Vốn là nguồn sống, đem lại sự trù phú, tốt tươi song cứ đến mùa mưa bão, bờ kênh của hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải đoạn qua huyện Bình Giang, giữa vùng dân cư đông đúc lại mang đến nỗi lo từ những sự cố tiềm ẩn.
Mất an toàn
Hệ thống Bắc Hưng Hải chảy qua 7 huyện, thành phố trên địa bàn Hải Dương nhưng với mảnh đất Bình Giang có sự khác biệt, đặc thù hơn hẳn. Nếu như 6 địa phương kia ít nhiều có sông ngoài bao bọc thì nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của Bình Giang phụ thuộc hoàn toàn vào đại công trình thuỷ lợi vốn là biểu tượng, niềm tự hào của cả miền Bắc một thời này. Kênh Kim Sơn là xương sống của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Từ tuyến kênh này, nguồn nước tỏa đi, gieo mầm sống, phủ xanh tươi cho phần lớn các xã, thị trấn ở huyện Bình Giang. Thế nhưng, bên cạnh lợi ích thì hệ thống Bắc Hưng Hải còn ẩn chứa nguy hiểm rình rập, nhất là khi mùa mưa bão đến. Bờ kênh Kim Sơn đang phải oằn mình chống chịu với những sự cố sạt lở, nguy cơ vỡ bờ kênh hiện hữu bất cứ lúc nào.
Ngày 4/3 vừa qua, đoạn bờ hữu kênh Kim Sơn thuộc xã Vĩnh Hưng bị sạt lở nghiêm trọng. Chiều dài cung sạt khoảng 80m, sạt hết mái bờ kênh và lấn vào hơn 1m thân kênh. Hiện mặt kênh chỉ còn chưa đầy 2m, mái kênh dựng đứng và tiếp tục có diễn biến sạt sâu hơn. Bên phía trong là vườn tược, nhà dân. Nếu vỡ bờ kênh hậu họa sẽ không kể xiết. Một người dân sống gần điểm sạt lo ngại nói: “Ngày nào tôi cũng quan sát chỗ sạt, thấy đất trên bờ trôi theo dòng nước mà lòng bất an. Đang mùa mưa bão, chỉ cần một trận mưa lớn hay mưa âm ỉ kéo dài cũng dễ gây vỡ bờ kênh. Lúc đó, nước lớn tràn ra thì không biết sẽ thế nào”.
Được biết khi xảy ra sự cố, đơn vị quản lý đã phối hợp với chính quyền địa phương để tìm cách xử lý, khắc phục. Tuy vậy, đến nay mối lo vỡ bờ kênh vẫn hiện hữu bởi phải đợi thực hiện các bước, quy trình.
Không chỉ kênh Kim Sơn mà bờ kênh Tây Kẻ Sặt cũng ẩn họa nguy hiểm trong mùa mưa bão. Nhiều đoạn mặt kênh mảnh, xuất hiện vết nứt sâu nên hiểm nguy từ sự cố luôn rình rập. Ngày 12/5/2023, đoạn kênh dài 21m qua xã Thúc Kháng bị sạt sâu, mặt kênh lên tới 0,3m. Nhận thấy đây là mối nguy phải sớm có biện pháp khắc phục, phía Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đã phối hợp với địa phương thống nhất phương án xử lý giờ đầu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mưa lớn vào tháng 6 vừa qua, đoạn kênh này tiếp tục bị sụt lún thêm 25m, mặt lún sâu tới 0,7m. UBND xã Thúc Kháng đã thực hiện đắp bờ kênh tạm thời ngay sau đó song vẫn không khả thi.
Đi thực tế bờ kênh, ông Bùi Quang Sơn, Chủ tịch UBND xã sốt ruột cho hay: “Địa phương đã 4 lần phải gia cố, xử lý đoạn tuyến này nhưng chỉ một thời gian ngắn lại tiếp tục sạt lở mà mức độ lần sau nghiêm trọng hơn lần trước. Gần cạnh bờ kênh là trường học, trạm y tế. Đồng ruộng cũng đang bước vào vụ lúa mùa. Trong khi đó, thời tiết ngày càng khó lường nên sự cố như thế này cần sớm được ưu tiên xử lý bằng biện pháp cứng hóa. Việc xử lý như hiện tại chỉ là giải pháp tình thế, nếu không cẩn thận, đề phòng có thể gây tác dụng ngược, gây áp lực lên bờ kênh”.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải qua huyện Bình Giang có 3 tuyến kênh chính là Kim Sơn, Tây Kẻ Sặt và Đình Đào. Không chỉ có vai trò cấp nước cho sản xuất, góp phần tạo hệ sinh thái tự nhiên cho địa phương mà khi vào mùa mưa, những tuyến kênh này còn làm nhiệm vụ thu gom nước, phục vụ chống úng.
Có nhiệm vụ, vai trò lớn như vậy nhưng nếu bờ kênh Bắc Hưng Hải mà bị vỡ thì hiểm họa sẽ tương đương, thậm chí nguy hại hơn vỡ đê sông ngoài.
Quan trọng đi cùng xung yếu
Nếu so sánh trong số các địa phương của tỉnh, hệ thống Bắc Hưng Hải có vai trò quan trọng nhất với huyện Bình Giang, song nguy cơ mất an toàn tại đây cũng là lớn nhất. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, trên địa bàn huyện Bình Giang có 27 điểm xung yếu bờ kênh Bắc Hưng Hải, nhiều nhất tỉnh. Đó là còn chưa kể đến những vết nứt, điểm sạt trượt chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể diễn biến thành sự cố. Từ những sự cố này rất dễ thành tai họa, có khi là thảm họa. Mà thiệt hại do vỡ bờ kênh Bắc Hưng Hải sẽ khó có thể đong đếm.
Ông Nguyễn Văn Nhã, Trạm trưởng Trạm Quản lý công trình sông Sặt (thuộc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải) đã có ngót nghét 20 năm gắn bó với các tuyến kênh ở huyện Bình Giang. Vì thế, ông am hiểu tường tận, ngọn ngành từng vị trí, đoạn tuyến dễ xảy ra sự cố, đe dọa an toàn công trình. Ông Nhã cho hay: “Xác định được tầm quan trọng của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đối với địa phương nên dù lực lượng mỏng, anh em quản lý tuyến chưa khi nào lơ là việc giám sát, trông nom và phối hợp sát sao với địa phương. Do đó, những sự cố liên quan tới bờ kênh đều được phát hiện ngay từ giờ đầu. Tuy nhiên, khâu xử lý vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế vì kinh phí eo hẹp, lại qua nhiều thủ tục, quy trình”.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được hình thành do nhân tạo và thiên tạo. Trước yêu cầu bức thiết về việc cải thiện năng lực thủy lợi để có nguồn nước dồi dào cho sản xuất nông nghiệp và chống úng kịp thời ở miền Bắc vào những năm 50 của thế kỷ trước, từ những con sông nội đồng phân tán, nhân dân và chính quyền đã chung sức đồng lòng đào đắp kênh Bắc Hưng Hải thông suốt, chảy qua 4 tỉnh, thành phố.
Đến nay, những giá trị về lịch sử, kinh tế của đại công trình này vẫn vẹn nguyên nhưng việc bảo vệ, gìn giữ từng tuyến kênh thuộc hệ thống thì đã có phần sao nhãng, lơ là. Chính vì vậy mà hệ thống Bắc Hưng Hải xuất hiện nhiều sự cố bờ kênh.
Tại Hải Dương, bờ kênh thuộc huyện Bình Giang là đáng lo ngại nhất. Ở đây bờ kênh dài nhưng mảnh trong khi lòng kênh lại rộng và sâu nên rất dễ phát sinh sự cố sạt lở. Bên cạnh nguyên nhân khách quan đó, còn có nguyên nhân chủ quan do nhiều hộ dân sống gần bờ kênh vì lợi ích của cá nhân, gia đình mà vi phạm hành lang bảo vệ bờ kênh. Thời gian trước, một số trường hợp còn khai thác cát trái phép dưới lòng kênh, giờ tình trạng này không còn nhưng vẫn để lại hậu quả.
Địa bàn Bình Giang cũng từng nhức nhối về việc ao cá phá bờ kênh. Những thay đổi về địa chất từ việc đào ao thả cá đã tác động trực tiếp tới kết cấu bờ kênh, dần dần khiến bờ kênh xuống cấp, giảm khả năng chống chịu khi xảy ra mưa lớn, lượng nước từ thượng nguồn dồn về nhiều.
Theo tính toán của cơ quan chức năng, tổn thất từ vỡ bờ kênh Bắc Hưng Hải nếu xảy ra sẽ vô cùng lớn và việc khắc phục sẽ rất nan giải bởi phần lớn tuyến kênh chạy qua khu dân cư đông đúc. Ở địa bàn Bình Giang thì càng phức tạp hơn vì sự cố nhiều hơn, nguy cơ cao hơn. Lòng kênh rộng, lưu lượng nước lớn song nhiều đoạn bờ kênh lại mỏng manh, có những đoạn chỉ rộng khoảng vài gang tay. Nếu không có biện pháp gia cố chắc chắn, cẩn thận những đoạn tuyến này thì sự cố sạt lở sẽ luôn rình rập, đe dọa tới sản xuất, sinh hoạt, thậm chí là tính mạng của người dân.
Vai trò của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải qua huyện Bình Giang rất quan trọng song việc quan tâm để củng cố bờ kênh vững chãi cũng phải xứng tầm. Trước mắt là phải xử lý dứt điểm các điểm xung yếu, ngăn chặn các hành vi vi phạm làm tổn hại bờ kênh. Về lâu dài cần phải tính toán giải pháp để bờ kênh không còn những nguy cơ tiềm ẩn trước mỗi mùa mưa bão. Có như vậy, bờ kênh Bắc Hưng Hải qua huyện Bình Giang mới không còn là mối lo ngại luôn thường trực với người dân nơi đây.
DŨNG CƯỜNG