“Công ty nhà tao đóng cửa rồi”, anh bạn báo với tôi tuần trước. Sinh kế của hàng chục người đã mất đi.
Đó là công ty gia đình cung cấp phụ liệu cho ngành dệt may hoạt động đã qua hai thế hệ với hàng trăm nhân viên. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng lý do chính là nhiều đối tác là các công ty dệt may đã tạm dừng hoặc hủy đơn hàng. "Đối tác nước ngoài hủy đơn hàng nên họ cũng phải dừng hợp đồng với bên tao", bạn tôi kể.
Anh không quá lo lắng bởi gia đình mình còn tích lũy và máy móc để chuyển sang hoạt động kinh doanh khác. Nhưng anh buồn nhất là không lo nổi đời sống cho các lao động bị nghỉ việc, cảm thấy bất lực trước nhiều cảnh đời vất vả mưu sinh, nay lại khó khăn gấp bội. Họ được thuê tạm làm các việc như dọn dẹp, nấu ăn, giao hàng, đem phế phẩm của công ty ra kho, những bác chuyên chở đồ chạy đi chạy lại giữa các xưởng... Họ mất việc đã vài tháng song "vẫn chưa nhận được hỗ trợ gì của nhà nước".
Tôi mới thấy báo viết, gần 90% lao động tự do ở TP HCM chưa nhận được tiền hỗ trợ Covid-19. Lý do được đưa ra là hồ sơ, thủ tục xin nhận hỗ trợ của họ không đầy đủ. Đa số lao động tự do tại thành phố là người nơi khác đến tạm trú. Có những loại giấy tờ không địa phương nào, cả nơi trường trú và tạm trú, xác nhận cho họ, hay thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương.
Tôi mới trò chuyện với một chuyên gia có nhiều bài công bố quốc tế trong lĩnh vực lao động và người cao tuổi ở Việt Nam. Anh nói nhiều nhóm dễ tổn thương đã mất đi cơ hội mưu sinh dù chúng ta đã chống dịch tốt. Vì sao? Bởi Việt Nam là một nền kinh tế mở. Bên cạnh ba trụ cột xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng, du lịch cũng tổn thương rất nặng. Cả nước có hơn 2.600 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, gần 27.000 hướng dẫn viên, 30 nghìn cơ sở lưu trú. Năm 2019, du lịch Việt Nam đạt hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 726 nghìn tỷ đồng. Hàng triệu dân ở nhiều địa phương sống nhờ dịch vụ du lịch đã mất việc hơn nửa năm qua.
Một số báo đưa tin nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Ý dần "mở cửa lại bình thường". Thế nhưng, trên chuyến xe buýt vào giờ cao điểm từ trường về nhà ở Anh cách đây vài hôm, tôi nhận thấy còn lâu mới thật sự bình thường. Bình thường là vào giờ cao điểm, tôi nhiều khi phải đợi 30-40 phút mới có xe để lên, nhiều xe chạy tới đã đầy, không thể đón thêm khách. Chuyến đi này thì khác: xe đến đúng giờ, trên xe có chừng chục người, tha hồ mà "giãn cách xã hội". Trên đường, tuyệt nhiên không có tình trạng kẹt xe kinh niên của Bristol, một thành phố tăng trưởng nhanh trong mấy năm qua. Con đường làm ăn tấp nập nhờ sinh viên đang chết dần. Một số quán cà phê, tiệm ăn mở lại, nhưng khách hàng đã không còn nữa.
Khách ở khu này chủ yếu là sinh viên và nhân viên của trường đại học. Tất cả sinh viên đều học qua mạng. Đã gần bốn tháng, trường tôi chưa thể mở cửa lại bình thường, bản thân tôi lên trường là để lấy một thiết bị dạy học từ xa về nhà. Và học kỳ tới, phần lớn thời gian sinh viên vẫn sẽ học online, những buổi thầy trò gặp nhau khá hiếm hoi. Nhiều sinh viên Anh sẽ vẫn ở nhà ở thành phố khác. Sinh viên quốc tế có thể sụt giảm đến mức không thể tưởng.
Trạng thái này được mô tả là "bình thường mới" ở châu Âu. Bạn thân tôi vừa chia sẻ tấm hình về "quận nhứt của Paris" ngày đầu tiên anh đi làm lại. Giữa cảnh đẹp tuyệt vời với hơn chục quán cà phê san sát nhau, chỉ có một đôi mẹ con đang ngồi ngoài trời, và có lẽ thêm bạn tôi. Tôi tự nhủ, trong tháng đỉnh điểm du lịch này mà Paris như vậy, thì nghĩa là rất bất thường chứ "bình thường mới" sao nổi.
GDP từ tháng 3 đến tháng 5 của Anh giảm 19%, dự kiến cả năm sẽ giảm khoảng 10% nếu tình hình không quá tệ. Nhiều nền kinh tế lớn khác của châu Âu cũng sẽ giảm tăng trưởng từ 5% đến 7%. Người dân đầu tiên sẽ giảm chi tiêu cho hàng may mặc vì ít đi ra ngoài, giảm ăn nhà hàng và chi phí xã hội. Nhiều công ty thời trang dự tiệc, nhà hàng, thương xá lớn, dịch vụ du lịch vì vậy mà chưa mở lại. Vì thế, họ hủy đơn hàng gia công từ các nước đang phát triển, nhất là hàng may mặc. Một số công ty có đơn hàng lớn với các nước đang phát triển như Primark tuyên bố hủy hơn phân nửa đơn hàng với nước ngoài, trong đó có Campuchia, Pakistan và Việt Nam.
Mới đây, đối tác lớn nhất của công ty May Sông Hồng, chủ sở hữu chuỗi thời trang The New York & Co đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong khi vẫn còn nợ doanh nghiệp phía Việt Nam hơn trăm tỷ đồng. Ngành thời trang, dệt may thế giới đi xuống, thế mạnh xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa Việt Nam, đặc biệt là một ngành sử dụng nhiều lao động, cũng lao theo. Ngoài doanh nghiệp của gia đình bạn tôi, nhiều công ty dệt may trung và nhỏ đang đứng trước rủi ro phá sản, rất nhiều lao động thì bị ảnh hưởng.
Kinh tế gia hàng đầu thế giới như Joseph Stiglitz và Paul Krugman đều chỉ ra việc các quốc gia duy trì sinh kế bằng cách "tiếp tục hỗ trợ cho các hộ có thu nhập trung bình và thấp vượt qua dịch bệnh là yếu tố quan trọng hàng đầu để tránh một thảm họa kinh tế". Tại Việt Nam, gần 31 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, theo thống kê được công bố chính thức. Nghĩa là hơn 50% dân số Việt Nam trong độ tuổi lao động đang trong tình trạng bị giảm thu nhập, nghỉ việc luân phiên, không đủ giờ làm hoặc thất nghiệp. Sinh kế của bao nhiêu triệu gia đình đang bị đe dọa?
Theo dõi và quan sát những thảo luận, phát biểu tại nhiều diễn đàn gần đây về chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của cả nước sau dịch, tôi thấy dường như các tiếng nói chỉ xoay quanh việc làm sao kích thích đầu tư qua ngân sách các tỉnh, hay giải cứu doanh nghiệp thuộc hàng lớn nhất cả nước nhưng đang lỗ mấy chục nghìn tỷ, giảm thuế thu nhập cho các công ty trong khi vấn đề là có nhiều công ty làm gì có thuế thu nhập mà được giảm... Trong các phát biểu của lãnh đạo, đại biểu quốc hội hay chuyên gia, tôi thấy vắng bóng những người lao động tự do, những tiểu thương các chợ, doanh nghiệp siêu nhỏ, lại càng không thấy nhiều kiến nghị tâm huyết và chính đáng lên tiếng cho những nhóm người này.
Tôi chưa thấy mấy giải pháp gỡ khó cho tình trạng ách tắc vì vướng thủ tục hành chính, sự thiếu phối hợp của các cơ quan và các lý do không tên trong giải ngân hỗ trợ cho người mất việc vì Covid. Phải chăng, tiếng kêu của các "ông lớn" đã át đi tiếng than của những người lao động, những doanh nghiệp dân doanh nhỏ bé? Hay có ai đó nghĩ rằng, dân lao động, người nghèo quen chịu khổ rồi, có khổ tý nữa cũng không sao?
Theo VnExpress