Cả thế giới suy thoái nặng nề, kinh tế Việt Nam trên đà hồi phục

02/07/2020 11:34

Sáng 2.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các bộ ngành và địa phương về đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: "Không để dịch quay trở lại và vẫn phải phục hồi phát triển kinh tế"

Nêu về tình hình kinh tế 6 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết kinh tế quý 2 bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, nhất là tháng 4 và 5.

Tăng trưởng kinh tế quý 2 đạt mức thấp nhất trong 30 năm qua, chỉ tăng 0,36%. Khách quốc tế giảm hơn 90%. Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng do chúng ta sớm đưa ra mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nên kinh tế tăng trưởng dương và đời sống nhân dân cơ bản vẫn đảm bảo.

Kinh tế 6 tháng vẫn tăng trưởng dương

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định tạo nền tảng cho phát triển kinh tế. Cán cân thương mại xuất siêu 4 tỷ USD. Thị trường chứng khoán vẫn khởi sắc. Tỉ giá ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm mang lại niềm tin cho người dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Giá thịt lợn giảm. Ngành nông nghiệp vẫn là bệ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Sản xuất công nghiệp phục hồi.

Đặc biệt kích cầu du lịch và hàng không nội địa khá thành công, tất cả các khách sạn trong cả nước từ TP Hồ Chí Minh đến Phú Quốc, khu vực miền Trung, miền Bắc... gần như kín chỗ. Khách nội địa tăng 2% so với cùng kỳ. Có hãng máy bay như hãng hàng không Việt Nam tăng doanh thu đến 1.000 tỷ đồng.

Đồng chí cho hay thông tin mới nhất là Ngân hàng quốc gia Qatar cho rằng nền kinh tế Việt Nam thể hiện sự kiên cường, sẽ phục hồi sớm và nhanh hơn hầu hết các nước khác. Trong khi cả thế giới suy thoái nặng nề, nhất là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, nhưng kinh tế của chúng ta vẫn tăng trưởng dương và trên đà phục hồi với nhiều điểm sáng.

Đây là minh chứng rõ nét của định hướng và các giải pháp quyết liệt phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế, đồng thời thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Kết quả đạt được góp phần quan trọng, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư quốc tế.

Hiến kế để vừa ngăn dịch bệnh và phát triển kinh tế

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh kinh tế 6 tháng qua tăng trưởng thấp. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chúng ta bình tĩnh, không chủ quan nhưng tuyệt đối không được bi quan.

Về nhiệm vụ kinh tế 6 tháng cuối năm, tôi đề nghị hội nghị đề xuất, hiến kế cụ thể để vừa không để dịch bệnh trở lại, vừa phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Đồng chí yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải xác định mục tiêu kép là không để dịch COVID-19 quay trở lại, xóa thành quả của chúng ta và không vì kinh tế để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Mục tiêu thứ hai hết sức quan trọng cần tập trung là phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng, bảo đảm đời sống nhân dân.

Tại hội nghị này, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, địa phương phải tập trung thảo luận về nhận diện, xác định rõ rủi ro bên ngoài và bên trong để có biện pháp điều hành hiệu quả, kịp thời.

Theo Thủ tướng, cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam ví như cỗ xe tam mã, gồm ba cấu phần quan trọng nhất là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Hội nghị này phải dùng mọi biện pháp để ba con ngựa kéo đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất lấy đà cho đất nước.

Tăng trưởng bây giờ là vấn đề rất quan trọng của nước ta. Do đó, các bộ ngành và địa phương cần thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Vấn đề đặt ra là cần giải pháp, chính sách cụ thể gì, mức độ thế nào cho phù hợp?

"Thống đốc ngân hàng nhà nước, các bộ trưởng phải chỉ đạo tốt hơn, nhất là các địa phương cần hỗ trợ hơn cho doanh nghiệp. Các tập đoàn lớn của nhà nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã... đều cần môi trường tốt để phát triển thông qua chính sách động viên của chính quyền và chính sách tài khóa, tiền tệ khác của nhà nước" - Thủ tướng yêu cầu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Hiện vốn đầu tư công giải ngân đến nay chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, mới đạt 33%, còn vốn ODA rất thấp, chỉ 10%.

"Chúng ta có gần 700 nghìn tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, nếu giải ngân tốt thì đây là biện pháp kích cầu hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021" - đồng chí nhấn mạnh.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cả thế giới suy thoái nặng nề, kinh tế Việt Nam trên đà hồi phục