Nhiệm kỳ qua, mặc dù Hải Dương đã quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế nông nghiệp phát triển, nhưng số doanh nghiệp, người dân đầu tư vào lĩnh vực này còn ít.
Một số người đầu tư nhưng còn tâm lý dè chừng. Nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp còn manh mún, hàng hóa nông sản không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Qua nghiên cứu Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2020-2025, tôi thấy phần phương hướng, mục tiêu xác định: "Trong lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cây, con giống; ứng dụng công nghệ sinh học, bảo quản và chế biến nông sản; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến".
Là nông dân đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tôi thấy chủ trương trên của tỉnh là hoàn toàn đúng đắn. Tôi mong từ chủ trương đó, tỉnh sẽ có những giải pháp cụ thể luôn coi doanh nghiệp, HTX là mắt xích quan trọng trong các mô hình liên kết 4 nhà, 5 nhà. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân thuê đất, từ đó hình thành những thửa ruộng quy mô lớn để sản xuất tập trung, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa. Cần tạo cơ chế cho người dân, doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi; giới thiệu công nghệ, phương pháp, mô hình sản xuất mới, nhất là công nghệ sinh học.
Hiện nay, tình trạng được mùa, mất giá và ngược lại vẫn xảy ra làm nông dân chưa thực sự yên tâm sản xuất, lo lắng rủi ro. Để tháo gỡ khó khăn này, nông dân mong muốn tỉnh chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại hơn nữa để giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của Hải Dương đến thị trường trong nước và quốc tế. Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn nhằm tận dụng tối đa những lợi thế sẵn có...
NGUYỄN VĂN TUÂN
Xã An Thanh, Tứ Kỳ