Sát kỳ nghỉ lễ 30.4-1.5, giá vé máy bay bất ngờ giảm mạnh, “rơi tự do” ở một số chặng và có sự phân hóa rõ rệt. Đây là diễn biến lạ chứng tỏ xu hướng đi du lịch giờ đã khác.
Đầu TP Hồ Chí Minh “nóng rẫy”, đầu Hà Nội hạ nhiệt
Trên trang bán của các hãng hàng không nội địa, giá vé máy bay dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 có sự phân hóa mạnh mẽ. Nếu nhiều chặng bay từ TP Hồ Chí Minh đến các điểm du lịch giá vé rất đắt đỏ, thậm chí một số chặng hết sạch chuyến trong ngày (ngày đi 30/4) thì từ Hà Nội, giá vé lại giảm mạnh và rất dồi dào.
Cụ thể, từ Hà Nội đi Phú Quốc ngày 30/4 - về 3/5, giá vé thấp nhất hiện chỉ còn 529.000 của Vietjet Air hay 669.000 của Bamboo Airways; chiều về là các mức giá từ 409.000-529.000-649.000 đồng của Vietjet Air (tùy giờ bay). Giá vé trên chưa gồm thuế, phí. Tính ra trung bình, giá vé Hà Nội - Phú Quốc khứ hồi chỉ 2,4 triệu đồng, giờ đẹp, đã gồm thuế phí.
Mức giá này đã giảm mạnh, tới trên 60% so với trung bình khoảng 7 triệu đồng trước đó. Lượng vé cũng còn rất nhiều.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là giá vé chặng bay Hà Nội - Nha Trang lại cao hơn cả vé bay đi Phú Quốc, duy trì ở mức trên 1 triệu đồng chặng cả đi và về, trung bình khoảng 3,7-3,9 triệu đồng, khứ hồi, đã gồm thuế phí. Có ý kiến cho rằng, do lo ngại điểm đến Phú Quốc quá tải, nhiều hành khách đã đổi sang đi du lịch Nha Trang.
Tương tự như vậy là chặng Hà Nội - Đà Lạt, giá vé khứ hồi cũng ở mức cao.
Trái với bay từ Hà Nội, giá vé máy bay từ TP Hồ Chí Minh đi các điểm du lịch dịp nghỉ lễ này vẫn rất đắt đỏ. Điển hình là chặng TP Hồ Chí Minh - Phú Quốc tuy còn giá 569.000 đồng của Vietjet Air nhưng giờ bay xấu, còn trung bình là 3,5 triệu đồng vé khứ hồi dù là chặng bay ngắn.
Hay TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, giá vé thấp nhất khứ hồi cũng 2,9-3 triệu đồng. Thậm chí, chặng TP.HCM - Quy Nhơn đã hết chuyến bay sáng, chỉ còn chuyến bay chiều. Giá vé khứ hồi rất cao, lên tới 4,48-5 triệu đồng.
Từ TP Hồ Chí Minh bay Nha Trang cũng hết sạch vé trong ngày 30/4, chỉ còn vé bay vào chiều tối, khởi hành lúc 18h15 của Vietjet với giá gần 1 triệu đồng/chặng (chưa gồm thuế, phí). Tổng giá vé khứ hồi chặng này khoảng trên 3 triệu đồng. Chặng TP.HCM - Đà Lạt giá vé cũng lên tới 2,8-3 triệu đồng, khứ hồi.
Tâm lý “chờ qua lễ 30/4-1/5”
Lý giải nguyên nhân khiến giá vé máy bay dịp 30/4-1/5 năm nay giảm bất thường, ông Lê Trung Tín, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Tín Việt (TP.HCM), cho rằng, ngoài lý do hàng không tăng tải mạnh, số lượng vé bổ sung nhiều khiến cung vượt cầu, thì việc các DN du lịch, đại lý “ôm” vé máy bay quá nhiều cho dịp lễ, nay nhu cầu khách Bắc giảm mạnh nên giờ mới nhả ra.
Nếu dịp lễ 30/4 hàng năm trước khi có dịch, các công ty rất đông khách đoàn thì nay xu hướng du lịch thay đổi, khách gia đình, đi theo nhóm nhiều nên họ tự đặt dịch vụ. Trong khi, DN lữ hành thường ôm series 20-30 vé liền, đến giờ chót không có khách buộc phải bán ra, khiến giá giảm mạnh.
Việc phân hóa khách, theo ông Tín, là bởi xu hướng đi du lịch hai đầu thành phố hoàn toàn khác nhau. Tại TP Hồ Chí Minh người dân đi chơi thoải mái, phủ sóng các điểm đến nên vé máy bay đắt đỏ, hết sạch là chuyện thường. Còn tại Hà Nội, dường như mọi người vẫn chưa sẵn sàng lắm. Một số người vẫn đi du lịch nhưng một số khác tâm lý còn lo ngại dịch Covid-19 sẽ tái phát sau dịp lễ.
"Vì vậy, khách từ Hà Nội và miền Bắc đang chờ qua dịp lễ 30/4-1/5, nếu không có sự cố gì thì từ khoảng 10/5, lượng khách đi du lịch dự đoán cũng sẽ bùng nổ trở lại. Du lịch sẽ hồi phục hoàn toàn như trước khi có dịch”, ông Tín nhận định
Ông Phạm Vũ Bảo, Giám đốc công ty Vi-booking, thì cho rằng, hầu hết các đơn vị từ hàng không, lữ hành đến khách sạn,... đều rất kỳ vọng vào một mùa 30/4-1/5 bùng nổ. Vì thế, bên nào cũng đưa ra mức giá cao hơn so với mức chấp nhận của số đông hành khách, đặc biệt là vé máy bay. Chính vì thế mà có thời điểm, giá vé máy bay cao gấp 3-4 lần bình thường.
Mức giá càng có vẻ cao hơn nhiều nếu xét trong tương quan với sự giảm sút của thu nhập do tác động của dịch bệnh. Chưa kể, chứng khoán sụt giảm, tiền ảo lình xình, bất động sản chững lại cũng ảnh hưởng đến việc chi tiêu của khách.
Ngoài ra, theo ông Bảo, có thể nhiều người thu nhập cao đã giảm hứng thú đi du lịch trong nước dịp lễ, bởi 2 năm qua không được đi nước ngoài nên nhóm này đi du lịch trong nước khá nhiều. Thay vào đó, họ tạm dừng để dành cho những chuyến xuất ngoại.
Bên cạnh đó là những người muốn né đi dịp lễ vừa đông, vừa đắt lại chưa chắc có được trải nghiệm tốt, như chen chúc ở Phú Quốc, hay chờ nửa ngày mới qua được phà Cát Bà như đã từng xảy ra,… Một số người đang khởi động lại công việc sau dịch nên thời gian nghỉ lễ giúp họ thư thái gặp gỡ đối tác, xây dựng mối quan hệ... hay đơn giản là chỉ muốn nghỉ ngơi nhẹ nhàng bên gia đình, người thân.
Chưa kể, trẻ nhỏ đã đi học trở lại và có kỳ thi cuối năm gần với dịp lễ. Thời tiết được dự báo xấu cũng không ủng hộ cho những chuyến đi chơi.
Theo Vietnamnet