45 năm sau ngày giải phóng, tỉnh Bình Định từng bước vươn lên, phát triển về mọi mặt, trở thành một trong những trung tâm phát triển kinh tế-xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
Giải phóng Bình Định năm 1975 là bước đệm cho chiến dịch mùa xuân lịch sử
Vào ngày này cách đây 45 năm, ngày 31.3.1975, tỉnh Bình Định hoàn toàn giải phóng, góp phần quan trọng cùng với cả nước thực hiện những bước chân “thần tốc”, “táo bạo”, làm nên Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là mốc son chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh hơn 500 năm của vùng đất giàu đẹp, quật khởi này.
“Thần tốc, táo bạo”
Vào cuối năm 1974, đầu năm 1975, cục diện chiến trường miền Nam có sự chuyển biến hết sức mau lẹ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Nắm bắt thời cơ, Bộ Chính trị đã họp bàn và hạ quyết tâm chiến lược. Đó là giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm 1975-1976, nếu thời cơ xuất hiện sớm hơn thì ta sẽ giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975.
Chấp hành chủ trương và quyết tâm chiến lược của Đảng, Đảng bộ và quân, dân Bình Định đã sát cánh cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng khẩn trương chuẩn bị, sẵn sàng bước vào chiến dịch Xuân 1975 với khí thế cách mạng tiến công sôi nổi chưa từng có.
Phối hợp với chiến trường Tây Nguyên và chiến dịch giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, rạng sáng ngày 4.3.1975, ta cắt đường 19, tạo thế chia cắt chiến lược giữa đồng bằng miền Trung và Tây Nguyên. Sư đoàn 3 kiềm chân toàn bộ Sư đoàn 22 quân chủ lực ngụy trên tuyến đường 19, hỗ trợ đắc lực và tạo thế cho quân và dân Bình Định dồn dập tấn công, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn bộ máy ngụy quyền, giải phóng và giành quyền làm chủ liên hoàn từng mảng lớn từ bắc vào nam tỉnh, lập hành lang và bàn đạp cho cuộc tổng công kích giải phóng Quy Nhơn. Từ ngày 6 -23.3.1975, quân và dân toàn tỉnh đã diệt 12 đại đội và hàng chục trung đội, loại hơn 4.500 tên địch, giải phóng hoàn toàn 20 xã, mở ra vùng làm chủ liên xã và liên huyện. Trước sức ép mạnh mẽ của ta, địch lui về lập tuyến phòng thủ vùng ven và trung tâm thị xã Quy Nhơn, hình thành dải phòng ngự hòng buộc ta phải đột phá từ xa, để chúng có thời gian củng cố lực lượng.
Quyết không để cho địch kịp xoay trở, ngày 24.3.1975, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bình Định họp và ra mệnh lệnh tiến công, tổng khởi nghĩa giải phóng toàn tỉnh với khẩu hiệu hành động: "Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh", "Tất cả cho đánh đổ chính quyền địch". Thực hiện quyết tâm chiến lược của Thường vụ Tỉnh ủy, từ ngày 25 -31.3.1975, các lực lượng vũ trang và quần chúng toàn tỉnh dồn dập tấn công và nổi dậy, lần lượt giải phóng hoàn toàn các huyện, dồn địch vào thị xã Quy Nhơn trong thế chống đỡ tuyệt vọng. Phối hợp nhịp nhàng với các mũi tấn công từ bên ngoài vào, quân và dân thị xã Quy Nhơn nổi dậy hỗ trợ các lực lượng vũ trang đánh chiếm nhiều mục tiêu và các cơ quan quan trọng, làm tan rã toàn bộ ngụy quân ở địa phương.
20 giờ ngày 31.3.1975, quân ta đánh chiếm, cắm cờ trên Tòa hành chính ngụy quyền tỉnh và Trung tâm Tiểu khu Bình Định, cơ quan đầu não về chính trị, hành chính, quân sự của địch, giải phóng thị xã Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định. Chiến thắng của quân dân Bình Định đã góp phần quan trọng cùng với cả nước thực hiện những bước chân “thần tốc”, “táo bạo”, làm nên Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là mốc son chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh hơn 500 năm của vùng đất giàu đẹp, quật khởi này.
Vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung
Kế thừa và phát huy truyền thống quật cường của quê hương “đất võ” anh hùng, ngay sau ngày giải phóng, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Định đã bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương đẹp giầu.
Nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Bình Định có vị trí địa-kinh tế đặc biệt quan trọng. Đây là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của khu vực Tây Nguyên, thuận tiện trong việc giao lưu với các quốc gia ở khu vực và quốc tế; đồng thời nằm ở giữa của trục giao thông đường sắt và đường bộ Bắc-Nam. Đây là những lợi thế vô cùng thuận lợi để tỉnh Bình Định phát triển kinh tế.
Phát huy những lợi thế địa-kinh tế thuận lợi của mình, trong những năm gần đây, kinh tế Bình Định đã có những bước phát triển vượt bậc. Tổng sản phẩm địa phương năm 2019 tăng 6,81%, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 911 triệu USD, tổng thu ngân sách đạt trên 12.000 tỷ đồng. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang và hiện đại, với những điểm nhấn như: quảng trường Nguyễn Tất Thành, quảng trường Quy Nhơn, quảng trường Chiến Thắng, cùng nhiều tuyến đường đẹp như An Dương Vương, Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp, Xuân Diệu...
Các vùng nông thôn cũng có nhiều khởi sắc. Toàn tỉnh có 77/121 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,33%; an sinh xã hội được bảo đảm, các chính sách đối với người có công với cách mạng được thực hiện kịp thời; quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản bảo đảm; hệ thống chính trị được củng cố và kiện toàn.
Công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư được tỉnh đẩy mạnh. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ tại Bình Định. Các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng được tập trung xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của toàn tỉnh. Năm 2006, cầu Thị Nại, với chiều dài gần 7 km, nối liền thành phố Quy Nhơn và khu kinh tế Nhơn Hội được khánh thành, đã tạo thêm điều kiện cho kinh tế Bình Định ngày càng cất cánh. Đây là một trong những cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và là một trong 10 cây cầu nổi tiếng được du khách yêu thích nhất.
Trong những năm gần đây, Bình Định chú trọng phát triển du lịch, bước đầu có được một số sản phẩm đặc thù, tạo lập được thương hiệu cho tỉnh. Với hơn 134 km bờ biển, Bình Định đã thu hút du khách trong và ngoài nước bằng những phong cảnh thiên nhiên nguyên sơ, cùng nhiều bãi tắm và hòn đảo xanh mướt, đẹp đến nao lòng như: bãi tắm Hoàng Hậu, Hòn Khô, Kỳ Co, Cù lao xanh và Eo Gió. Toàn tỉnh hiện có 1 khách sạn 5 sao, 7 khách sạn 4 sao, 6 khách sạn 3 sao, 30 khách sạn 2 sao, 240 khách sạn 1 sao và cơ sở lưu trú đạt chuẩn; với 55 đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch. Các cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch được tập trung đầu tư và từng bước hoàn thiện, như: cảng hàng không Phù Cát, cảng biển Quy Nhơn, hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch... Năm 2019, Bình Định đã đón hơn 4,8 triệu lượt du khách trong và ngoài nước, tăng 18% so với năm 2018, góp phần tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Những bờ cát trắng mịn thoai thoải cùng nước biển trong xanh, không khí trong lành, quanh năm ngập tràn nắng gió, với những con người hiền hậu nơi đây đã góp phần xây dựng hình ảnh của thành phố ven biển giàu tiềm năng du lịch.
Kế thừa và phát huy truyền thống quật cường của quê hương, 45 năm sau ngày giải phóng, tỉnh Bình Định từng bước vươn lên, phát triển về mọi mặt, trở thành một trong những trung tâm phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
Theo TTXVN