Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất bỏ quy định diện tích phòng hát karaoke tối thiểu 20m², phòng vũ trường có diện tích từ 80m², không kể công trình phụ.
Bộ Tư pháp đang thẩm định nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 54/2019 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Dự thảo nghị định do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng.
Dự thảo tờ trình nêu rõ hiện nay, một số quy định tại nghị định 54 đã phát sinh các tồn tại, vướng mắc, gây khó khăn cho tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh karaoke, vũ trường, cần có sự điều chỉnh.
Theo đó, một số quy định về điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với thực tế, chưa cập nhật theo các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.
Như điều kiện phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ đối với cơ sở karaoke.
Điều kiện phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80m2 trở lên, không kể công trình phụ đối với dịch vụ vũ trường có tính chất bắt buộc, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong khi thực tế đa số các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường được chuyển đổi từ nhà ở hộ gia đình.
Bên cạnh đó, qua đánh giá, điều kiện này cũng không có ý nghĩa cho việc đảm bảo tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy tại cơ sở.
Từ đó, cơ quan soạn thảo đề xuất bỏ quy định diện tích phòng hát karaoke tối thiểu 20m2 và phòng vũ trường có diện tích từ 80m2, không kể công trình phụ.
Cùng với đó, theo quy định hiện hành, địa điểm kinh doanh karaoke, vũ trường phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử, văn hóa từ 200m. Cơ quan soạn thảo cũng đề nghị bỏ nội dung này.
Góp ý về nội dung này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề xuất giữ nguyên quy định khoảng cách tối thiểu từ quán karaoke, vũ trường đến trường học, bệnh viện.
Bởi theo sở này, các cơ sở kinh doanh này dùng nhạc mạnh, độ ồn và độ rung lớn, ảnh hưởng cộng đồng xung quanh, nhất là những nơi cần yên tĩnh như trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.
Đề xuất bỏ khoảng cách tối thiểu còn khiến cơ quan chức năng địa phương khó xử lý vi phạm tiếng ồn khi các quán karaoke, vũ trường sử dụng nhạc mạnh. Cơ quan chức năng hiện chưa có phương tiện hữu hiệu đo cường độ, âm lượng, độ rung của âm thanh phát ra từ các cơ sở này.
Cùng với đó, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung yêu cầu cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường phải bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các tiêu chuẩn áp dụng, liên quan đến phòng cháy chữa cháy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
Kèm theo đó, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke hoặc dịch vụ vũ trường.
Việc phân cấp, ủy quyền thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy phép đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương.
Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn việc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các tiêu chuẩn áp dụng, liên quan đến phòng cháy chữa cháy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường.
Trước đó, cơ quan soạn thảo cho rằng các điều kiện kinh doanh tại nghị định 54 cũng chưa cụ thể hóa các nội dung, dẫn chiếu đến các quy định của pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khác có liên quan một cách thống nhất, có hệ thống.
Từ đó gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong việc tra cứu, thực hiện các quy định.
Cùng với đó, quy định về trình tự, thủ tục thẩm định thực tế các địa điểm kinh doanh trước khi cấp phép đã được quy định, nhưng chưa cụ thể được thành phần, phân định trách nhiệm giữa các sở, ngành, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong công tác cấp giấy phép, kiểm tra, thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Giữa tháng 11-2023, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nghiên cứu sửa quy định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường theo trình tự rút gọn, hoàn thành trong tháng 12.
Chỉ đạo được đưa ra khi nhiều hộ kinh doanh karaoke kiến nghị hướng dẫn quy chuẩn phòng cháy chữa cháy để tháo gỡ khó khăn cho ngành nghề này.
Theo Tuổi trẻ