Sau Tết Nguyên đán là rộn ràng mùa lễ hội trong cả nước. Vấn đề tổ chức, quản lý lễ hội sao cho văn minh, trật tự nhưng vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống năm nào cũng được đặt ra.
Sau sự lộn xộn, các nghi thức bị biến tướng phản cảm trong một vài lễ hội trước đây đã bị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “tuýt còi”, năm nay, trên các diễn đàn mạng xã hội, báo chí, có những luồng ý kiến cho rằng nhà quản lý không nên đòi hỏi lễ hội quá trật tự mà cần phải tôn trọng quyền được “thăng hoa” của người dân, như từ xưa dân gian đã có câu miêu tả “vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”. Nhiều ý kiến mong muốn được giữ nguyên cách thức tổ chức các hoạt động vốn dễ gây ra sự lộn xộn, tranh cướp vì cho rằng đó mới là văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, việc giữ nguyên những cách thức tổ chức lễ hội đã có từ xa xưa nhiều khi không còn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh xã hội hiện tại, gây ra nhiều bất cập. Quy mô của các lễ hội ngày nay lớn hơn xưa rất nhiều, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ rất dễ dẫn đến mất an ninh, trật tự, lợi dụng yếu tố tâm linh để thực hiện các hành vi mê tín dị đoan, cờ bạc, trộm cắp… Có những hoạt động khi được tổ chức trong một cộng đồng nhỏ gồm người dân của vài ba làng xã như xưa thì hợp lý và phù hợp với đời sống, văn hóa người dân khi đó. Nhưng khi tổ chức trong lễ hội có rất đông khách thập phương tham dự, bối cảnh đời sống xã hội đã có nhiều thay đổi như ngày nay thì không còn phù hợp, thậm chí gây phản cảm. Các tục đâm trâu, chém lợn, cướp phết… là những ví dụ tiêu biểu. Đó là chưa kể đến mục đích tổ chức một số hoạt động trong lễ hội nhiều khi không còn mang ý nghĩa văn hóa tốt đẹp như xưa mà nhằm mục đích thương mại hóa lễ hội, thu hút càng đông du khách tò mò tham dự càng tốt.
Việc quản lý lễ hội và thay đổi cách tổ chức cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh xã hội hiện tại là cần thiết. Mùa lễ hội năm nay, lễ hội cầu trâu ở xã Hương Nha (Tam Nông, Phú Thọ) sẽ bỏ nghi thức đập đầu trâu, lễ hội đền Gióng ở Sóc Sơn (Hà Nội) sẽ bỏ nghi thức cướp lộc hoa tre… Trước đó, lễ hội đền Trần ở Nam Định đã phải chuyển giờ phát ấn từ 23 giờ đêm đến 1 giờ sáng sang buổi sáng để dễ quản lý. Những sự thay đổi đó là cần thiết để giữ an toàn, trật tự cũng như những nét đẹp văn hóa của lễ hội truyền thống.
Lễ hội mùa xuân 2019 là mùa lễ hội đầu tiên được quản lý theo Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 8.2018 với rất nhiều điểm mới. Nổi bật là việc phân quyền cho địa phương cấp phép tổ chức và quản lý lễ hội. Chính quyền các địa phương là người nắm rõ nhất về đặc điểm, tình hình các lễ hội do mình quản lý nên cần có những thay đổi trong cách tổ chức hoặc quản lý để các lễ hội giữ được nét đẹp truyền thống mà vẫn phù hợp với hiện tại. Sự biến đổi đó của lễ hội phù hợp với quy luật phát triển của văn hóa, nó hợp lý và tốt đẹp hơn việc giữ cái vỏ hình thức của các nghi thức, hoạt động mà mục đích, ý nghĩa lại bị biến tướng, gây ra những hệ quả không mấy tích cực trong đời sống xã hội.
LAM ANH