Mỹ và EU hạ nhiệt căng thẳng thương mại

05/08/2019 20:55

Mỹ vừa đạt được thỏa thuận về xuất khẩu thịt bò sang Liên minh châu Âu (EU), theo đó giúp Mỹ nâng sản lượng xuất khẩu thịt bò sang thị trường châu Âu lên đến 420 triệu USD trong 7 năm nữa.

Tổng thống Donald Trump chứng kiến lễ ký thỏa thuận giúp tăng xuất khẩu thịt bò Mỹ sang EU. Ảnh: agri-pulse.com

Bước đi này được xem là giúp hạ nhiệt những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU vốn đã “dậy sóng” trong vòng 1 năm qua.

Căng thẳng thương mại 

Mối quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh trong EU vốn tồn tại suốt 70 năm đã bị sứt mẻ nghiêm trọng trong vòng 1 năm qua khi Tổng thống Donald Trump thi hành chính sách đối ngoại khác xa so với các chính quyền tiền nhiệm. Một cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và EU đã bắt đầu nổ ra kể từ sau khi Mỹ đánh thuế 10% lên các mặt hàng nhôm và 25% đối với thép nhập khẩu từ EU từ ngày 1.6.2018. Chưa hết, Tổng thống Trump còn đe dọa áp mức thuế 25% đối với mọi xe ô tô lắp ráp tại EU. Đây được xem là "cú đánh hiểm" của Mỹ đối với EU, khi mà năm 2017, kim ngạch nhập khẩu ô tô của Mỹ từ EU lên tới 43,6 tỷ USD.  

Nhằm đáp trả việc Mỹ áp thuế đối với mặt hàng nhôm và thép của EU, từ ngày 22.6.2018, EU cũng đã chính thức đánh thuế nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Mỹ trị giá hơn 3 tỷ USD, trong đó có quần bò, xe mô tô hạng nhẹ và rượu whiskey…

Trong một nỗ lực nhằm làm dịu căng thẳng thương mại song phương, ngày 25.7.2018, Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã đạt được nhất trí giảm rào cản thương mại, hướng đến mục tiêu không thuế quan, không rào cản phi thuế quan và không trợ cấp ở lĩnh vực hàng công nghiệp không tự động… Ngoài ra, hai bên thỏa thuận tăng cường thương mại trong một loạt lĩnh vực như dịch vụ, hóa chất, dược phẩm, sản phẩm y tế và đậu tương. Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh đàm phán các vấn đề thương mại và thuế quan trong năm 2019, nhằm giải quyết các vướng mắc và tháo gỡ xung đột; đồng thời nhất trí tránh áp đặt bất kỳ biện pháp thuế quan mới nào trong giai đoạn các cuộc đàm phán chi tiết diễn ra.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, tiến trình đàm phán thương mại giữa EU và Mỹ không hề dễ dàng. Bởi theo thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker, dù EU và Mỹ đã đồng ý thảo luận về thuế công nghiệp không tự động, khí tự nhiên hóa lỏng và đậu tương… nhưng Mỹ cũng nhiều lần tuyên bố sẽ gây áp lực cho EU để mở ra nhiều thị trường hơn cho nông sản Mỹ - một vấn đề vẫn đang gây tranh cãi ở châu Âu. 

Đến nay, trong khi EU chỉ muốn đàm phán về thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp và nới lỏng đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật thì Mỹ khẳng định rằng nông nghiệp phải nằm trong chương trình đàm phán. Mỹ muốn EU phải giảm thuế đối với mặt hàng nông sản Mỹ thì EU lại coi đây là đòi hỏi “không thể chấp nhận”. EU chỉ sẵn sàng thảo luận về thuế đối với ô tô chứ không có kế hoạch đàm phán về việc giảm thuế trong lĩnh vực nông nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, việc mở cửa thị trường nông sản cho Mỹ là “lằn ranh đỏ” không thể bước qua của EU vì điều này sẽ khó đạt được đồng thuận trong nội bộ khối. Nhiều nước châu Âu cho rằng các hoạt động nông nghiệp tại Mỹ khiến EU cần duy trì rào cản thương mại này. Thậm chí các nước như Pháp hay Bỉ còn không muốn tham gia đàm phán vì lý do Mỹ đã từ chối ký vào một thỏa thuận về biến đổi khí hậu toàn cầu (hồi năm 2017). Trong khi đó, chính quyền Trump đến nay vẫn cho biết nếu thỏa thuận không có điều khoản về nông nghiệp thì Quốc hội Mỹ sẽ không thông qua.

Bên cạnh đó, EU vẫn có mối lo ngại vì lời đe dọa tăng thuế của Mỹ đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu của EU. Tuy Tổng thống Trump đã tuyên bố hoãn đánh thuế vào ô tô nhập khẩu từ EU để tạo điều kiện cho hai bên tiến hành đàm phán song vẫn khiến EU lo ngại vì nếu điều này xảy ra sẽ làm tổn thương đến một số quốc gia ở lục địa giàu có này, trong đó gồm cả đầu tàu kinh tế Đức.

Thời gian gần đây, quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương lại gia tăng căng thẳng khi hồi tháng 4.2019, chính quyền của Tổng thống Trump công bố danh sách các mặt hàng của EU bị Mỹ áp thuế bổ sung trị giá 11 tỷ USD, từ máy bay thương mại cỡ lớn, phụ tùng máy bay cho tới các sản phẩm sữa và rượu vang. Mỹ cho rằng, số tiền này tương đương với mức thiệt hại mà Mỹ phải hứng chịu do các khoản trợ cấp của EU dành cho hãng sản xuất máy bay Airbus. 

Chỉ sau đó một tuần, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã đáp lại bằng việc công bố một danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có thể bị áp thuế trị giá 20 tỷ USD, gồm các sản phẩm nông nghiệp từ hoa quả khô, máy bay, cá, thuốc lá, túi xách, va-li, máy kéo... Gói thuế quan này cũng liên quan đến những tranh cãi về chính sách trợ cấp của Mỹ dành cho hãng sản xuất máy bay Boeing.

Mới đây, ngày 1.7.2019, Mỹ tiếp tục đề xuất mức thuế quan trị giá 4 tỷ USD nhằm vào một loạt sản phẩm của EU, trong đó có pho-mát Parma và rượu whisky, xúc xích, thịt jambon, mì ống, thịt hầm cuốn... cũng vì lý do EU trợ cấp cho nhà sản xuất máy bay Airbus - đối thủ cạnh tranh của hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ.

Những tranh cãi trên khiến tiến trình đàm phán thương mại song phương giữa Mỹ và EU bị “giậm chân tại chỗ”.

Từng bước tháo gỡ

Trong số những vấn đề tranh cãi giữa Mỹ và EU có một mặt hàng khiến EU khắt khe hơn đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, đó là thịt bò. Tranh cãi về thịt bò có xử lý hormone giữa Mỹ và EU đã nảy sinh từ năm 1988 khi EU cấm nhập thịt từ các loài động vật bị tiêm hormone tăng trưởng, nhưng đây lại là một thói quen phổ biến trong chăn nuôi ở Mỹ. Để trả đũa và dựa vào một phán quyết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), năm 1999, Washington đã tăng thuế hải quan đối với một số hàng hóa từ châu Âu, gây ra các cuộc biểu tình tức giận tại Pháp. Sau đó, theo thỏa thuận đạt được năm 2009 và sửa đổi năm 2014, Mỹ đã dỡ bỏ trừng phạt và EU cho phép một hạn ngạch nhập khẩu đối với thịt bò "chất lượng cao" không có hormone từ nước ngoài, trong đó có Mỹ. Nhưng các nhà sản xuất như Argentina, Australia và Uruguay lại chiếm phần lớn hạn ngạch này, khiến chính quyền của Tổng thống Barack Obama khi đó phải đe dọa tái áp đặt trừng phạt hải quan với EU.

Để đạt thỏa thuận, các nước thành viên EU đã cho phép EC dành cho Mỹ một phần lớn hạn ngạch trên, lên tới 35.000 tấn và sẽ thực thi dần dần trong 7 năm. Tuy nhiên, quyết định này của EU đã vấp phải sự phản đối của ngành chăn nuôi thịt bò Pháp vì cáo buộc EC "một lần nữa hy sinh mục tiêu khí hậu, lĩnh vực thịt bò và sức khỏe người tiêu dùng chỉ vì lợi ích thương mại".

Nhằm nỗ lực giảm căng thẳng và chấm dứt những tranh cãi kéo dài, từ giữa tháng 6.2019, EU đã đạt được một thỏa thuận với Washington về nhập khẩu thịt bò của Mỹ, theo đó cho phép Mỹ nâng hạn ngạch xuất khẩu thịt bò vào EU lên đến 45.000 tấn. Để có được hạn ngạch xuất khẩu thịt bò vào EU lên đến 45.000 tấn này, chính quyền của Tổng thống Trump đã thuyết phục được Australia, Argentina và Uruguay nhượng lại số lượng hạn ngạch nhập khẩu.

Và trong một bước tiến, ngày 2.8.2019, Mỹ và EU đã kí kết thỏa thuận trên. Tổng thống Donald Trump khẳng định thỏa thuận mang tính "đột phá" này sẽ hạ thấp các rào cản tại châu Âu và mở rộng sự tiếp cận cho nông dân Mỹ. Tổng thổng Trump khẳng định, trong năm đầu tiên của thỏa thuận, thịt bò Mỹ xuất khẩu miễn thuế sang châu Âu sẽ tăng thêm 46% và trong 7 năm sẽ tăng thành 70%. Theo đó, sau 7 năm thực thi đầy đủ, "tổng xuất khẩu sẽ tăng từ 150 đến 420 triệu USD, tăng hơn 180%". Hiện xuất khẩu thịt bò Mỹ sang EU mỗi năm đạt khoảng 13.000 tấn. 

EC nhấn mạnh bất kì thỏa thuận nào cũng không được làm tăng tổng lượng nhập khẩu vào châu Âu, và thịt bò Mỹ sẽ không được tiêm hormone, phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU.

Thỏa thuận trên vẫn cần phải được Nghị viện châu Âu thông qua để có hiệu lực. Tuy nhiên, việc EU và Mỹ đạt được thỏa thuận về xuất khẩu thịt bò Mỹ đã phần nào giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và EU thời gian qua. Theo các nhà phân tích, với bước tiến này, EU đã khẳng định lại cam kết mở ra một giai đoạn mới trong mối quan hệ với Mỹ, phù hợp với thỏa thuận đã đạt được giữa Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 7.2018.

TRỌNG ĐỨC (TTXVN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ và EU hạ nhiệt căng thẳng thương mại