lo, thời gian gấp rút nhưng tôi rất phấn khởi vì đây là cơ hội quảng bá sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương", ông Mừng hồ hởi nói.

Hiện toàn tỉnh có 300 ha vải đạt tiêu chuẩn VietGAP. Vì thời gian diễn ra lễ hội ngắn, đơn vị tổ chức chỉ lựa chọn vài điểm vườn để phục vụ cho lễ hội. Mặc dù vậy, tại tất cả các vườn vải đạt chuẩn, người dân đều có sự chuẩn bị chu đáo với hy vọng tạo được thiện cảm với các doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở thu mua, giúp đầu ra của quả vải rộng mở hơn.

Chuẩn bị chu đáo


Nông dân bón phân ka-li cho vải để tăng vị ngọt cho quả

Ngoài sự chủ động, tích cực chăm sóc của người dân để có những quả vải tươi ngon trong mùa lễ hội thì những hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn đã góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về vải thiều Hải Dương trong lòng du khách gần xa.

Theo ông Cao Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xá, sau khi xem xét, cân nhắc các yếu tố về giao thông, an ninh trật tự, UBND huyện Thanh Hà đã chọn vườn vải của gia đình ông Mạc Văn Du ở thôn 4 làm điểm trải nghiệm thực tế cho du khách tham dự lễ hội vải thiều. Thời gian lễ hội diễn ra đã cận kề nên xã đang triển khai các kế hoạch để phục vụ tốt nhất. Ngoài phối hợp với các đơn vị bố trí lực lượng điều tiết giao thông từ điểm đoàn bắt đầu đi vào xã đến vườn vải, UBND xã còn dọn dẹp vệ sinh hai bên đường và yêu cầu các chủ vườn lân cận vườn vải của gia đình ông Du chỉnh trang vườn tược.

Nhận diện quả vải là một trong những yếu tố nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo dựng lòng tin của khách hàng đối với sản phẩm. Vụ vải năm nay, UBND huyện Thanh Hà đặc biệt chú trọng tới vấn đề này. Theo ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND huyện, bao bì, túi đựng mang thương hiệu vải thiều Thanh Hà đã được các hộ sản xuất vải VietGAP sử dụng vài năm nay. Nhưng vụ vải này là năm đầu tiên vải Thanh Hà được cấp mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho cả vải sớm và vải thiều. Huyện cũng kiên quyết yêu cầu các hộ trồng vải phải sử dụng tem, nhãn mác để dán lên sản phẩm sau khi đã được đóng gói, bảo quản. Chỉ có như vậy mới có thể nâng cao được giá trị vải Thanh Hà. Lễ hội sắp tới, huyện sẽ sử dụng đồng bộ các dấu hiệu nhận diện sản phẩm vải thiều Thanh Hà. Các đơn vị liên quan đang gấp rút hoàn tất việc in ấn tem, nhãn mác, bao bì, cấp cho các nhà vườn tham gia trưng bày sản phẩm tại lễ hội. Số lượng sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của chủ vườn.

Mặc dù lễ hội vải thiều chưa diễn ra nhưng không khí chuẩn bị khẩn trương, chu đáo đã cho thấy mong mỏi sản phẩm đặc sản vải thiều Hải Dương được vươn xa của nông dân và chính quyền địa phương.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các nhà vườn sẵn sàng cho ngày hội lớn