Hỏi: Bố mẹ vợ tôi mua 70 m2 đất bằng giấy tay năm 1998, sau đó xây nhà cho thuê và không bị chính quyền địa phương phạt. Hiện nhà chưa có sổ đỏ, chưa có số nhà.
Từ xưa đến giờ các giấy tờ đóng thuế đất, hợp đồng cho thuê nhà... đều đứng tên bố vợ tôi. Tháng 1/2022, ông bà viết giấy tay cho vợ chồng tôi căn nhà trên. Cha mẹ đã lớn tuổi, chúng tôi muốn đứng tên căn nhà nhưng lên hỏi thủ tục thì cán bộ địa chính nói "giấy tay không có giá trị".
Xin hỏi, địa chính nói vậy có đúng không? Chúng tôi muốn đứng tên nhà thì phải làm thế nào?
Trả lời: Căn cứ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013; khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014, thì hợp đồng tặng cho nhà ở và quyền sử dụng đất phải thực hiện công chứng, chứng thực. Do vậy, giấy viết tay mà bố mẹ vợ anh tặng cho nhà phải được công chứng, chứng thực thì mới có hiệu lực pháp lý.
Về điều kiện thực hiện, theo điểm a khoản 1 Điều 118; điểm a khoản 1 Điều 119 Luật Nhà ở năm 2014, giao dịch về tặng cho nhà ở thì nhà ở phải có giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật. Đồng thời, bên tặng cho nhà ở phải là chủ sở hữu hoặc được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch.
Theo thông tin anh cung cấp, hiện thửa đất và nhà ở không có các giấy tờ theo quy định của pháp luật. Do vậy, trường hợp này, trước tiên bố mẹ vợ anh phải tiến hành các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Sau đó, ông bà sẽ lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho vợ chồng anh chị (có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật) và anh chị tiến hành cập nhật biến động đối với nhà đất được tặng cho.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 10 Điều 5 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, khoản 10 Điều 10 Nghị định 10/2022/NĐ-CP, trường hợp tặng cho bất động sản giữa cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; bố vợ, mẹ vợ với con rể thì được miễn đóng thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ khi thực hiện thủ tục sang tên.
Theo VnExpress