Xác định rõ thời cơ phát triển cũng như những khó khăn, thách thức là yếu tố rất quan trọng để Hải Dương vững bước đi lên, gặt hái nhiều thành tựu trên chặng đường mới.
>>>Bài 1: Hải Dương đang đứng ở đâu?
>>>Bài 2: Tiềm năng, thế mạnh khác biệt của Hải Dương là gì?
>>>Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025
Cơ hội
Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra nhiều chủ trương mới về phát triển kinh tế như xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất và công nghệ; đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Một số hiệp định thương mại, đầu tư ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và các tổ chức, định chế kinh tế quốc tế có hiệu lực thi hành sẽ tạo ra cơ hội mới cho một số ngành hàng, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của tỉnh (xuất khẩu nông sản, sản phẩm may mặc…), nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nên đã có sự dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang một số quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Với những thế mạnh nhất định của tỉnh, cần chủ động có những biện pháp đón tiếp làn sóng chuyển dịch đầu tư này. Tuy nhiên, cần tránh nguy cơ trở thành thị trường tạm nhập tái xuất của Trung Quốc nhằm lách lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.
Một số nhà đầu tư lớn trong nước (Tập đoàn Sun Group, FLC, TH, T&T…) đã và đang nghiên cứu đầu tư vào Hải Dương với những ý tưởng đầu tư lớn, táo bạo về kinh tế đô thị, kinh tế đêm khu trung tâm TP Hải Dương, kinh tế dưới tán rừng, đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch…
Tỉnh còn tiềm năng về khai thác quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quỹ đất phát triển hạ tầng khu công nghiệp theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, toàn tỉnh mới xây dựng 11 khu công nghiệp, quy hoạch Chính phủ cho phép phát triển 18 khu công nghiệp và dự kiến tiếp tục phát triển một số khu, cụm công nghiệp mới trong nhiệm kỳ. Đây là điều kiện để tạo quỹ đất sạch thu hút phát triển công nghiệp, cũng như quy hoạch định hướng phát triển công nghiệp theo các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng, giúp mở rộng không gian phát triển, tạo ra những cơ hội mới về thu hút đầu tư. Việc đầu tư xây dựng hoàn thiện và triển khai một số trục giao thông mới của tỉnh như trục Bắc - Nam tỉnh, trục Đông - Tây tỉnh, trục Bắc - Nam qua địa bàn huyện Thanh Miện là điều kiện thuận lợi để mở rộng không gian phát triển, phân bố lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo không gian lãnh thổ, khai thác tiềm năng quỹ đất dọc các trục đường mới cho phát triển kinh tế-xã hội và mạng lưới đô thị trong toàn tỉnh.
Cơ hội đẩy mạnh phát triển công nghiệp - đô thị dọc các trục phát triển mới: trục Bắc - Nam tỉnh, trục Bắc - Nam huyện Thanh Miện; trục Đông - Tây; trục sông Thái Bình, các tuyến giao thông kết nối các tỉnh lân cận, các tuyến giao thông nội tỉnh.
Kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet... Về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ số sẽ là nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Việt Nam có dân số trẻ, nhanh nhạy trong nắm bắt công nghệ, nằm trong tốp đầu các quốc gia có tốc độ tăng trưởng về số người dùng internet, điện thoại thông minh, mạng xã hội. Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam trở thành nước có tốc độ phát triển hạ tầng, dịch vụ viễn thông nhanh trong khu vực và thế giới, đây là một nền tảng quan trọng của nền kinh tế số ở Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định phát triển hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công nghệ thông tin của chính quyền điện tử và đô thị thông minh là một trong những công trình trọng điểm cần tập trung nguồn lực để phát triển nhiệm kỳ này. Trong ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh
Dự báo xu hướng phát triển của công nghệ trong 10 năm tới sẽ thay đổi mạnh mẽ hơn, dữ liệu sẽ là tài sản mới, được coi là “dầu mỏ” cho sự phát triển. Việc xây dựng chính quyền điện tử bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin sẽ đem lại hiệu quả hoạt động cho cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Các công nghệ, giải pháp số hóa không chỉ dừng lại việc góp sức hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mà còn hướng đến phục vụ cho một chính quyền điện tử - nền tảng cho một thành phố thông minh.
Đại dịch Covid-19 vừa qua cũng làm thay đổi nhận thức cũng như phương thức điều hành, làm việc. Trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin là đặc biệt quan trọng trong tình hình mới. Có thể nói chuyển đổi số sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cũng đã xác định cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, đồng thời chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo là khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công nghệ thông tin của chính quyền điện tử và đô thị thông minh cũng là một trong những công trình trọng điểm cần tập trung nguồn lực để phát triển trong nhiệm kỳ này.
Cơ hội lớn nhất là thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước (nhất là các dự án lớn) để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm xây dựng Hải Dương trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Những khó khăn, hạn chế và thách thức
Nguồn lực để đầu tư phát triển của tỉnh còn hạn hẹp, phụ thuộc ngày càng nhiều vào đất đai. Tuy là tỉnh có nguồn thu ngân sách khá lớn và tự cân đối từ năm 2017, nhưng phần ngân sách dành cho đầu tư và phát triển còn thấp. Cơ cấu thu ngân sách nhà nước dịch chuyển theo hướng chưa thực sự bền vững với sự tăng dần về tỷ trọng của thu tiền sử dụng đất; thu cân đối từ thuế nội địa ảnh hưởng trực tiếp đến cân đối chi ngân sách địa phương có xu hướng giảm. Điều này cho thấy ngân sách nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn thu không bền vững. Về bản chất, các khoản thu này là tiền bán tài sản (chủ yếu là đất), đây là nguồn thu không bền vững. Mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh đang tăng trưởng theo chiều rộng và dựa quá nhiều vào nguồn lực từ đất đai. Sự lệ thuộc của ngân sách nhà nước vào nguồn thu từ đất có nguy cơ phải đối mặt với rủi ro khi nguồn lực đất đai có hạn, hoặc thị trường bất động sản trầm lắng, khi đó thu ngân sách nhà nước không kịp được bù đắp bởi những nguồn khác có tính chất thường xuyên, dẫn tới gia tăng thâm hụt ngân sách nhà nước.
Nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay tuy đông và có dân trí cao nhưng trình độ lao động còn hạn chế, tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ còn thấp. Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chưa giữ chân được một bộ phận nhân lực có tay nghề cao dịch chuyển sang các địa phương phát triển hơn. Tình trạng già hóa dân số bắt đầu diễn ra.
Hạ tầng còn có một số điểm nghẽn, chưa đồng bộ, cụ thể như hệ thống hạ tầng các cụm công nghiệp chưa có nhà đầu tư; hệ thống giao thông kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (lối lên xuống tại Bình Giang, Thanh Hà); một số điểm kết nối các tuyến giao thông nội tỉnh đã quá tải hoặc quy mô không còn phù hợp…
Môi trường sống đang bị ô nhiễm. Hoạt động bảo vệ môi trường, xử lý nước thải các khu đô thị, khu dân cư tập trung còn nhiều hạn chế. Nguy cơ ô nhiễm khu vực nông thôn, làng nghề ở mức cao.
Cơ chế, chính sách chậm đổi mới, không đột phá. Hiện tại nhiều cơ chế, chính sách của Trung ương đã ban hành còn chồng chéo, có nội dung chậm được hướng dẫn, giải thích, gây khó khăn cho địa phương thực hiện.
Chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập (thể hiện qua PCI nhóm cuối cả nước). Cải cách hành chính còn chậm, hiệu quả chưa rõ nét, thể hiện qua các đánh giá về thực hiện cải cách hành chính (Par Index) cũng chỉ ở mức trung bình. Trong đó, kết quả thu hút vốn đầu tư còn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, hiệu quả đầu tư ở một số dự án chưa cao. Môi trường đầu tư, kinh doanh chậm được cải thiện, năng lực cạnh tranh còn yếu, chưa tạo được đột phá về xúc tiến, giới thiệu đầu tư, về quy trình tiếp nhận, xử lý dự án. Công tác phối hợp giải quyết công việc của doanh nghiệp, nhà đầu tư của cơ quan nhà nước còn những hạn chế, một số việc kéo dài; chất lượng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa cao. Chưa phát huy hết tính năng động, sáng tạo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thu hút đầu tư. Một bộ phận đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư duy chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu sáng tạo, quyết liệt trong triển khai thực hiện… Đội ngũ công chức, viên chức chưa “tinh” và đồng đều về chất lượng. Ở một số ngành, lĩnh vực còn thiếu về số lượng, nhất là cán bộ có kỹ năng, trình độ chuyên môn cao. Một bộ phận cán bộ, công chức có đạo đức công vụ yếu, còn nhũng nhiễu, tiêu cực, chất lượng cán bộ cấp xã còn yếu…
Trong các khó khăn trên, khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn lực đầu tư phát triển và điểm nghẽn lớn nhất là môi trường đầu tư, kinh doanh chậm được cải thiện, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nằm ở top cuối.
Những thách thức là gì? Trước hết đó là thách thức tụt hậu so với các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong 4 năm liên tiếp (từ 2015-2018), chỉ số PCI của tỉnh liên tiếp tụt hạng. Năm 2019, PCI của tỉnh tăng 8 bậc, xếp thứ 47 cả nước nhưng chỉ xếp 10/11 trong vùng (trên Hưng Yên). Như vậy, trong nhiệm kỳ tới, đặt ra thách thức rất lớn trong công tác điều hành phát triển kinh tế của tỉnh, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Thứ hai, thách thức không đạt được mục tiêu tới năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thứ ba, là tỉnh có dân số đông nên nguồn lao động của tỉnh nói chung dồi dào, giúp phát triển kinh tế thuận lợi, nhưng do có diện tích nhỏ nên mật độ dân số cao, tạo ra nhiều áp lực về an sinh xã hộị; đồng thời nguồn tài nguyên đất hạn chế, tạo ra thách thức không nhỏ trong việc quy vùng sản xuất đủ lớn, đòi hỏi quy hoạch, bố trí và sử dụng tài nguyên đất phải thực sự thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ tư, những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Tóm lại, thách thức lớn nhất là nguy cơ tụt hậu so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
PHẠM XUÂN THĂNG
Bí thư Tỉnh ủy