Đại hội đồng đã thảo luận và bỏ phiếu thông qua nghị quyết ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức với tỷ lệ áp đảo.
Tối 10/5 (giờ địa phương) tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.
Tại cuộc họp khẩn cấp đặc biệt bàn về tình hình Gaza và tư cách thành viên của Palestine, Đại hội đồng đã thảo luận và bỏ phiếu thông qua nghị quyết nói trên với tỷ lệ áp đảo 143 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 25 phiếu trắng.
Nghị quyết tuyên bố Nhà nước Palestine đủ tư cách trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc, đồng thời khuyến nghị Hội đồng Bảo an xem xét ủng hộ tiến trình này.
Dù chỉ mang tính biểu tượng, song việc Đại hội đồng thông qua nghị quyết có ý nghĩa to lớn đối với quy chế và hoạt động của Palestine, theo đó Palestine sẽ được hưởng nhiều quyền hạn hơn kể từ khóa họp toàn thể sắp tới của Đại hội đồng (tháng 9/2024).
Tuy nhiên, do chưa là thành viên đầy đủ, Palestine vẫn sẽ không được quyền ứng cử và bầu cử vào các cơ quan của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an hay Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC).
Năm 1974, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 3237 công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) làm thành viên quan sát.
Tới tháng 11/2012, Đại hội đồng tiếp tục thông qua nghị quyết trao cho Nhà nước Palestine quy chế “thành viên quan sát” tại Liên hợp quốc.
Hiến chương Liên hợp quốc quy định việc kết nạp các thành viên mới do Đại hội đồng quyết định căn cứ theo một nghị quyết đề nghị của Hội đồng Bảo an, nơi thành viên xin gia nhập cần nhận được 9/15 phiếu ủng hộ của và không có ủy viên thường trực nào phủ quyết.
Palestine sau đó cần nhận được sự ủng hộ của 2/3 số thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc để trở thành thành viên chính thức.
Mới đây nhất, ngày 18/4, Mỹ đã dùng quyền phủ quyết để một lần nữa ngăn chặn nghị quyết của Hội đồng Bảo an liên quan tới việc ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc.
TB (Tổng hợp)