Mặt cầu hẹp trong khi đường đã được mở rộng, phương tiện tham gia giao thông tăng khiến khu vực hai bên đầu cầu Cậy thường xuyên ùn tắc...
Cảnh ách tắc thường xuyên xảy ra ở khu vực cầu Cậy
Do bề mặt cầu hẹp, chỉ có một làn đường nên cứ vào giờ cao điểm, ở hai bên đầu cầu Cậy là xã Long Xuyên (Bình Giang) và xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) lại xảy ra ách tắc cục bộ. Tình trạng này diễn ra đã từ lâu, gây mất an toàn giao thông ở khu vực này.
Ngày nào cũng tắc
Ngày nào cũng vậy, cứ vào khoảng 6 giờ 30 - 7 giờ 30 và từ 16 giờ 30 - 17 giờ 30, tại khu vực hai đầu cầu Cậy, xe máy, ô tô xếp thành hàng dài hàng trăm mét để chờ qua cầu. Điều này làm cho không ít người bị muộn giờ làm. Anh Nguyễn Văn Tuyển ở xã Hồng Khê (Bình Giang) đang làm công nhân tại khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng) bức xúc nói: "Ngày nào tôi cũng phải 2 lượt đi và về qua cầu Cậy. Mỗi lần qua cầu tôi mất khoảng 30 phút vì phải nhích từng tý một. Không ít lần tôi bị muộn giờ làm do cầu bị tắc. Có lần đến muộn quá, tôi không được vào làm việc, mất toi ngày công". Anh Tuyển chỉ là một trong số hàng trăm công nhân ở các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc hằng ngày vẫn phải chịu cảnh tắc cầu.
Đối với người dân thôn Cậy, cảnh cầu bị tắc trở nên quen thuộc đã nhiều năm nay. Ngoài ra, việc người dân họp chợ ven đường tỉnh 394 càng làm cho tình trạng giao thông ở đây hết sức lộn xộn. Ông Triệu Quang Bột ở thôn Cậy, xã Long Xuyên, nhà chỉ cách cầu khoảng 50 m cho biết: "Hầu như đầu giờ sáng nào cầu cũng bị tắc. Lúc ấy, xe máy, ô tô ken đặc, nhích từng mét một mới qua được cầu. Có hôm cầu tắc cả tiếng đồng hồ. Cầu tắc, đường tắc làm cho các hộ sản xuất, kinh doanh ở gần cầu như chúng tôi gặp không ít khó khăn".
Để hạn chế tắc cầu và đường khu vực cầu Cậy, Công an huyện Bình Giang đã cử lực lượng phân luồng nhưng tình trạng này vẫn không được khắc phục. Ngoài ra, UBND xã Long Xuyên và lực lượng chức năng của huyện Bình Giang đã nhiều lần ra quân, tuyên truyền, dẹp chợ nhưng cảnh tái lấn chiếm lòng đường họp chợ vẫn thường xuyên diễn ra, làm cho tình trạng ách tắc càng nghiêm trọng hơn. Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, ngày 17.1, Sở Giao thông vận tải tổ chức cuộc họp về việc hạn chế xe tải lưu thông qua cầu Cậy trên đường tỉnh 394 trong giờ cao điểm để bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Sớm xây cầu Cậy mới
Cầu Cậy được xây dựng từ năm 1986, mặt cầu rộng 4 m, cho phép xe có tải trọng 13 tấn chạy qua. Do mặt cầu hẹp, trong khi đường 394 đã được mở rộng thành 7-9 m nên cầu Cậy hiện nay không bảo đảm giao thông thông suốt. Số lượng ô tô qua cầu ngày càng gia tăng, trong khi 2 ô tô không thể tránh nhau trên cầu nên đi lại rất bất tiện. Ông Nguyễn Văn Phượng, Chủ tịch UBND xã Long Xuyên cho biết: Mặt cầu hiện nay không đáp ứng được yêu cầu để xe ô tô lưu thông. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên huyện, tỉnh đề nghị sớm xây dựng cầu Cậy mới. Trước đây, tỉnh đã có chủ trương xây dựng cầu Cậy theo hình thức BOT. Đơn vị thi công cũng đã về khảo sát, thiết kế, thống kê đất đai, nhà cửa để sẵn sàng đền bù làm cầu nhưng sau đó lại thấy tỉnh có thông báo dừng. Xã mong tỉnh quan tâm xây dựng cầu mới càng sớm càng tốt.
Do mặt cầu Cậy chỉ rộng 4 m nên 2 xe ô tô không thể tránh nhau trên cầu
Theo "Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông tỉnh Hải Dương đến năm 2020 định hướng đến năm 2030", trong giai đoạn 2011-2020 xây dựng cầu Cậy theo tiêu chuẩn HL93. Xây dựng cầu Cậy mới sẽ khắc phục được tình trạng bất cập hiện nay, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tạo kết nối giao thông đồng bộ, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, kết nối các khu công nghiệp. Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bình Giang kiến nghị: Huyện Bình Giang kết nối giao thông với quốc lộ 5 qua 2 cây cầu chính là Cậy và Sặt. Cầu Cậy hiện rất nhỏ hẹp, không đáp ứng được lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông hiện nay. Không chỉ người dân Bình Giang mà còn nhiều người ở huyện Thanh Miện đi qua cầu Cậy để tới làm việc ở các khu công nghiệp. Đảng bộ và nhân dân huyện Bình Giang rất mong tỉnh sớm quan tâm xây cầu mới. Nếu tỉnh chưa có kinh phí xây mới thì có thể bố trí ngân sách để nâng cấp, cải tạo cầu, sớm khắc phục những bất cập hiện nay.
Việc đầu tư xây dựng cầu Cậy mới là yêu cầu bức thiết. Các cơ quan chức năng của tỉnh cần tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư hoặc kêu gọi các nhà đầu tư sớm xây dựng cầu. Trong điều kiện ngân sách hạn chế, ngoài hình thức đầu tư BOT, tỉnh có thể nghiên cứu hình thức khác như BT để kêu gọi nhà đầu tư nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, sớm xây dựng cầu Cậy mới.
VŨ ÚY - HÀ NGA