Cả lớp 38 em chỉ có 1 học sinh xét tuyển đại học

05/05/2019 09:09

Thay vì đổ xô đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng như những năm trước, năm nay có tới hơn 41% học sinh lớp 12 ở Nghệ An chỉ đăng ký xét tốt nghiệp.


Học sinh lớp 12A2 Trường THPT Cửa Lò 2, Nghệ An ôn thi kỳ thi THPT quốc gia 2019 chiều 4.5. Lớp học này chỉ có một học sinh xét tuyển vào đại học 

Theo các chuyên gia, nhà quản lý, chuyển biến giữa tỉ lệ xét tuyển tốt nghiệp và đăng ký xét tuyển trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ở Nghệ An những năm gần đây xuất phát từ việc phân luồng học sinh và công tác tư vấn, hướng nghiệp việc làm.

Chọn học nghề, dễ tìm việc

Những ngày đầu tháng 5, cũng như các trường học khác, thầy trò khối 12 Trường THPT Cửa Lò 2, thị xã Cửa Lò đang chạy nước rút để ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019. Phùng Bá Dũng là học sinh duy nhất trong tổng số 38 học sinh lớp 12A2 Trường THPT Cửa Lò 2 nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ĐH.

Tự nhận học lực của mình chỉ ở mức khá, Dũng tâm sự trong khi các bạn cùng lớp chỉ đăng ký xét tuyển tốt nghiệp, Dũng lại chọn xét tuyển đại học nên em khá lo lắng khi kỳ thi đang tới gần.

37 bạn học cùng lớp của Dũng mặc dù vẫn tập trung ôn thi nhưng tâm lý bình tĩnh, tự tin hơn bởi lựa chọn các em chỉ xét tốt nghiệp để học nghề, đi xuất khẩu lao động hoặc đi du học.

Còn Đặng Thị Thanh Hằng, gia đình có hai anh chị từng học ĐH nhưng đều không tìm được việc làm phù hợp sau khi ra trường nên bố mẹ động viên Hằng chọn học nghề. "Học trường nghề du lịch chỉ mất vài năm và có thể tìm được việc làm ở các nhà hàng, khách sạn gần gia đình hơn" - Hằng nói.

Cô Nguyễn Thị Đào, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2 chia sẻ nguyên nhân chính khiến học sinh không hào hứng với các trường ĐH chủ yếu là do lo ngại khó có cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.

"Cửa Lò là địa phương vùng biển, trong nhiều năm gần đây sau khi tốt nghiệp cấp III thì nhiều học sinh chọn đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan làm công nhân, đánh bắt cá xa bờ... cho thu nhập khá.

Thay vì tìm kiếm cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ và mất thời gian học ít nhất 3 năm, khó xin được việc làm sau khi ra trường, các em học sinh chỉ thi lấy bằng tốt nghiệp để học nghề, được coi như "giấy thông hành" để xin việc làm dễ dàng hơn" - cô Đào phân tích.

Theo thầy Đặng Công Huân - hiệu phó Trường THPT Cửa Lò 2, trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, trường có 239 thí sinh nhưng chỉ có 42 học sinh (chiếm 17,5%) đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Nhiều lớp có tỉ lệ đăng ký rất thấp như lớp A2 chỉ 1 em; lớp A5, A6 cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những lớp 12A1, A3, A4 được xem là các lớp chọn nhưng mỗi lớp cũng chỉ có hơn 10 em đăng ký xét tuyển ĐH.

Đẩy mạnh phân luồng, định hướng nghề nghiệp

Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, toàn tỉnh này có hơn 32.400 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có gần 18.000 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Còn lại, có đến hơn 13.000 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, chiếm tỉ lệ hơn 41%. Tỉ lệ này cao hơn năm học trước khoảng 2% và cao nhất trong vài năm trở lại đây.

Một số trường tốp đầu như THPT chuyên Phan Bội Châu, THPT Huỳnh Thúc Kháng, THPT Hà Huy Tập, THPT Nam Đàn 1 có tỉ lệ đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH cao trên 90%. Tuy nhiên, nhiều trường THPT công lập tỉ lệ không đăng ký vào ĐH cũng rất cao như THPT Hoàng Mai 2 (73%), THPT Tương Dương 2 (72%), THPT Nam Yên Thành (68%).

Trao đổi với phóng viên, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho hay một vài năm trở lại đây, tỉ lệ học sinh ở Nghệ An đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ ngày càng giảm. Nguyên nhân chính là các học sinh, phụ huynh đã dần thay đổi suy nghĩ "ĐH không phải là cánh cửa để lập nghiệp duy nhất".

Trong khi hằng năm, hàng ngàn sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc làm trái ngành, trái nghề nhiều, các học sinh lại chọn học nghề, đi xuất khẩu lao động hay du học sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc.

"Ngay từ bậc học THCS, chúng tôi đã chỉ đạo các trường đẩy mạnh giảng dạy toàn diện, có chất lượng để học sinh thấy được năng lực, năng khiếu, sở trường của bản thân, phân luồng 25% học sinh học nghề. Đến bậc THPT, các thầy cô tiếp tục tư vấn cho học sinh và phụ huynh để sau khi tốt nghiệp có định hướng rõ ràng trong việc phân luồng, hướng nghiệp" - ông Thành chia sẻ.

TS Vũ Xuân Hùng (Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp):

Không còn nặng nề chạy theo bằng cấp

Tỉ lệ chung có đến gần 30% thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay không đăng ký xét tuyển đại học, thậm chí một số địa phương như Nghệ An, tỉ lệ này lên đến hơn 40% đã cho thấy chính sách phân luồng đang có những tác động tích cực.

Tỉ lệ này đáng mừng, nhưng để đảm bảo hiệu quả của công tác phân luồng, hướng nghiệp thì lại đòi hỏi sự chuẩn bị đến nơi đến chốn của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Sự chuẩn bị đó phải từ các chính sách nhà nước làm cho giáo dục nghề nghiệp ngày càng hấp dẫn cho đến sự nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực quản trị của các trường. Đặc biệt, cần chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng phù hợp với đặc thù Việt Nam và tiếp cận các chuẩn khu vực ASEAN-4 và các nước phát triển trong nhóm G20.

TS Phạm Mạnh Hà (phó trưởng khoa các khoa học giáo dục Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội):

"Nếu phân luồng tự phát thì lại là nguy cơ"

Xét ở khía cạnh tích cực, có thể một số địa phương đã đẩy mạnh công tác phân luồng sau THCS và THPT. Tuy nhiên, ở nhiều nơi có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT không đăng ký xét tuyển đại học cao cũng có những nguyên nhân khác.

Khá nhiều doanh nghiệp lớn, đơn vị tuyển dụng du học đã đến từng trường phổ thông, làm việc thẳng với hiệu trưởng để thu nhận người vào làm việc trong các doanh nghiệp hay đi du học theo hình thức xuất khẩu lao động, kết hợp du học. Với mức lương từ 7-10 triệu đồng/tháng, công việc ổn định, nhiều gia đình cho rằng việc cho con tham gia thị trường lao động hoặc du học kết hợp xuất khẩu lao động là hướng đi có tương lai hơn.

Nhưng cái lợi trong việc này chỉ trước mắt, còn lâu dài thì đây lại là nguy cơ. Trong bối cảnh hiện nay, lao động qua đào tạo để có kỹ năng nghề nghiệp mới là hướng đi bền vững, đặc biệt là thời đại 4.0.

Việc lao vào công việc ngắn hạn, không qua đào tạo sẽ khiến hàng ngàn người trẻ rơi vào tình trạng "trắng tay" chỉ sau 2-3 năm. Đã có những doanh nghiệp khi tuyển dụng công nhân thì hứa hẹn tốt, nhưng sau 2-3 năm, khi sức khỏe người lao động sụt giảm thì họ tăng yêu cầu về hiệu suất làm việc khiến công nhân không chịu được áp lực, chịu đào thải. Và khi đó việc tái hòa nhập thị trường lao động sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Nhiều địa phương sẽ gánh chịu tình trạng dư thừa lao động chưa qua đào tạo, từ đó phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực xã hội.

Trở lại câu chuyện về tỉ lệ học sinh không lựa chọn vào đại học, cụ thể như Nghệ An có 40%. Chúng ta chưa nên mừng vội mà cần phân tích số không vào đại học này sẽ đi đâu, làm gì. Vì việc "phân luồng tự phát" như tôi nói ở trên thì nguy cơ tiềm ẩn cũng rất cao.

Muốn việc phân luồng đạt hiệu quả tích cực thì các tỉnh thành phải xây dựng được chương trình phân luồng, kèm theo các chính sách để những người trẻ có nhiều cánh cửa vào đời được chuẩn bị tốt hơn, được qua đào tạo để có năng lực, kỹ năng cần thiết có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện nay và sẵn sàng chuyển đổi công việc khi cần thiết.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Cả lớp 38 em chỉ có 1 học sinh xét tuyển đại học