Trước diễn biến có chiều hướng xấu của dấu hiệu thuyên tắc mạch ối, lãnh đạo bệnh viện và kíp mổ tiến hành xử lý hồi sức tích cực, phẫu thuật cầm máu bằng các biện pháp tối ưu, truyền máu để cứu sống sản phụ.
Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hải Dương siêu âm kiểm tra ổ bụng sản phụ Hải sau khi mổ cấp cứu
Ngày 4.4, chị Nguyễn Thị Hải (26 tuổi, ở xã Hồng Phong, Nam Sách) được gia đình đưa đến Bệnh viện Phụ sản Hải Dương sinh con lần thứ hai.
Sản phụ được khám và theo dõi liên tục để chờ sinh thường. Đến 5 giờ 20 ngày 5.4, theo dõi trên monitoring sản khoa, chị Hải có những dấu hiệu biến động tim thai dẫn tới suy thai cấp trong chuyển dạ, nên các bác sĩ đã quyết định mổ lấy thai.
Trong quá trình mổ, chị Hải đột ngột có các biểu hiện suy hô hấp, da tím tái, trụy mạch, rối loạn đông máu... Trước diễn biến có chiều hướng xấu của dấu hiệu thuyên tắc mạch ối, lãnh đạo bệnh viện và kíp mổ tiến hành xử lý hồi sức tích cực, phẫu thuật cầm máu bằng các biện pháp tối ưu, truyền máu để cứu sống sản phụ.
Chị Hải được truyền 8 đơn vị máu, trong đó 5 đơn vị máu của 2 bác sĩ Nguyền Thị Hồng Hoa, Trần Tuấn Anh, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Vui đều ở Khoa Sản thường, 1 sinh viên thực tập và người nhà bệnh nhân.
Con chị Hải đã an toàn và được chuyển tới Bệnh viện Nhi Hải Dương để chăm sóc. Đến 16 giờ cùng ngày, chị Hải tỉnh táo, bụng mềm, siêu âm ổ bụng có chút ít dịch, sức khỏe tiến triển tốt lên. Theo nguyện vọng của gia đình, bệnh nhân đã được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục điều trị.
Ngày 6.4, Bệnh viện Phụ sản Hải Dương đã liên hệ với gia đình sản phụ Hải và nắm được tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt. Những kỹ thuật tuyến dưới thực hiện không phải xử trí lại, đã chụp mạch và phát hiện có tắc một nhánh nhỏ ở mạch phổi, có thể do sau tắc mạch ối.
Tắc mạch ối là một trong những tai biến sản khoa đặc biệt nguy hiểm, diễn biến bất thường và tử vong rất cao. Đây là trường hợp nghi tắc mạch ối thứ hai được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hải Dương cứu sống từ khi thành lập bệnh viện đến nay.
ĐỨC THÀNH