Nhiều biến động và khó lường

14/01/2019 17:39

Năm 2018 đã khép lại, ghi dấu một thế giới với nhiều biến động, nhiều sự kiện mang tính bước ngoặt hoặc tạo ra những chuyển biến lớn cho cục diện tình hình của thế giới trong năm 2019 và cả những năm tiếp theo.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore là cơ sở cho các cuộc đàm phán nhằm mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Những hướng liên kết thương mại trái chiều

Năm 2018 có thể xem là năm khá thành công của các hiệp định thương mại tự do (FTA) khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) lần lượt được ký kết. Tuy nhiên, hai hiệp định nổi bật này cũng phản ánh những hướng liên kết thương mại trái ngược, làm nổi bật sự cạnh tranh khốc liệt giữa tự do hóa thương mại và chủ nghĩa bảo hộ.

Với gần nửa tỷ dân, CPTPP tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới, trải dài cả 3 châu lục Á, Mỹ và châu Đại Dương, có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm 13% GDP toàn cầu. Sự ra đời của CPTPP sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa tiếp cận thị trường mới, thúc đẩy hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng mới, gia tăng thương mại nội khối, nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân. 

Trong khi đó, USMCA được coi là một thỏa thuận khép kín, với điều khoản ngăn các bên tham gia đàm phán hiệp định với các quốc gia không phải nền kinh tế thị trường. Sự ra đời của USMCA là kết quả của lộ trình đàm phán nhọc nhằn giữa 3 quốc gia láng giềng Bắc Mỹ nhằm sửa đổi NAFTA cho phù hợp với yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump - người coi hiệp định gần 25 năm tuổi  này là “thảm họa”. Với sự nhượng bộ của cả 3 nước, USMCA được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới về việc làm và thu nhập cho hơn 570 triệu cư dân sinh sống dưới "mái nhà" Bắc Mỹ thông qua một  thị trường tự do hơn, hoạt động thương mại công bằng hơn và sức tăng trưởng kinh tế mạnh hơn.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ không chỉ là sự chấn động ở Mỹ mà còn tạo ra nhiều sự rung lắc với cả thế giới. Hơn 1 năm sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã có những bước đi nhằm hiện thực hóa cam kết của mình trong quá trình tranh cử bằng việc khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Ngày 6.7.2018 được xem là "phát súng" đầu tiên khai hỏa cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ áp mức thuế 25% với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Ngay sau đó, Mỹ công bố kế hoạch đánh thuế tiếp theo nhằm vào lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD khác từ Trung Quốc với 284 mặt hàng. Đáp trả, Trung Quốc đánh thuế 25% với 545 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ với trị giá 34 tỷ USD. Trọng tâm trong đợt đánh thuế đáp trả của Trung Quốc là các sản phẩm nông nghiệp, ô tô và thủy sản.

Trước mỗi động thái của Mỹ và Trung Quốc, thị trường tài chính toàn cầu lại chao đảo. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc được coi là trở lực lớn nhất của kinh tế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là ở những nền kinh tế hàng đầu. Những biến động đã khiến năm 2018 trở thành một năm vô cùng khó khăn cho các nhà đầu tư. Bất chấp những thành tích lịch sử từ đầu năm, các phiên điều chỉnh mạnh đã thổi bay mọi thành quả trong năm 2018. Thậm chí, các chỉ số chứng khoán chính trên khắp thế giới liên tiếp có những phiên giao dịch "tắm máu".

Châu Âu bộn bề trước ngưỡng cửa đổi thay

Năm 2018 khép lại với châu Âu trong nỗi nghi ngờ về sự tồn tại bền vững của Liên minh châu Âu (EU), bất chấp những nỗ lực đoàn kết của Đức và Pháp. Cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu đã tạm thời lắng dịu trong năm 2018 nhưng hệ quả của cuộc khủng hoảng này thì vẫn tiếp tục tác động đến xã hội.

Chính trường Đức đã trải qua một giai đoạn bế tắc bậc nhất trong lịch sử kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai khi 6 tháng liền không có một chính phủ đúng nghĩa. Một trong những nguyên nhân chủ chốt dẫn đến tình trạng này là tác động của cuộc khủng hoảng người di cư. Việc Đức mở cửa đón dòng người tị nạn khiến cả 3 đảng trong đại liên minh cầm quyền đều mất uy tín, nội bộ bất đồng sâu sắc trong tiến trình đàm phán tái lập chính phủ. Nguy cơ chính phủ Đức tan rã có lúc đã cận kề. Kết quả các cuộc bầu cử địa phương ở Đức với kết quả tồi tệ của CDU - đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền, buộc bà Merkel phải tuyên bố không tham gia tranh cử chức chủ tịch đảng - vị trí mà bà đã nắm giữ liên tục 18 năm qua, tại đại hội vào tháng 12, đồng thời sẽ rời ghế Thủ tướng khi kết thúc nhiệm kỳ năm 2021, điều sẽ dẫn tới những sự thay đổi lớn cả trên bình diện EU bởi Đức là nền kinh tế lớn nhất EU.

Bên cạnh những hệ lụy dai dẳng do vấn đề người di cư, cho đến thời điểm kết thúc năm 2018, kịch bản về việc nước Anh rời khỏi EU vẫn chưa rõ ràng, trong khi thời gian đếm ngược chỉ còn tính bằng ngày. EU nhất quyết không đàm phán lại, và những kịch bản "ly hôn" êm thấm hay hỗn loạn vẫn đang được tính đến khi Chính phủ Anh gặp khó khăn trong việc thuyết phục quốc hội nước này thông qua thỏa thuận Brexit từng đạt được hồi tháng 11.2018. Tương lai mối quan hệ Anh-EU thời hậu Brexit vì thế vẫn chưa thể xác định, khiến chính EU cũng lúng túng trong việc hoạch định các bước đi tiếp theo.

Một bất ổn khác diễn ra ngay trong nội bộ châu Âu khi những cuộc "tấn công" từ bên trong đã nổ ra. Tiếng nói của Ba Lan hay Hungary đã trở nên "khó nghe" trong khối, khi lãnh đạo các nước này theo đuổi quan điểm trái ngược với nhiều nước EU khác về một loạt vấn đề. Tình trạng bất ổn ở cả hai nền kinh tế đầu tàu EU là Đức và Pháp cùng sự chia rẽ nội bộ ngày càng sâu sắc khiến EU kết thúc năm 2018 với nhiều bề bộn, lo âu.

Bước ngoặt còn nhiều bấp bênh

Trong năm 2018, thế giới đã chứng kiến những bước chuyển ngoạn mục liên quan tình hình Triều Tiên. Bức tranh bán đảo Triều Tiên bắt đầu đổi gam màu tươi sáng từ sau sự “tan băng” trong quan hệ liên Triều nhân Olympic mùa Đông Pyeong Chang - sự kiện đã mở toang cánh cửa cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên sau hơn một thập kỷ và tiếp đó là hai cuộc gặp nữa giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Những chuyển động tích cực và đầy lạc quan giữa hai miền Triều Tiên đã tạo tiền đề vững chắc cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, sự kiện ngoại giao “chấn động” thu hút dư luận quốc tế quan tâm hàng đầu trong năm qua. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12.6.2018 tại Singapore đã đánh dấu sự khởi đầu một tiến trình mới, tái định hình chiến lược an ninh ở khu vực  Đông Bắc Á. Quan hệ Mỹ - Triều sau cuộc gặp đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ theo hướng hòa dịu, khi các cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn đi kèm với các cam kết bảo đảm an ninh, kinh tế được đưa ra, cùng triển vọng ký kết tuyên bố kết thúc chiến tranh tạo lập hòa bình thực sự trên Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, những điều kiện cần thiết để các bên có thể tiến xa hơn dường như vẫn chưa hội tụ đầy đủ, khi mà những khác biệt liên quan tiến trình phi hạt nhân hóa đang là trở ngại lớn nhất còn lòng tin chưa được tạo dựng đủ mạnh. Sự thiếu lòng tin và tâm lý “ông mất chân giò bà mới thò chai rượu” khiến những đột phá đã đạt được có nguy cơ trở lại lối mòn bế tắc của những năm trước. Mới đây nhất, Triều Tiên đã ra tuyên bố chỉ trích Mỹ gia tăng trừng phạt và sức ép, đồng thời cảnh báo quan hệ hai bên có thể trở lại trạng thái đối đầu và tiến trình giải giáp trên bán đảo Triều Tiên có thể bị ngưng trệ vĩnh viễn.

PHƯƠNG LINH(tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều biến động và khó lường