Hội nghị thượng đỉnh Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hay còn gọi là nhóm "Bộ ba" Astana về giải pháp cho cuộc xung đột tại Syria diễn ra ngày 16.9 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Hội nghị kết thúc với tuyên bố chung khẳng định ủng hộ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Đây là hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 giữa 3 nhà lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2017 với mục tiêu sớm chấm dứt tình trạng xung đột để đem lại một nền hòa bình toàn diện cho Syria.
Ba nhà lãnh đạo tuyên bố ủng hộ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria
Cam kết ủng hộ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria
Tại hội nghị thượng đỉnh về vấn đề Syria với sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani, tình hình vùng giảm căng thẳng tại tỉnh Idlib, việc thành lập Ủy ban Hiến pháp, tình hình tại các khu vực do người Kurd tại miền Đông Syria là những chủ đề thảo luận chính.
Kết thúc hội nghị, ba nước đã ra tuyên bố chung khẳng định ủng hộ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Hãng tin TASS của Nga dẫn tuyên bố chung sau hội nghị nhấn mạnh các bên “ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria”.
Tuyên bố chung cho biết lãnh đạo ba nước cũng đã thảo luận về tình hình tại khu vực Đông Bắc Syria và cho rằng chỉ có thể đạt được sự ổn định và an ninh ở khu vực này trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Tổng thống ba nước đồng thời bác bỏ mọi âm mưu nhằm tạo ra “thực tế mới” trên thực địa với cái cớ đấu tranh chống khủng bố, bao gồm các sáng kiến bất hợp pháp về tự trị.
Bên cạnh đó, trong tuyên bố chung, lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh Liban và Iraq trong vai trò các nước quan sát viên của tiến trình Astana về giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria.
Lãnh đạo ba nước cũng đánh giá các cuộc tấn công quân sự của Israel nhằm vào Syria đang gây bất ổn, xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Syria và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết ba nước đã nhất trí về cách tiếp cận linh hoạt trên phương diện thúc đẩy nỗ lực hòa bình ở Syria thông qua các giải pháp chính trị.
Tất cả các vấn đề đang cản trở việc thành lập một ủy ban hiến pháp cho Syria đã được loại bỏ. Cả Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất cách tiếp cận theo hướng cùng phối hợp với Liên hợp quốc (LHQ) để hoàn thiện thành phần của ủy ban hiến pháp này.
Theo Tổng thống Erdogan, tình hình tại tỉnh Idlib - thành trì lớn cuối cùng của phe đối lập tại Syria - cũng là một chủ đề quan trọng của hội nghị. Tỉnh này cũng có vị trí chiến lược quan trọng vì có chung một khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhóm phiến quân mạnh nhất hoạt động tại tỉnh có tên là HTS, nhóm bảo trợ của lực lượng Mặt trận Nusra có quan hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Theo thỏa thuận đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9-2018, các vùng nông thôn của tỉnh Idlib và vùng nông thôn kế cận thuộc tỉnh Hama cũng như vùng nông thôn phía tây của tỉnh Aleppo đều nằm trong các vùng giảm căng thẳng.
Tuy nhiên, thỏa thuận này không thực hiện được do HTS mở rộng tấn công tại Idlib và các vị trí quân sự của quân đội Syria. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập 12 chốt giám sát quanh Idlib nhằm duy trì lệnh ngừng bắn giữa Chính phủ Syria và các nhóm phiến quân tại đây.
Thời gian gần đây, các chốt quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên bị trúng đạn do chiến dịch của quân đội Chính phủ Syria chống lại các phần tử khủng bố trong khu vực.
Tổng thống Tayyip Erdogan cảnh báo, bất cứ vụ tấn công nào vào các chốt an ninh cũng sẽ đối mặt với sự trả đũa của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, có thể làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với Syria. Phía Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng khu vực giảm căng thẳng cần phải được ngăn chặn để tránh trở thành một “hành lang khủng bố”.
Tổng thống Erdogan cho rằng, sẽ có tối đa 3 triệu người tị nạn Syria có thể trở lại “vùng an toàn” ở miền Bắc Syria nếu nó được mở rộng từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tới Deir al Zor và Raqqa của Syria.
Do đó, điều cần thiết là xây dựng một thành phố để những người tị nạn có thể sinh sống. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định đã giải thích và chia sẻ lập trường này với Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Iran Rouhani.
Bước tiến tích cực
Cuộc xung đột tại Syria được coi là hệ quả của những mâu thuẫn giữa nhiều phe phái, nhiều lực lượng, sự đan xen lợi ích của nhiều thế lực. Bởi vậy, để có được một bước tiến nhỏ đòi hỏi phải có chiến lược đàm phán hợp lý, một chương trình nghị sự phù hợp, khả năng sẵn sàng thỏa hiệp và không thể thiếu sự thiện chí của các bên tham gia.
Cùng với 4 hội nghị trước hội nghị lần đầu tiên tại Sochi (Nga) vào tháng 11-2017, hội nghị ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 4.2018, Tehrran (Iran) vào tháng 9.2018 và tại Sochi (Nga) vào tháng 2.2019, kết quả của hội nghị thượng đỉnh tại Ankara lần này giữa lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, ba quốc gia đứng ở các chiến tuyến khác nhau tại Syria đã chủ động "bắt tay" phối hợp với nhau để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột dai dẳng ở Syria, tiếp tục là một bước tiến đáng khích lệ.
Trên thực tế, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Iran Rouhani ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Mỹ, châu Âu và các đồng minh Arab ủng hộ các phe phái đối lập trong cuộc xung đột tại Syria.
Có thể nhận thấy những bước tiến tích cực tại hội nghị lần này khi nhìn lại những thỏa thuận đã đạt được trong khuôn khổ Tiến trình Astana-hiệp định do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ được khởi xướng từ năm 2017.
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ về Syria diễn ra lần đầu tiên tại Sochi vào tháng 11.2017. Sau cuộc gặp, lãnh đạo của 3 nước tuyên bố lập 4 khu vực giảm leo thang ở Syria, nhằm đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của nước này.
Tiếp đó, quyết định thành lập Ủy ban hiến pháp được thỏa thuận tại Đại hội đối thoại dân tộc Syria tổ chức tại khu nghỉ mát Sochi của Nga ngày 30.1.2018. Việc khởi động Ủy ban hiến pháp Syria gồm đại diện chính phủ và phe đối lập là trọng tâm nỗ lực hòa bình của Liên hợp quốc tại Syria nhằm tổ chức bầu cử để chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm.
Hiện danh sách của Ủy ban hiến pháp Syria đã được nhất trí, song cơ chế hoạt động của ủy ban này vẫn đang được thảo luận. Trong khi đó, tại hội nghị ngày 7.9.2018, lãnh đạo Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Biên bản ghi nhớ về ổn định tình hình tại tỉnh Idlib với tinh thần hợp tác vốn là đặc điểm của tiến trình hòa đàm Astana.
Các bên nhất trí rằng cuộc xung đột tại Syria chỉ có thể chấm dứt thông qua "tiến trình đàm phán chính trị" thay vì các biện pháp quân sự, đồng thời phải kiến tạo những điều kiện an toàn tại Syria để đảm bảo quá trình hồi hương những người tị nạn Syria.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư giữa nguyên thủ các nước Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ về giải pháp cho cuộc xung đột tại Syria ngày 14.2 vừa qua tại Sochi đã ra tuyên bố chung gồm 17 điểm đề cập chủ trương hoặc nguyên tắc đối với một loạt nội dung quan trọng trong tiến trình hòa bình Syria.
Và tại hội nghị lần này, cả ba nước đồng bảo trợ Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều thống nhất cách tiếp cận theo hướng cùng phối hợp với LHQ để hoàn thiện thành phần của Ủy ban hiến pháp Syria. Nếu điều này trở thành sự thật, đây sẽ là một cú hích cho việc giải quyết hòa bình vấn đề Syria.
Kết quả hội nghị lần này cũng cho thấy trong thời gian tới, xu hướng tích cực sẽ tiếp tục được duy trì trong khuôn khổ “định dạng Astana”. Các nhiệm vụ đang còn dang dở sẽ tiếp tục được thực hiện.
Song song với việc tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa các nhóm khủng bố còn lại, hoạt động tái thiết cơ sở hạ tầng ở Syria cũng sẽ bắt đầu được triển khai.
Các hoạt động ngoại giao con thoi sẽ tiếp tục được thúc đẩy, góp phần duy trì xu hướng chủ đạo trong quan hệ Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây là tiếp xúc và đối thoại ở tất cả các cấp, trong đó có cấp cao nhất.
Trước mắt, đại diện các nước đồng bảo trợ sẽ cùng ngồi lại với nhau vào tháng 10 tới trong khuôn khổ cuộc gặp quốc tế lần thứ 14 tại tại thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan.
Ngoài ra, các cuộc họp cấp chuyên viên giữa ba nước cùng đại diện LHQ và các nước trong khu vực sẽ tiếp tục được tổ chức thường xuyên. Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria tiếp theo sẽ được tổ chức tại Tehran, Iran.
Trong bối cảnh xuất hiện những diễn biến bất ngờ và khó lường gần đây xung quanh tình hình Syria, khả năng tạo đột phá trong các cuộc đàm phán tiếp theo cũng chưa thể khẳng định, song những xu hướng tích cực đã mở ra hy vọng về việc xây dựng một đất nước Syria hòa bình, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ.
Bên cạnh đó, tương quan lực lượng trên thực địa cũng như trên mặt trận ngoại giao sẽ tiếp tục có lợi cho bộ ba Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ cũng như chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, mang lại cho cơ chế hợp tác này một vai trò ngày càng quan trọng trong việc giải quyết cuộc xung đột tại Syria nói riêng và tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi nói chung.
Theo TTXVN