Nơi tôi ở có dăm chị em nông thôn ra Hà Nội hành nghề thu gom phế liệu. “Làm nghề này thu nhập ổn không?”, tôi hỏi một chị.
Nơi tôi ở có dăm chị em nông thôn ra Hà Nội hành nghề thu gom phế liệu. “Làm nghề này thu nhập ổn không?”, tôi hỏi một chị. Chị ấy đáp, nhà nghèo mà con cái lại ham học, em đành chịu khó lam lũ để các con được vào đại học.
Tôi vẫn thường gọi họ để cho những thứ ít dùng đến mà còn bán được tiền. Hỏi kỹ thêm, các chị cho biết đều từ những vùng quê nghèo ở Nam Định, đất đai bị thu hồi làm công nghiệp. Chị em rủ nhau đi làm ăn, tụ lại thành nhóm "đồng nát" vừa để kiếm sống vừa bảo vệ lẫn nhau. Một chị còn nói, thực ra ở quê mà còn đất thì bây giờ thu nhập từ nghề nông cũng không đủ chi dùng. Nhìn các chị, tôi đoán đều chừng khoảng bốn tới năm mươi tuổi, vẫn áo cánh nâu quần thâm, chắc cho hợp với công việc. Mặt họ thoáng nét u buồn nhưng cũng vẫn lạc quan khi bày tỏ "muốn tự mình không để con cái bị bỏ lại" phía sau.
Nghe các chị kể, tôi bỗng thấy chạnh lòng. Tôi biết con nhiều quan chức, thương nhân được gửi đi học, được chọn trường ở nước ngoài. Trẻ con cùng sinh ra trong một xã hội nay đã khá hơn xưa rất nhiều mà sao khác nhau đến vậy. Tôi hỏi tiếp, có ai nói với chị rằng chị thuộc diện được cứu trợ vì bị ảnh hưởng bởi Covid-19 không? - "Không!", chị trả lời tỉnh queo như đã quá quen với thân phận mình. Tôi thoáng nhìn chị rồi khẽ thở dài.
Vào tháng ba, tôi được nhóm các tổ chức xã hội mang tên Mnet (Hành động vì lao động di cư) với sự hỗ trợ của tổ chức phát triển quốc tế Oxfam mời tham gia tư vấn cho việc vận động chính sách, trợ giúp người lao động tự do trong đại dịch. Thoạt đầu, các cán bộ của một số cơ quan thực thi gói cứu trợ 62 nghìn tỷ đồng không quan tâm tới đối tượng này. Nhóm Mnet đã giải thích và thuyết phục họ. Sau nhiều lần thảo luận về đề xuất đưa thêm nhóm lao động tự do không hợp đồng vào diện được hưởng gói cứu trợ, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận tại Quyết định số 15/2020.
Câu chuyện từ quy định trên giấy đến thực tế với trường hợp trên là cả hành trình dài. Các cán bộ nhà nước cũng đã yêu cầu nhóm lao động vãng lai nhập cư này phải có hộ khẩu thường trú, sau đó rút xuống là phải có tạm trú KT3. Để có KT3 đâu phải là dễ dàng. Đa số họ chỉ cần tìm được một chỗ trọ rẻ tiền để qua đêm rồi ban ngày phải lam lũ kiếm ăn.
Vào lúc khó khăn trong đại dịch, chúng tôi ra sức thuyết phục, hãy bỏ qua mọi yêu cầu hành chính mà hướng tới mục tiêu con người, nếu cần chúng ta hỏi đại diện tổ dân phố, họ đều biết nơi trọ của những người này ở đâu. Tôi đã viết ý kiến của mình rất rõ ràng.
Đối với gói cứu trợ 62 nghìn tỷ đồng, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến cuối tháng 6 các địa phương đã hoàn thành phê duyệt hỗ trợ cho 15,8 triệu người với 20 nghìn tỷ đồng với nhóm đối tượng thứ 5 gồm người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội. Nói là "hoàn thành", nhưng cũng có vài thông tin bàn đến tiêu cực ở một số địa phương như dân được thuyết phục ký vào đơn in sẵn tình nguyện không nhận hỗ trợ, hay nhà khá giả vẫn được công nhận "cận nghèo", còn người nghèo thật lại không được.
Trong 5 nhóm lao động bị ảnh hưởng bởi Covid còn lại, khó khăn nhất vẫn là nhóm thứ 4 gồm những lao động tự do không theo hợp đồng như mấy chị thu mua "đồng nát" gần nhà tôi. Theo khảo sát sơ bộ của một số tổ chức xã hội, tổng số lao động tự do hiện chiếm tới 18 triệu người. Đó là những người nghèo đô thị, nông dân không còn đất hoặc không đủ sống phải ra thành phố kiếm ăn, họ làm đủ nghề, gồm bán vé số, bán hàng rong, thu gom phế liệu, chạy xe ôm, làm thuê theo ngày...
Ngày 25/7 vừa rồi tôi đang ở Cần Thơ, nghe công bố ca nhiễm Covid-19 thứ 416 tại Đà Nẵng nhưng không truy tìm được nguồn lây, tôi có linh cảm cuộc chiến với dịch bệnh của chúng ta sẽ vào giai đoạn rất phức tạp và lâu dài. Gần 100 ngày yên bình bị phá tan bởi ca lây nhiễm không rõ nguyên nhân và nhiều ca bệnh tử vong. Tôi cảm thấy nCoV trở lại Việt Nam như hung hãn hơn, xảo quyệt hơn, như biết biến hình, biết im lặng chờ thời. Nhiều báo cáo quốc tế phát hiện nCoV có thể tồn tại vài ngày ngoài môi trường. Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo về "giai đoạn mới của đại dịch" với nhiều biến chủng bất thường. Nhiễm virus giờ đây có thể không có biểu hiện lâm sàng, virus không chỉ tấn công người già mà hướng nhiều hơn tới giới trẻ, kể cả trẻ em.
"Chống dịch như chống giặc", khẩu hiệu ấy có thể chưa đủ, vì chống dịch đến cùng còn khó hơn chống giặc. Chống giặc cần lòng dũng cảm, chống dịch cần tới trí tuệ siêu việt và trái tim vì tất cả mọi người. Với Việt Nam, ta vẫn phải tìm cách sống chung an toàn và lâu dài với virus. Mục tiêu là đừng để kinh tế đi xuống, tối thiểu phải giúp được doanh nghiệp và người dân tồn tại. Tổng cục Thống kê cho biết 6 tháng đầu năm đã có 29.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, trong đó có 19.600 chờ thủ tục giải thể, 7.400 đã giải thể. Khoảng 95% doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ kinh doanh dịch vụ đang khó đứng vững. Nhiều bạn bè tôi làm doanh nghiệp cũng đang than khó làm ăn và khó cả tiếp cận gói tín dụng ưu đãi. Tôi đoán con số trên đến nay đã tăng hơn nhiều.
Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng đại dịch có thể kéo dài khoảng hai năm tới. Dù muốn hay không, con virus đã và đang làm cả thế giới hiện nguyên hình. Những kẻ tranh thủ đục nước để lấn sân người khác, các cuộc chiến của toàn cầu hóa cũng "biến thể" gai góc hơn...
Nhưng tôi tin, dù với Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào, chọn cách tiếp cận vấn đề bằng tinh thần nhân văn lương thiện, với những trí tuệ đỉnh cao và có trách nhiệm với cộng đồng mới tạo nên nền tảng bền vững. Có nền tảng tốt, chúng ta mới có thể cùng nhau bình tĩnh đi qua hoạn nạn.
Theo Vnexpress.net