Theo thông tin từ các Ban quản lý di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh Hải Dương, từ ngày 31.1 đến ngày 4.2, các khu di tích, danh thắng đã đón hàng vạn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến dâng hương, chiêm bái.
Cụ thể, Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh) đã đón trên 3 vạn lượt du khách. Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn) đã đón trên 2 vạn lượt du khách. Hai khu Di tích quốc gia đặc biệt là Văn miếu Mao Điền và Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đền Xưa - chùa Giám - đền Bia (huyện Cẩm Giàng) đã đón gần 1,5 vạn lượt du khách. Các khu di tích như đền Cao, đền thờ nhà giáo Chu Văn An, đền thờ Tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ…(thành phố Chí Linh) cũng đã đón 1,5 vạn lượt du khách.
Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Ban Quản lý những di tích này đã tăng cường tuyên truyền qua hệ thống loa, cử cán bộ, nhân viên tăng cường nhắc nhở, đề nghị người dân thực hiện nghiêm quy định 5K khi đến dâng hương, chiêm bái.
Hải Dương cũng đã ban hành đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” để phát triển ngành du lịch.
Đề án đưa ra mục tiêu trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng dịch vụ và môi trường du lịch nhằm tạo ra sự phát triển bứt phá, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo Đề án trên, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Hải Dương sẽ đón 2,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó, khách lưu trú là 0,75 triệu lượt; 3,7 triệu lượt khách nội địa, trong đó, khách lưu trú là 1,48 triệu lượt; tổng thu nhập từ du lịch đạt 7.450 tỷ đồng. Tỉnh Hải Dương xây dựng từ 3-4 sản phẩm du lịch đặc thù. Đến năm 2030, Hải Dương phấn đấu đón 3,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó, khách lưu trú là 1,53 triệu lượt; 4,8 triệu lượt khách nội địa, trong đó, khách lưu trú là 2,64 triệu lượt. Tỉnh xây dựng từ 4-5 sản phẩm du lịch đặc thù; tổng thu từ du lịch đạt 21.000 tỷ đồng.
Đến năm 2050, tỉnh Hải Dương phấn đấu đón 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó, khách lưu trú là 4,2 triệu lượt; 10 triệu lượt khách nội địa, trong đó, khách lưu trú là 7 triệu lượt; thu nhập từ du lịch đạt 102.500 tỷ đồng. Tỉnh Hải Dương xây dựng thêm 5-10 sản phẩm du lịch đặc thù được đầu tư khai thác.
Một số sản phẩm du lịch đặc thù mà tỉnh Hải Dương dự kiến phát triển là: Tour “Về với nghệ thuật rối nước vùng đồng bằng sông Hồng” (thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang); “Con đường khoa cử Việt” (làng Tiến sĩ Mộ Trạch, huyện Bình Giang kết nối với Văn miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng - đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, huyện Nam Sách - đền thờ thầy giáo Chu Văn An, đền thờ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, thành phố Chí Linh); “Con đường gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt” (thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách kết nối với Bảo tàng tỉnh); Khu danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng đền thờ thầy giáo Chu Văn An, đền thờ Tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ, chùa Thanh Mai, hồ Thanh Long, hồ Bến Tắm, rừng phong lá đỏ, quần thể di tích đền Cao (An Lạc), chùa Ngũ Đài...
Hải Dương có hệ thống di tích với mật độ vào loại cao của cả nước. Toàn tỉnh hiện có 3.199 di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ học và danh lam thắng cảnh gồm: Đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ…; trong đó có 390 di tích, danh thắng được xếp hạng gồm: 4 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 142 cấp quốc gia và 244 cấp tỉnh; gần 10.000 cổ vật được lập hồ sơ đăng ký bảo vệ và trên 5 vạn hiện vật cùng các bộ sưu tập quý hiếm lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh; 8 bảo vật quốc gia. Hệ thống di tích đa dạng về loại hình lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc còn được bảo tồn như: Chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, đền Cao An Lạc (thành phố Chí Linh); chùa Động Ngọ, đền- đình Sượt (thành phố Hải Dương); chùa Minh Khánh, chùa Hào Xá (huyện Thanh Hà); chùa Trăm Gian, đình Nhân Lý, đình Vạn Niên (huyện Nam Sách); chùa Giám, Văn Miếu Mao Điền (huyện Cẩm Giàng); chùa Huề Trì, động Kính Chủ (thị xã Kinh Môn)…
Theo TTXVN