Bộ Giáo dục và Đào tạo giải quyết thế nào với giáo viên có chứng chỉ nghiệp vụ cũ?

09/01/2022 10:15

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp để có giải pháp phù hợp với những giáo viên có bằng cử nhân, đang giảng dạy và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Một trường hợp điển hình là bà Đoàn Thanh Huyền (Nam Định) tốt nghiệp Đại học Khoa học tự nhiên và năm 2000, bà học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm bậc 1, sau đó thi tuyển và làm giáo viên đến nay được hơn 20 năm.

Tuy nhiên, hiện nay, theo Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT, giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên THPT theo chương trình do Bộ trưởng GDĐT ban hành thì mới đủ điều kiện xếp giáo viên THPT hạng III.

Bà Huyền đặt câu hỏi vậy chứng chỉ cũ của bà có còn được chấp nhận nữa hay không?

Về vấn đề này, Bộ GDĐT cho hay, đối với chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho người muốn trở thành giáo viên THPT, bộ đã ban hành 2 chương trình, gồm:

Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên THPT ban hành kèm theo Thông tư số 40/2011/TT-BGDĐT ngày 16.9.2011 (dành cho những người đã được tuyển dụng làm giáo viên THPT nhưng chưa qua đào tạo sư phạm, đã hết hiệu lực từ ngày 22.5.2021);

Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên THPT ban hành kèm theo Thông tư số 46/2012/TT-BGDĐT (dành cho người tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên THPT, đã tạm dừng kể từ ngày 27.3.2014 theo Quyết định số 1090/QĐ-BGDĐT của Bộ GDĐT và hết hiệu lực từ ngày 22.5.2021).

Do đó, Bộ GDĐT cho biết, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm bậc 1 như các trường hợp tương tự bà Huyền không phải là chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên THPT theo chương trình do Bộ GDĐT ban hành.

Hiện nay, Bộ GDĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp để có giải pháp phù hợp với những giáo viên có bằng cử nhân, đã tham gia giảng dạy và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm do các cơ sở đào tạo sư phạm cấp.

Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Cũng liên quan đến chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cũng nêu kiến nghị của cử tri đề nghị Bộ GDĐT xem xét, chỉ đạo bãi bỏ điều kiện về chứng chỉ này. Do trong thực tế, khi được tuyển dụng giáo viên đã bảo đảm đầy đủ yêu cầu về vị trí việc làm và bồi dưỡng thường xuyên do vậy bồi dưỡng theo hình thức chứng chỉ sẽ gây tốn kém, không có hiệu quả.

Về vấn đề này, Bộ GDĐT cho hay, việc quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT là thực hiện theo các quy định của Chính phủ tại điểm a khoản 3 điều 26 Nghị định101/2017/NĐ-CP ngày 1.9.2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định “chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng” (quy định này có hiệu lực tại thời điểm ban hành các thông tư).

Ngày 18.10.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngay 1.9.2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10.12.2021). Theo đó, điều chỉnh quy định về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành như sau: mỗi chuyên ngành có 1 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 6 tuần.

Vì vậy, Bộ GDĐT đang tiến hành sửa đổi quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tại các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT theo hướng giảm số lượng chứng chỉ, mỗi chức danh nghề nghiệp giáo viên (theo cấp học) chỉ quy định 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đồng thời, ban hành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng để thay thế các chương trình bồi dưỡng hiện hành.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Bộ Giáo dục và Đào tạo giải quyết thế nào với giáo viên có chứng chỉ nghiệp vụ cũ?