Từ xung đột Mỹ-Trung đến góc tiếp cận ASEAN

22/11/2018 15:01

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo về một tình huống “tréo ngoe” khi ASEAN có thể sẽ phải lựa chọn “đi chung đường” với Mỹ hoặc Trung Quốc.


Đối đầu Trung - Mỹ khiến ASEAN gặp khó trong cân bằng quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh. Ảnh: World Bulletin

Sự khác biệt trong chiến lược ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc hiện gây ảnh hưởng không nhỏ đến cục diện chính trị toàn cầu. Điều khiến các quốc gia Đông Nam Á đứng trước viễn cảnh không mấy sáng sủa, đó là phải lựa chọn giữa hai siêu cường.

Sự đối lập Mỹ-Trung

Lần đầu tiên trong lịch sử 25 năm, Hội nghị cấp cao diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã kết thúc mà không ra được tuyên bố chung. Nguyên nhân được cho là do sự bế tắc ngày một gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Một số ý kiến cho rằng các cuộc đàm phán đổ vỡ do xích mích trong “cách tiếp cận không khoan nhượng” đến từ cả hai siêu cường. Thế giới hiện đang đứng trước những lời cảnh báo không hề dễ chịu khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không tìm thấy “tiếng nói chung”.

Nhiều ý kiến cho rằng người Mỹ thường giải quyết vấn đề bằng lời nói và thường nói một cách dứt khoát. Trong khi đó, người Trung Quốc dường như dựa vào sự thông hiểu cũng như tự điều chỉnh để giải quyết các mối xung đột. Đường dây liên lạc Mỹ-Trung, được thiết lập hồi năm 2008, vốn đã bị ngừng hoạt động hai lần bởi nguyên nhân từ phía Bắc Kinh trong bối cảnh làn sóng phản đối các chính sách từ phương Tây khi đó. Có lẽ đó cũng là thời điểm phía Mỹ mong muốn được kết nối kênh đàm thoại.

Trong vấn đề Biển Đông, phương Tây đã từng bối rối trước sự phớt lờ từ Bắc Kinh về yêu cầu trao đổi thông tin một cách rõ ràng. Trung Quốc từng đưa ra cảnh báo phía Mỹ rằng bất kỳ hành động nào liên quan đến sự hiện diện Mỹ tại biển Đông hoặc tuyên bố hàng hải nào đều dẫn đến sự căng thẳng. Người Mỹ muốn nêu rõ vấn đề trước khi xử lý, trong khi người Trung Quốc dường như có cách tiếp cận ngược lại.

Thay vì dùng ngôn từ, người Trung Quốc hướng đến việc sử dụng những “gợi ý”, nói cách khác, văn hóa ngoại giao của Bắc Kinh thường hướng đến cách đề nghị gián tiếp. Song, dường như đây là cách tiếp cận khó có thể mang lại hiệu quả, cản trở triển vọng đàm phán Mỹ-Trung xoay quanh cuộc chiến thương mại thời điểm hiện tại.

Trong vấn đề trừng phạt Triều Tiên, sự khác biệt về cách tiếp cận ngoại giao khiến thế đối đầu Washington-Bắc Kinh càng khó tháo gỡ. Giới chức Trung Quốc cho rằng chính quyền Donald Trump thiếu thiện chí trong việc nhìn nhận nỗ lực thực thi các lệnh cấm vận của nước này. Đặc biệt khi Nhà Trắng chỉ trích Trung Quốc đã “vượt quá giới hạn” của các lệnh cấm vận nhằm hỗ trợ Triều Tiên.

ASEAN bối rối

Từ sự kiện đàm phán ASEAN vừa kết thúc tại Singapore, không khí lo âu dường như bao trùm khắp các quốc gia thành viên trong bối cảnh cục thế đối đầu Mỹ-Trung không có dấu hiệu tiến triển. Đồng thời báo hiệu một viễn cảnh không mấy tươi sáng khi ASEAN phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Không quá ngạc nhiên khi khu vực Đông Nam Á vướng vào tình trạng căng thẳng ngày một gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Gần như tất cả các chương trình nghị sự khu vực đều khó bỏ qua vấn đề căng thẳng Trung-Mỹ. Đáng chú ý nhất là lời cảnh báo của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long về một tình huống “tréo ngoe” khi ASEAN có thể sẽ phải lựa chọn “đi chung đường” với Mỹ hoặc Trung Quốc.

Với ASEAN, Mỹ hay Trung Quốc đều là những cường quốc có vai trò và ảnh hưởng quan trọng. Sẽ thế nào nếu Đông Nam Á phải đưa ra lựa chọn? Đây có lẽ sẽ là câu hỏi khó có thể giải đáp thỏa đáng. Ảnh hưởng của Trung Quốc là điều không thể phủ nhận đối với các quốc gia khu vực Đông Nam Á, song xây dựng mối quan hệ chiến lược với Mỹ vẫn sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu. ASEAN cần củng cố quan điểm tiếp cận ngoại giao độc lập với cả Bắc Kinh lẫn Washington, đồng thời hướng đến xu hướng toàn cầu rộng hơn hiện tại.

Đông Nam Á là khu vực hình thành với lịch sử chịu nhiều ảnh hưởng từ các cường quốc, đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nhật Bản và Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng vai trò đơn lẻ của Mỹ hay Trung Quốc không đóng góp quá nhiều trong câu chuyện phát triển của ASEAN những năm vừa qua.

Vai trò và tầm ảnh hưởng của “sự trỗi dậy Trung Quốc” ngày một gia tăng. Điều này giúp Bắc Kinh có thể sử dụng “quyền lực mềm” tác động đến sự lựa chọn của các quốc gia Đông Nam Á. Trong khi đó, lòng tin dành cho Mỹ thời gian qua đã sụt giảm. Washington dường như chưa thể mang lại những sự lựa chọn có lợi cho Đông Nam Á.

Những khác biệt trong chiến lược ngoại giao cũng như quan điểm về các vấn đề thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc hiện tại khó có thể giúp hai siêu cường này thoát khỏi căng thẳng. Cuộc chiến thương mại tuy rằng một ngày nào đó sẽ đi đến hồi kết và xung đột nào cũng sẽ kết thúc bằng thương lượng, song có lẽ sẽ khó có thể đạt được trong một sớm một chiều. Điều này dấy lên lo ngại rằng các quốc gia, trong đó có khu vực Đông Nam Á sẽ buộc phải chọn lựa hoặc hướng theo sự trỗi dậy Trung Quốc hoặc ngả về trật tự thế giới tự do kiểu mới Mỹ.

HÀ KIÊN (biên dịch và tổng hợp)



(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ xung đột Mỹ-Trung đến góc tiếp cận ASEAN