Các khu đô thị mới ở TP Hải Dương: Nhà đầu tư quên xây dựng các công trình công cộng?

21/07/2011 07:31

Các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến việc bán được càng nhiều đất càng tốt để thu lợi nhuận trước mắt mà ít quan tâm đến đầu tư xây dựng các công trình công cộng như chợ, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí...


Hồ điều hòa trong khu biệt thự cao cấp Đỉnh Long đã nhỏ, lại trở thành nơi thả cá


Một khu đô thị mới (ĐTM) cần có những công trình thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân sinh sống trong đó như trường học, chợ, công viên, vườn hoa, khu vui chơi thể thao cùng các công trình dịch vụ thương mại, bãi đỗ xe... Tất cả những công trình này cần được quy hoạch và xây dựng đồng bộ, bảo đảm sự liên hoàn, thống nhất nhằm đem đến cho người dân sự phục vụ tiện lợi nhất. Đây chính là nét cơ bản để phân biệt các khu ĐTM với các khu dân cư cũ trong thành phố. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Nam, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị (TP Hải Dương), thực tế tại các khu ĐTM trên địa bàn TP Hải Dương cho thấy, các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến việc bán đất, ít quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các công trình công cộng để bảo đảm không gian sống hiện đại cho các cư dân trong các khu ĐTM.

Tại công viên khu ĐTM phía đông TP Hải Dương, bác Trần Huy Lân, số nhà 175 phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, vừa cuốc đất trồng rau trên diện tích đất bỏ trống, vừa cho biết: “Trước đây, công viên này được quy hoạch thành công viên điểm của thành phố. Tuy nhiên, không hiểu sao về sau lại được xây dựng thành bãi đỗ xe. Khi người dân có ý kiến, nhà đầu tư mới xây dựng bãi đỗ xe kết hợp trong công viên. Năm, sáu năm nay, công viên vẫn bỏ hoang, bãi đỗ xe cũng không có người gửi. Vì vậy, cỏ dại mọc ngút tầm mắt. Nơi đây đã biến thành vương quốc của chuột, muỗi và là nơi phóng uế của đám thợ xây. Thấy không ổn, mấy người dân chúng tôi mới rủ nhau phát cỏ trồng rau, vừa rèn luyện sức khoẻ, vừa đuổi được đám chuột, muỗi”. Có quan sát trực tiếp mới thấy được sự “quan tâm” của các nhà đầu tư đối với công viên và các điểm vui chơi công cộng ở đây. Trong các bồn hoa, cỏ mọc ngút đầu, rác rưởi chất đống, cây còn, cây mất. Lối đi lát gạch đã bị bong, tróc, sụt, lún. Ngoài ra, các điểm vui chơi khác trong khu ĐTM phía đông đều được các nhà đầu tư “ưu tiên” bố trí ở những mảnh đất xen kẹt, méo mó và những điểm vui chơi này hiện đều là "vương quốc" của cỏ, cây dại.

Tại khu thương mại - du lịch - văn hoá và ĐTM phía tây TP Hải Dương, các công trình công cộng vẫn còn ngổn ngang. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Bình cho biết: "Hệ thống thoát nước của khu ĐTM phía tây được xây dựng không đồng bộ, không phù hợp với hệ thống thoát nước của các khu dân cư cũ nên khả năng thoát nước kém. Tình trạng úng, ngập xảy ra thường xuyên. Mặc dù địa phương nhiều lần kiến nghị lên cấp trên yêu cầu chủ đầu tư phải cải tạo, nhưng việc cải tạo chỉ diễn ra nhỏ giọt, sửa chỗ nọ hỏng chỗ kia, tình trạng ngập úng vẫn không được giải quyết triệt để". Chợ Hội Đô đã được xây dựng xong, nhưng mấy năm nay vẫn chưa đưa vào sử dụng. Người dân sống trong khu vực này phải lặn lội ra tận chợ Thanh Bình để mua sắm. Cả một khu đô thị rộng lớn nhưng chỉ có 1 hồ điều hoà trong khu biệt thự cao cấp Đỉnh Long, nhưng thực tế đúng như ông Vũ Văn Thế, Chủ tịch UBND phường Tân Bình ví von, nó chỉ “bé bằng củ lạc”. Trong quy hoạch, hồ điều hoà này rộng khoảng 5 ha, nhưng qua nhiều lần điều chỉnh, đến nay nó chỉ còn rộng chưa đầy 1 ha. Bên cạnh đó, hồ còn được cho thầu để thả cá. Hình ảnh nổi bật nhất mà chúng tôi "thực mục sở thị" khi đến ngắm cảnh hồ là những bao phân nuôi cá và xác cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước, bốc mùi hôi rất khó chịu. Không gian xanh trong các khu ĐTM cũng chưa được nhà đầu tư quan tâm. Trong các bản quy hoạch, mật độ xây dựng thường được đẩy lên cao để thu lợi nhuận lớn nhất. Các nhà đầu tư ưu tiên cho diện tích nhà ở và đất thương mại, dịch vụ. Diện tích làm vườn hoa, công viên, sân bãi thể dục, thể thao bị cắt tối đa. Những không gian xanh còn lại cũng không được quan tâm, chăm sóc chu đáo, không tạo được không gian nghỉ ngơi, thư giãn đúng nghĩa cho người già và trẻ em. Loại hình cây trồng trong các công viên, vườn hoa cũng không được nhà đầu tư chú ý. Nhiều loại cây không phù hợp với cảnh quan, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nhưng vẫn được trồng tràn lan.

Điều đáng quan tâm nhất hiện nay, theo ông Vũ Văn Thế, Chủ tịch UBND phường Tân Bình là diện tích đất dành cho xây dựng trường học rất hạn chế. Theo quy hoạch, trong khu ĐTM thuộc địa bàn phường Tân Bình có diện tích đất dành cho trường tiểu học. Nhưng bao năm nay, diện tích này vẫn để trống, trong khi học sinh của phường hiện phải học nhờ phường Thanh Bình. Còn phường Thanh Bình nhiều lần đề nghị thành phố cùng chủ đầu tư xem xét dành quỹ đất xây dựng trường mầm non và THCS, nhưng vẫn chưa được đáp ứng. Chính quyền các phường này đều mong muốn: nếu đã có quỹ đất xây dựng trường học trong khu ĐTM, hãy giao lại cho địa phương đầu tư xây dựng trường lớp nhằm giải quyết nhu cầu học tập của con em địa phương. Bởi nhiều nơi, những diện tích đất này đã được chủ đầu tư bàn giao cho tư nhân xây dựng trường tư thục. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng có ý định mở rộng khu nghĩa trang nhân dân của phường Tân Bình vào sát khu dân cư, điều theo các cán bộ phường là “bất hợp lý”.

Theo ông Nguyễn Đức Nam, trong các khu ĐTM, việc xây dựng các công trình phục vụ dân sinh bị xem nhẹ, bởi những công trình này thường không đem lại lợi ích cho các chủ đầu tư. Vì thế, một chế tài đủ mạnh là mong muốn của người dân và chính quyền sở tại. Các dự án triển khai cần duy trì chế độ báo cáo tiến độ thực hiện. Người dân sinh sống trong dự án cũng phải được tham gia vào việc kiểm tra tiến độ và chất lượng công trình, bởi những công trình đó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ. Bên cạnh đó, điều lệ quản lý dự án cùng quy chế quản lý cũng phải được công khai để người dân giám sát xem nhà đầu tư có thực hiện theo quy định hay không.

VỊ THUỶ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các khu đô thị mới ở TP Hải Dương: Nhà đầu tư quên xây dựng các công trình công cộng?