Thời gian gần đây, căng thẳng giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã bùng phát trở lại liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi Cyprus, một thành viên của EU.
Tàu thăm dò dầu khí Fatih của Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai ở vùng biển ngoài khơi phía Tây Bắc quận Paphos của Cộng hòa Cyprus, ngày 24.6.2019
Liên minh châu Âu (EU) vừa nhất trí trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về việc khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi Cyprus. Diễn biến này cho thấy quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã trục trặc nay thêm vấn đề đảo Cyprus lại càng thêm trắc trở.
Luôn tồn tại những mâu thuẫn
Từ lâu, quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ luôn tồn tại những mâu thuẫn. Lịch sử cũng đã chia rẽ hai bên khi các tranh cãi về việc thừa nhận nạn diệt chủng người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất vẫn còn dai dẳng đến ngày nay. Cho dù hợp tác an ninh và quan hệ kinh tế giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ luôn bền chặt nhưng những mâu thuẫn ngày càng lộ rõ.
Sau khi đảng Công lý và Phát triển (AKP) lên nắm quyền dưới thời Tổng thống Abdullah Gul năm 2002 và sau đó là dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, những xung đột này dường như đã được giải tỏa. Trong những năm đầu tiên nắm quyền, đảng AKP luôn muốn Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU và hiện đại hóa nền kinh tế và đảng này đã tiến hành những cải cách thực sự, đặc biệt là trong các lĩnh vực như tư pháp, điều vốn cần thiết cho mục tiêu trở thành thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán về việc gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn “đóng băng”.
Trong vấn đề di cư, mặc dù EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận hồi tháng 3.2016 nhằm hạn chế dòng người di cư kéo tới Lục địa già song việc EU chưa thực hiện cam kết miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ theo điều khoản cam kết trong thỏa thuận đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ chấm dứt thỏa thuận này với EU. Thêm vào đó, việc chính quyền Tổng thống Erdogan bắt giam và sa thải hàng chục nghìn binh lính, cảnh sát, thẩm phán, công tố viên, nhà báo... sau khi chặn được âm mưu đảo chính hồi tháng 7.2016 bị EU coi là vi phạm nhân quyền và các nguyên tắc của luật pháp. Trong khi chính quyền Ankara lại cho rằng chính EU lại đang bao che cho các phần tử đảo chính và dung túng cho các tay súng người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt ngoài vòng pháp luật.
Có thể thấy, dù EU rất cần sự hợp tác của chính quyền Ankara trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, nhưng EU lại không từ bỏ các nguyên tắc của mình.
Căng thẳng bùng phát liên quan đến đảo Cyprus
Thời gian gần đây, căng thẳng giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã bùng phát trở lại liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi Cyprus, một thành viên của EU.
Nhìn lại lịch sử, đảo Cyprus bị chia cắt sau cuộc đảo chính của những người Cyprus gốc Hy Lạp vào năm 1974 dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm nửa phía Bắc của hòn đảo này và hậu thuẫn thành lập "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus". Tuy nhiên, đến nay cộng đồng quốc tế chỉ cộng nhận CH Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý ở miền Nam. Tháng 10 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa tàu Fatih tới vùng biển tranh chấp ngoài khơi tỉnh Antalya, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Tháng 2 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã lần đầu thông báo về việc ý định khoan thăm dò dầu khí khoài khơi CH Cyprus. Việc phát hiện ra các mỏ dầu khí này ở phía đông Địa Trung Hải đã khiến CH Cyprus và Thổ Nhĩ Kỳ đều tuyên bố chủ quyền. Mặc dù CH Cyprus đã ký thỏa thuận thăm dò với các công ty Eni, Total và ExxonMobil, song Ankara cho rằng điều này đi ngược lại với quyền lợi của cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 3.5, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi một thông điệp trên hệ thống telex hàng hải quốc tế (NAVTEX) thông báo các tàu của nước này sẽ thực hiện các hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở Địa Trung Hải đến tháng 9, khẳng định hoạt động khoan thăm dò này dựa trên "quyền lợi hợp pháp", theo đó vị trí thăm dò nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước thông báo của Thổ Nhĩ Kỳ, CH Cyprus đã lên án mạnh mẽ. Tổng thống Nicos Anastasiades coi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là sự vi phạm trắng trợn quyền lợi chủ quyền của CH Cyprus theo Luật quốc tế và EU. Trong khi đó, EU đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ xem xét lại kế hoạch khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi CH Cyprus. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ngày 20 và 21-6 tại Brussels (Bỉ), lãnh đạo các nước thành viên EU nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đáp lại lời kêu gọi liên tiếp của EU dừng "các hoạt động bất hợp pháp" ở ngoài khơi CH Cyprus. EU cảnh báo sẽ trừng phạt các cá nhân và công ty tham gia hoạt động khoan thăm dò nói trên.
Bất chấp cảnh báo từ EU, đến tháng 7, chính quyền Ankara đã triển khai tàu thăm dò dầu khí thứ 2 ở ngoài khơi vùng biển tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và CH Cyprus. Đồng thời, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố nước này sẽ tiếp tục hoạt động thăm dò khí đốt ngoài khơi đảo Cyprus chừng nào Chính phủ CH Cyprus của người gốc Hy Lạp không chấp nhận kế hoạch hợp tác do cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc hòn đảo này đưa ra.
Chính phủ CH Cyprus cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ "tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế", phớt lờ lời kêu gọi của EU và cộng đồng quốc tế. Nicosia cũng cho rằng tái khởi động đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa chính quyền ở khu vực miền Bắc Cyprus do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát và chính phủ được quốc tế công nhận ở Nicosia là giải pháp duy nhất có thể giải quyết tranh chấp này.
Trong khi đó, EU tiếp tục bày tỏ quan ngại về hoạt động khoan thăm dò dầu khí mới của Thổ Nhĩ Kỳ ở ngoài khơi CH Cyprus. Trong một tuyên bố, cơ quan phụ trách chính sách ngoại giao của EU cho rằng kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành hoạt động khoan thăm dò ở Đông Bắc CH Cyprus là "mối lo ngại lớn", là hành vi leo thang căng thẳng "không thể chấp nhận" và vi phạm chủ quyền của CH Cyprus.
EU nhất trí trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ
Một bước thụt lùi lớn đã xảy ra trong mối quan hệ giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ khi ngày 11.11, Ngoại trưởng các nước EU đã nhất trí về các biện pháp trừng phạt kinh tế liên quan đến hoạt động thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ở ngoài khơi bờ biển Cyprus, qua đó thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản, song chưa công bố danh sách đối tượng chịu trừng phạt.
Động thái này được đưa ra sau khi các nước EU, trong một quyết định riêng rẽ khác, cam kết ngừng các thương vụ bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ do chiến dịch tấn công của Ankara vào lực lượng người Kurd tại Đông Bắc Syria vào tháng 10 vừa qua.
Trong một tuyên bố, các bộ trưởng EU nêu rõ: "Quyết định này sẽ khiến EU có thể trừng phạt các cá nhân và thực thể chịu trách nhiệm hoặc liên quan tới hoạt động khoan thăm dò trái phép ở phía Đông Địa Trung Hải".
Theo 2 nhà ngoại giao EU, cách tiếp cận "cầm chừng" này trao do Thổ Nhĩ Kỳ cơ hội chấm dứt cái EU gọi là các hoạt động khoan thăm dò bất hợp pháp trước khi bất kỳ biện pháp nào có hiệu lực.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, hiện là ứng cử viên chính thức có nguyện vọng gia nhập EU, biện minh rằng họ đang hoạt động trong các vùng biển thuộc thềm lục địa của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các khu vực người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tài phán.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12.11 tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục các hoạt động khoan thăm dò các nguồn tài nguyên dầu khí ở Đông Địa Trung Hải bất chấp đe dọa trừng phạt của EU.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ: “Hy vọng Ankara sẽ từ bỏ các quyền lợi ở đông Địa Trung Hải vì lo sợ các mối đe dọa... là hy vọng phù phiếm. Về khía cạnh này, không ai có thể nghi ngờ rằng chúng ta sẽ tiếp tục các hoạt động thăm dò và khai thác ở Đông Địa Trung Hải theo cùng một phương thức”.
Bảo vệ lợi ích riêng
Theo các nhà phân tích, việc Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp tiến hành hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở ngoài khơi CH Cyprus dẫn đến quyết định trừng phạt Ankara của EU cho thấy cả hai bên đều bảo vệ những lợi ích riêng.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, nguồn lợi kinh tế từ nguồn khí đốt ở phía Đông Địa Trung Hải khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể bỏ qua. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cần chứng tỏ là không “buông bỏ” vùng miền Bắc trên đảo Cyprus và dùng việc khoan thăm dò này hậu thuẫn cho nhà nước của người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng miền Bắc trên đảo Cyprus.
Còn về phía EU, việc EU ra đòn mạnh tay với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến hoạt động thăm dò dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ ở ngoài khơi bờ biển Cyprus cho thấy EU không thể “khoanh tay đứng nhìn” một trong những nước thành viên của mình bị tổn hại kinh tế. Do vậy, EU phải kiên quyết bảo vệ lợi ích của Cyprus và cũng là lợi ích của chính EU. Hơn nữa, việc EU quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ là sự khẳng định EU cần phải làm mọi cách để ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ tạo tiền lệ trên thực địa trước rồi sau đó là các bước đi nhằm chính trị hóa và hợp pháp hóa vùng biển tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và CH Cyprus.
Theo TTXVN