Bí quyết nào giúp Vinfast biến giấc mơ ôtô Việt thành hiện thực?

02/10/2018 08:12

Chỉ sau hơn 1 năm, VinFast đã biến một vùng đầm lầy thành những nhà xưởng hiện đại, biến những nghi hoặc về "giấc mơ ôtô Việt" trở thành một "ngôi sao mới"...

Bộ đôi Sedan và SUV của Vifast được đánh giá rất cao tại triển lãm

Ngày 1.10.2018, VinFast chính thức công bố tên gọi hai mẫu xe đầu tiên là LUX A2.0 cho dòng Sedan và LUX SA2.0 cho dòng SUV, đồng thời ra mắt công chúng lần đầu tiên vào ngày 2.10 tại Triển lãm quốc tế Paris Motor Show 2018. 

Chỉ sau hơn 1 năm, kể từ ngày chính thức vận hành, VinFast đã biến một vùng đầm lầy thành những nhà xưởng hiện đại, biến những nghi hoặc về "giấc mơ ôtô Việt" trở thành một "ngôi sao mới" tại triển lãm Paris Motor Show lớn nhất thế giới.

Tập trung vào "5 hóa"

Tổ hợp nhà máy sản xuất ôtô, xe máy điện VinFast được khởi công xây dựng vào ngày 2.9.2017 với tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD, quy mô 335 ha. 

Tổ hợp gồm có nhà điều hành, nhà máy sản xuất xe máy điện, nhà máy sản xuất ôtô, khu công nghiệp phụ trợ, Trung tâm đào tạo, Viện Nghiên cứu và Phát triển (R&D). Ngoài ra, trong khuôn viên Tổ hợp còn có 2 hồ điều hòa vừa là cảnh quan, vừa dùng cho tình huống phát sinh.

Chỉ sau 1 năm, 1 tháng khởi công xây dựng, VinFast đã đưa nhà điều hành đi vào hoạt động từ tháng 6.2018, xưởng sản xuất xe máy điện đã sản xuất thử nghiệm từ tháng 8.2018, Trung tâm đào tạo VinFast đã khai giảng khóa đầu tiên ngày 10.9.2018 với 200 học viên. 

Ba hạng mục có quy mô đầu tư lớn là nhà máy sản xuất ôtô, khu công nghiệp phụ trợ và Viện Nghiên cứu và Phát triển (R&D) đang trong quá trình hoàn thiện.

Tham quan Trung tâm đào tạo tại đây mới thấy rõ thông điệp của Chủ tịch Tập đoàn VinGroup Phạm Nhật Vượng muốn tập trung vào "5 hóa," gồm tự động hóa, đơn giản hóa, chuẩn hóa, chia sẻ hóa và hạt nhân hóa, trong đó, chú trọng "hạt nhân hóa" - tập trung phát triển yếu tố con người để đảm bảo phát triển bền vững.

Các học viên ở Trung tâm đào tạo này cho biết ở đây không những họ được miễn toàn bộ học phí mà còn được nhận tiền lương hàng tháng trong suốt 2,5 năm học. 

Chương trình học gồm 2 chuyên ngành chính là cơ khí công nghiệp và cơ-điện tử, học lý thuyết đi đôi với thực hành với tỷ lệ 40-60% theo tiêu chuẩn Đức. 

Để có công suất 38 xe máy điện và 38 ôtô/giờ

Điểm đến tiếp theo là khu xưởng sản xuất xe máy điện. Theo đại diện của VinFast, nơi đây dự kiến có khoảng 750 công nhân làm việc, với công suất lắp ráp 38 xe/giờ, khoảng 250.000 xe máy điện/năm trong giai đoạn đầu; giai đoạn 2 sẽ tăng lên 500.000 xe và có thể nâng công suất lên 1 triệu xe/năm.

Có đến 95% các thiết bị dây chuyền ở các xưởng hàn và sơn được nhập khẩu từ các hãng nổi tiếng ở châu Âu. Đặc biệt, 100% công đoạn hàn khung xe máy điện được thực hiện bởi 25 robot hàn tự động và không tham gia thủ công. Xưởng sơn có hệ thống xử lý môi trường và chất thải được cho là tốt bậc nhất châu Á hiện nay.

Trong khi đó, toàn bộ dây chuyền ở xưởng lắp ráp được nhập khẩu từ Nhật Bản và cũng được đánh giá là hiện đại khu vực. Cùng với đó là hệ thống thiết bị kiểm tra xe thành phẩm nhập khẩu từ Italy, kết nối toàn bộ dữ liệu sản xuất, chất lượng công đoạn được quản lý trên máy chủ, giúp VinFast phân tích đánh giá ngăn ngừa sản phẩm lỗi ra ngoài thị trường.

Rời khu vực sản xuất xe máy điện, chúng tôi đi tham quan nhà máy sản xuất ôtô. Theo chia sẻ của chuyên viên kỹ thuật, nhà máy côtông diện tích khoảng 450.000m2. Hiện nay, các xưởng thân vỏ, sơn, động cơ, lắp ráp và xưởng phụ trợ đang trong quá trình lắp đặt máy thiết bị, xưởng dập sẽ được bàn giao trong tháng 10 tới.

Trong giai đoạn đầu, VinFast dự kiến tuyển dụng 5.000 công nhân. Công suất sản xuất xe cũng đạt 38 xe ôtô/giờ, tương đương 250.000 xe/năm và sẽ nâng lên 500.000 xe/năm vào giai đoạn 2. 

Theo kế hoạch, VinFast sẽ ra mắt 2 mẫu xe sedan và SUV vào quý 2/2019; 1 mẫu ôtô điện, 1 mẫu ôtô động cơ đốt trong cỡ nhỏ và xe buýt điện vào cuối năm 2019.

Để đạt được các mục tiêu trên, VinFast đã chọn các công ty hàng đầu của ngành công nghiệp ôtô châu Âu, trong đó chủ yếu là từ Đức, để thiết kế, lắp đặt toàn bộ các xưởng dập, hàn thân xe, sơn, sản xuất động cơ, lắp ráp và hoàn thiện xe.

Trong các xưởng, xưởng dập có công suất 16 chi tiết/phút được giám sát quy trình sản xuất theo công nghệ của Công ty Schuler (Đức). Xưởng hàn thân xe được trang bị đến 1.200 robot cho công suất 38 xe ôtô/giờ. 

Đại diện VinFast khẳng định đây sẽ là nhà máy hàn thân xe vận hành hoàn toàn tự động không chỉ hiện đại nhất Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á. Xưởng sơn công suất hơn 800 xe/ngày được trang bị hệ thống quản lý không khí thông minh EcoSmart VEC của Dürr (Đức) hoạt động hoàn toàn tự động, giúp làm giảm đáng kể lượng khí và điện năng tiêu thụ khi sấy các xe mới sơn.

Xưởng sản xuất động cơ được thiết kế và cung ứng dây chuyền từ các đối tác hàng đầu như GROB, Thyssenkrupp, AVL, MAG, sử dụng công nghệ cơ khí chính xác mới nhất để gia công các đầu động cơ, thân động cơ và trục khuỷu của động cơ. 

Ngoài ra, xưởng còn có dây chuyền kiểm tra chất lượng động cơ (kiểm tra nóng và kiểm tra nguội) đảm bảo 100% sản phẩm được kiểm soát chất lượng từ đầu nguồn.

Xưởng lắp ráp và hoàn thiện xe cũng được tự động với các băng chuyền và xe tự hành được hoạt động liên động với nhau; xưởng phụ trợ còn có khu vực lắp hoàn thiện lốp xe và có năng lực mở rộng cho đúc các chi tiết nhựa trong tương lai.

Ngoài ra, VinFast còn thành lập một khu khu công nghiệp phụ trợ, chiếm khoảng 30% diện tích khu tổ hợp để sản xuất linh kiện, phụ kiện ôtô, xe máy. 

Ứng dụng công nghệ 4.0

Điểm nhấn ở sản xuất ôtô, VinFast ứng dụng công nghệ 4.0 tại các nhà máy, giúp cho các thiết bị và một phần/toàn thể dây chuyền ở một nhà máy được kết nối với nhau thông qua các cảm biến được kết nối qua mạng hoặc điện toán đám mây.

Bên cạnh đó, các thông tin trong quá trình sản xuất sẽ được liên tục cập nhật, lưu trữ và phân tích. Các dữ liệu này sẽ là thông tin đầu vào quan trọng cho việc nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm mới với các thiết kế, nguyên liệu cũng như quy trình sản xuất mới phù hợp với các mong muốn ngày càng đa dạng và thay đổi nhanh chóng của khách hàng về nhu cầu sử dụng, kỹ thuật, mẫu mã, chất lượng, thời gian giao hàng và giá thành.

Ngoài ra, hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu, hệ thống hoạch định doanh nghiệp, hệ thống quản lý vòng đời sản phẩm, hệ thống điều hành sản xuất - nền tảng quan trọng cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 tại nhà máy - cũng do 2 hãng hàng đầu thế giới là Siemens và SAP...

Với việc tuyển chọn các công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp ôtô châu Âu từ thiết kế mẫu xe, nhà xưởng và thiết bị dây chuyền nhằm tạo ra những sản phẩm đạt tầm quốc tế, đưa thương hiệu VinFast, công nghiệp ôtô Việt Nam lên bản đồ thế giới, VinFast đã công bố hình ảnh ngoại thất của 2 mẫu xe Sedan và SUV đã và đang được cộng đồng trong nước và thế giới đánh giá cao.

Đây cũng là 2 mẫu xe đầu tiên (bản concept) VinFast giới thiệu tại Triển lãm ôtô Paris (Paris Motor Show) vào tháng 10.2018 cùng các thương hiệu ôtô hàng đầu thế giới, trước khi giới thiệu tới công chúng Việt Nam vào cuối năm nay...

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bí quyết nào giúp Vinfast biến giấc mơ ôtô Việt thành hiện thực?