Bến sông xưa

30/08/2020 10:18


Lâu lắm rồi tôi mới có dịp đi đò qua bến cũ về quê. Kể từ khi cây cầu nối liền giữa huyện tôi với thành phố được xây dựng, người ta đã chuyển hẳn sang đi cầu. Hiếm có người còn nhớ và mong những chuyến đò nơi đây. Tôi cũng vậy. Nếu không phải xe hết điện chắc tôi sẽ chẳng bao giờ đi qua đò để sang bên kia cho nhanh mà lập tức phi ngay lên cầu, vừa tiện lại vừa dễ dàng.

Đi đò đòi hỏi người ta kiên nhẫn nhiều lắm vì có nhiều lúc bạn đến bến mà đò vừa sang sông. Chuyện nhỡ đò chẳng ai muốn nhưng luôn phải chuẩn bị sẵn tâm thế ấy. Nếu có phải đợi thêm một chuyến ngược từ bên kia về thì cũng không lấy làm bực bội. Chưa kể giờ tan tầm, người người, hàng hóa đổ xô lên đò, ai cũng muốn nhanh chân để tránh lỡ việc. Chen lấn, xô đẩy... khiến ai cũng như đang chạy đua để tranh giành lấy cơ hội. Bác lái đò toát mồ hôi, vội vã chèo thật nhanh để kịp đưa từng tốp người qua sông.  

Thế nhưng những cảnh tượng ấy nay còn đâu? Khi con đò, bến nước còn đó nhưng mấy ai còn chịu đi đò? Hôm nay tôi đi đò, có đúng bốn người, kể cả bác lái đò. Không phải chen nhau vội vã, tôi thong thả bước lên đò vì chẳng phải chen lấn như ngày xưa.

Bác lái đò vẫn nhận ra tôi vì trước kia tôi hay đi lắm, đã từng có thời gian mẹ phải mua vé tháng cho tôi khi tôi đi học bên thành phố. Hằng ngày, cứ 6 giờ sáng tôi sẽ đi sang, trưa 12 giờ lại trở về. Đây là thời điểm mà tôi thích nhất mỗi khi đi đò, lác đác vài người đi cùng, một mình tôi vẫn thoải mái có một chỗ để xe rộng rãi, xung quanh bình lặng để tôi có một chút thời gian được nghỉ ngơi, ngắm nhìn dòng sông, vài đám bèo trôi lờ lững... để tôi được lặng người nghĩ miên man, vẩn vơ.

Ngày qua ngày tôi đã trở thành khách quen của bác lái đò. Mỗi lần thấy tôi, bác lại trêu "Mời khách quý lên đò". Vậy mà khi có cầu, tôi bỏ hẳn việc đi đò. Tôi vô tâm, không một lời từ biệt, chẳng chút lưu luyến với con đò thân quen.

- Ngày hôm nay, cháu là người khách thứ năm đấy!- bác lái đò chợt nói với tôi.

Tôi hỏi: “Sao bác không nghỉ đò, chuyển sang làm nghề gì đó cho nhàn hơn?”. Bác khẽ lắc đầu, những nếp nhăn trên khuôn mặt của người đàn ông đã ngoại ngũ tuần lại hằn sâu hơn.

- Bỏ làm sao được cháu ơi, gắn bó với nó mấy chục năm nay rồi, bác không đành, biết là nó nghèo, nó khổ... nhưng cái tình, cái nghĩa với sông nước không cho mình rời bỏ nó được. 

Đúng thật, nửa đời người bác gắn bó với bến sông này, tay lái tay chèo, từng khúc cua, ngã lượn đều thuộc làu làu đến mức nhắm mắt chắc bác vẫn lái được thì làm sao nói bỏ là bỏ. Đã bao năm qua, những người lái đò ấy vẫn miệt mài bám trụ sông nước, bất kể ngày đêm để phục vụ mọi người có nhu cầu. Ai bảo chèo đò là dễ? Nhìn khúc sông tưởng bình lặng, gần gũi nhưng ai biết dưới những gợn sóng lăn tăn kia là cả một vùng xoáy nguy hiểm. Người lái đò như những "anh hùng" sông nước, đi đầu dẫn lối, bảo vệ cho bao tính mạng trên thuyền. Họ phải thật tập trung, dẻo dai và nhanh nhạy trước mọi trường hợp. Họ vẫn lặng lẽ qua bao tháng ngày dù công việc giờ đây chẳng còn bận rộn như trước. Nhưng tôi không thấy họ bỏ cuộc, các bác vẫn rất nhiệt tình với khách lên đò, giúp họ dắt xe, xếp chỗ, cẩn thận đưa cho mỗi người chiếc áo phao... từng ấy việc làm càng chứng minh tình yêu nghề, yêu người của những con người giản dị đó.

Quãng sông ngắn ngủi, chốc lát đã sang bờ bên kia, tôi chỉ kịp hỏi han, trò chuyện một chút với bác lái đò. Tạm biệt bác lái đò, tạm biệt bến sông vắng, tôi tiếp tục hành trình của mình mà lòng cứ thấy bồi hồi như người mắc nợ một cái gì đó với bến sông xưa, như mình đã bỏ lỡ điều gì đó rất gần gũi, thân thuộc.

NGUYỄN PHƯƠNG THẢO
(Lớp 12E, Trường THPT Nam Sách)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bến sông xưa