Nhiều người có mức thu nhập không hề thấp song lại chẳng tiết kiệm được đồng nào. Nếu bạn rơi vào trường hợp đó, hãy xem liệu có phải mình đang có những thói quen chi tiêu xấu này không.
1. Tiêu xài nhiều hơn khi thu nhập tăng lên
Không có gì sai khi bạn nâng cao tiêu chuẩn sống của mình khi có thể. Tuy nhiên, nếu bạn cần tiết kiệm cho nhiều mục đích lớn hơn trong tương lai, đừng quá phóng tay khi được tăng lương.
Khi bạn được tăng lương, hãy chuyển phần tiền được tăng đó vào tài khoản tiết kiệm và giữ nguyên mức sống như cũ. Sau một thời gian, bạn sẽ có khoản tiết kiệm không hề nhỏ mà cuộc sống vẫn ổn.
2. “Bỏ quên” tương lai
Nhiều người có xu hướng quan tâm nhiều hơn vào các nhu cầu hiện tại, tự nhủ rằng mình có thể đáp ứng các nhu cầu sau này trong tương lai.
Đừng chỉ chú trọng đến hiện tại mà "bỏ quên" tương lai. Để tránh thói quen không tích cực này, bạn cần nghĩ đến các dự định lâu dài và hoạch định tài chính cho nó.
3. Nghĩ rằng còn quá sớm để bắt đầu tiết kiệm
Khi còn trẻ, chúng ta thấy mình có thật nhiều thứ cần mua và tự đưa ra vô vàn lý do để có thể tiêu tiền. Nhiều người nghĩ rằng “ngay lúc này” là còn quá sớm để bắt đầu tiết kiệm, vẫn còn sớm cho chuyện này.
Theo các chuyên gia, càng tiết kiệm sớm, bạn sẽ càng có lợi. Hãy gửi tiền tiết kiệm ngay khi có thu nhập và dành khoản còn lại để chi tiêu thay vì tiết kiệm những đồng tiền còn sót lại.
4. Không biết tiền của mình đi đâu
Rất nhiều người trong số chúng ta không biết những đồng tiền của mình đi về đâu. Chúng ta chủ quan nghĩ rằng khoản tiền này kia chỉ nhỏ thôi, không đáng là bao nhưng khi cộng dồn lại, bạn sẽ biết chúng ngốn của bạn một khoản kha khá.
Bạn có thể bắt đầu với một cuốn sổ tay nhỏ xinh đặt trong túi xách hay cài ứng dụng phù hợp để nhắc nhở bản thân chi tiêu khoa học. Hãy ghi lại các khoản thu nhập và chi tiêu của bạn từ nhỏ đến lớn. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát tình hình tài chính tốt hơn.
5. Không lập ngân sách
Ghi chép chi tiêu là một trong những bước đầu cơ bản của việc chi tiêu hợp lý. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên bắt đầu với việc lên ngân sách.
Bạn cần biết mình đang có bao nhiêu tiền, thu nhập hàng tháng và sẽ chi bao nhiêu cho từng khoản nào, kế hoạch đạt được điều gì trong vài tháng, 1 năm, 3 năm tới. Chi tiêu trong ngân sách đã định sẽ giúp bạn tránh được những khoản phát sinh không đáng có.
6. Không biết mình chính xác muốn gì, khả năng tài chính tới đâu
Bạn cần phải biết bản thân mình muốn gì, mục tiêu của cuộc đời là gì. Nếu bạn muốn làm giàu hay cụ thể hơn là mua được nhà ở tuổi 40, bạn cần phải lên kế hoạch để từng bước thực hiện.
Nhiều người chỉ nói bâng quơ mình muốn có nhiều tiền, than nghèo kể khổ nhưng lại không thể nói rõ mục tiêu cuộc đời của mình là gì. Đừng mơ hồ với chính cuộc đời và để nó trôi trong vô định.
7. Mặc kệ các khoản nợ
Nợ là điều không ai muốn song trong nhiều trường hợp, khi tài chính của bạn chưa đủ, việc phải vay nợ là điều khó tránh. Hãy nhớ rằng, lãi suất có thể là tác nhân ăn mòn chiếc bánh tài chính của bạn.
Nhiều người sau khi đã vay nợ và có được ngôi nhà hay chiếc ô tô mà mình mong muốn rồi thì lại tỏ ra thờ ơ với các khoản nợ. Họ đảm bảo khoản lãi trả hàng tháng còn tiền gốc thì... để sau rồi tính. Đừng bao giờ để mặc các khoản nợ. Hãy có kế hoạch cụ thể để chi tiêu và nợ, tuyệt đối tuân theo để giải quyết càng nhanh càng tốt.
8. Liên tục đổi mới thiết bị công nghệ
Công nghệ ngày càng phát triển, các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng ngày càng trở nên có nhiều tiện ích hơn. Tuy nhiên hãy nhớ rằng, chạy theo các thiết bị công nghệ chính là bạn đang tự hại túi tiền của mình. Bạn sốt sắng về chiếc điện thoại vừa ra mắt, không thể kiềm chế và phải tậu ngay? Hãy trấn an bản thân rằng chúng ta cần thiết bị phục vụ bản thân thay vì lựa chọn một sản phẩm chỉ vì nó mới ra mắt trong khi chiếc điện thoại hiện đang sử dụng vẫn dùng tốt.
Theo Phụ nữ Việt Nam