Bộ Tài chính đề xuất nghỉ Tết âm lịch 9 ngày

13/09/2022 20:40

Bộ Tài chính chọn nghỉ Tết từ 30 tháng chạp đến mùng 8 tháng giêng để tạo điều kiện cho công chức, viên chức, người lao động có thời gian bên gia đình, đặc biệt người quê xa.

>>> Cân nhắc thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2023

Nông dân Nhật Tân (Hà Nội) thu hoạch đào Tết. Ảnh: Giang Huy

Góp ý về phương án nghỉ Tết âm lịch 2023 với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính chọn phương án 9 ngày thay vì 7 ngày như các Bộ Nội vụ, Giao thông vận tải. Theo cơ quan này, nghỉ từ 30 tháng chạp đến hết mùng 8 tháng giêng (21-29.1.2023) vừa bảo đảm đúng quy định pháp luật, hài hòa, tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động chủ động nghỉ ngơi, đoàn tụ với gia đình.

Như vậy sau hai tuần Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lấy ý kiến góp ý, tổng cộng có ba phương án nghỉ Tết được đưa ra: 7 ngày (từ 29 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng); 8 ngày (từ 28 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng, làm bù thứ bảy) và 9 ngày (từ 30 tháng chạp đến hết mùng 8 tháng giêng).

Trong số 16 cơ quan, bộ, ngành được lấy ý kiến,Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất phương án mới nghỉ 8 ngày. Theo đó, công chức, viên chức và người lao động sẽ nghỉ từ ngày 28 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng (19-26.1.2023), đi làm trở lại vào mùng 6 và làm bù thứ bảy (28.1.2023).

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn cho biết khảo sát phần lớn lao động chọn phương án nghỉ kéo dài và được nghỉ Tết sớm, từ 28 tháng chạp. Khi đề xuất chính sách, cơ quan chuyên môn cần tính toán yếu tố lao động di cư, đất nước trải dài từ Bắc đến Nam, người dân về quê mất nhiều thời gian. Nghỉ Tết sớm sẽ tạo điều kiện cho lao động về quê, sắm sửa chu đáo, giảm tải giao thông.

"Công đoàn mong muốn người lao động được chia sẻ. Thực tế nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình nghỉ sớm tạo điều kiện cho lao động về quê", ông Hiểu nói, mong muốn Chính phủ cân nhắc phương án nghỉ 8 ngày, đáp ứng nguyện vọng chung của đông đảo người lao động xa quê.

Nghỉ Tết sớm từ ngày 28 tháng chạp cũng là quan điểm chung của nhiều chuyên gia lẫn doanh nghiệp khối sản xuất. Đặc điểm lao động Việt Nam phần lớn là di cư từ nông thôn lên thành phố, dù thanh niên hay đã lập gia đình vẫn mong muốn về quê đón Tết. Tâm lý người Việt cũng luôn coi trọng thời gian trước giao thừa hơn là sau Tết. Nghỉ muộn sẽ gây áp lực lớn cho giao thông vận tải, giá vé tàu, xe, máy bay tăng cao, thậm chí nhiều lao động không kịp về quê đón Tết.

Đại diện nhiều đơn vị giao thông vận tải cũng đồng tình quan điểm nên bố trí thêm ngày nghỉ trước Tết để việc đi lại của người dân giãn ra. Hàng không, bến xe đều được giảm tải và nhà xe không bị áp lực tăng chuyến.

Giữa tháng 9, các góp ý sẽ được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp, thống nhất một phương án trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Bộ Tài chính đề xuất nghỉ Tết âm lịch 9 ngày