Từ "nổi tiếng" qua cách phát âm của dân gian một số vùng thì âm "ôi" thành "ui".
Vì thế, người ta mới gọi "cái chổi", "quả ổi"... thành "cái chủi", "quả ủi"... cho nên cái bệnh nổi tiếng có thể chuyển thành "nủi tiếng".
Trong xã hội ta kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay đã xuất hiện rất nhiều người kiệt xuất với những việc làm nổi tiếng được toàn dân kính phục, ngưỡng mộ, học tập noi theo. Tên tuổi họ đi vào lịch sử dân tộc. Tiếng thơm của họ còn mãi.
Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là thời kỳ đổi mới đến nay, đất nước ta có rất nhiều người nổi tiếng ở mọi lứa tuổi, mọi địa phương, ở các ngành nghề. Đặc biệt là những người làm kinh tế giỏi, tự vươn lên bằng đôi tay và trí tuệ của mình; những người nông dân sáng tạo máy móc; những doanh nhân, nghệ nhân, cầu thủ... Đó là sự nổi tiếng chính đáng và rất vẻ vang, cần được nhân lên.
Tuy vậy, còn có không ít người hình như họ khát khao sự nổi tiếng, muốn ghi tên tuổi mình lên sách báo, muốn được mọi người biết đến nên tìm mọi cách để thành nổi tiếng, nói một cách khôi hài là "nủi tiếng".
Trước hết phải kể đến những kẻ hằng ngày lên mạng xã hội để chuyển tải những bài viết có nội dung rất nhảm nhí không mang lại lợi ích gì.
Thứ hai là một số ca sĩ, hát là phụ, khoe cơ thể là chính. Rồi người nọ nói xấu người kia, khui ra chuyện đời tư của nhau để đưa lên mạng nhằm "nủi tiếng".
Thứ ba là một số cơ quan nhà nước, một số cán bộ tự nguyện mang bệnh thành tích để thành "nủi tiếng".
Thứ tư là bọn lưu manh. Có kẻ thành "siêu trộm cắp", có kẻ thành "siêu lừa đảo". Chúng dùng mọi thủ đoạn để trộm cắp, lừa đảo từ cơ quan, cán bộ nhà nước đến dân thường. Chúng lừa bằng cho vay nặng lãi, vào hụi, đầu tư vốn vào công ty này công ty nọ, ra nước ngoài lao động có lương rất cao...
Làm sao chúng ta có thể quên những bọn đại lưu manh như Khánh Trắng, Năm Cam... cùng rất nhiều kẻ khác mà báo chí từng đưa.
Thứ năm là cán bộ nhà nước tham nhũng. Những người này có thể họ không có ý thức làm người nổi tiếng nhưng từ việc tham nhũng quá lớn của họ dẫn đến tù tội và thế là họ tự nhiên "nủi tiếng", được mọi người chú ý. Đáng tiếc là trong số ấy có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, tướng lĩnh quân đội, công an...
Thứ sáu, một số trí thức như giáo sư, tiến sĩ, văn nghệ sĩ... có người đã nổi tiếng từng được cả nước biết đến. Nhưng hình như vẫn chưa đủ, có người trốn sang định cư ở nước ngoài rồi quay lại nói xấu dân tộc, Tổ quốc, nói xấu Đảng... Tất cả những người đọ "nổi tiếng" thật nhưng là tiếng xấu.
Tôi nhớ lúc nhà thơ Xuân Diệu còn sống, ông đã từng nói: "Có những kẻ muốn mình nổi tiếng bằng cách đánh một cái rắm thật thối vào lịch sử".
Vậy ra căn bệnh thích nổi tiếng đã có từ mấy chục năm rồi. Câu nói ấy có vẻ hơi thô nhưng rất đúng vì nó đã chỉ ra hai loại nổi tiếng.
Đó là nổi tiếng về đạo đức, tài năng và trí tuệ thì trở thành gương sáng cho người đời học tập. Nổi tiếng về sự tàn bạo, tham lam, ác độc với những mưu mô, hành động phi nhân tính là nổi tiếng xấu, sẽ bị xã hội lên án, pháp luật trừng trị.
Tuy nhiên còn một loại nữa: Không phải tiếng nói tốt nhưng cũng chưa đến mức truy cứu về hình sự; nó chỉ kệch cỡm, vô văn hóa một tý thôi cũng vẫn là hiện tượng không đẹp, vẫn cần phê phán. Thiết nghĩ cứ sống tốt, làm việc tốt, ích nước lợi nhà bằng tài năng và đức độ của mình thì tự nhiên nổi tiếng thôi, đó là tiếng thơm. Các cụ xưa đã dạy "Hữu xạ tự nhiên hương" mà.
VĂN DUY