Chính phủ Mỹ vừa ra sắc lệnh cấm các công ty của nước này sử dụng thiết bị viễn thông của Tập đoàn công nghệ viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc.
Huawei trở thành tiêu điểm trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng, vụ việc tiếp tục đẩy "cuộc đối đầu" giữa hai cường quốc thế giới ngày càng đi xa.
Cấm sử dụng thiết bị của Huawei có hiệu lực vào ngày 17.5
Ngày 15.5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài "có thể gây nguy hại an ninh quốc gia của Mỹ hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ". Song Nhà Trắng khẳng định sắc lệnh này không nhằm vào bất kỳ công ty hay quốc gia cụ thể nào. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bổ sung Huawei và 70 chi nhánh của tập đoàn này vào "Danh sách Thực thể", trong một động thái nhằm cấm tập đoàn khổng lồ này mua các bộ phận và công nghệ từ các công ty của Mỹ nếu chưa có sự đồng ý của Chính phủ Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 16.5 tuyên bố, sắc lệnh đưa Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 17.5.
Sau khi Tổng thống Donald Trump ra sắc lệnh cấm các công ty của Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei, ngày 16.5, Huawei đã đưa ra tuyên bố cho rằng "những hạn chế vô lý" của Mỹ đã xâm phạm các quyền của tập đoàn này. Trong tuyên bố, tập đoàn Huawei nhấn mạnh: "Hạn chế Huawei kinh doanh tại Mỹ sẽ không khiến nước Mỹ an ninh hơn hoặc mạnh hơn, mà cuối cùng sẽ chỉ làm tổn hại lợi ích của các công ty và người tiêu dùng Mỹ khi họ buộc phải lựa chọn nhà cung cấp thay thế đắt đỏ và yếu kém hơn". Huawei khẳng định "những hạn chế vô lý của Mỹ sẽ xâm phạm các quyền của Huawei và gây ra các vấn đề pháp lý nghiêm trọng khác".
Cùng ngày, Trung Quốc khẳng định sẽ "kiên quyết bảo vệ" các công ty của nước này sau khi Washington coi các thiết bị viễn thông của Tập đoàn Huawei là rủi ro an ninh, đồng thời áp đặt hạt chế xuất khẩu liên quan các thương vụ bán công nghệ của Mỹ cho công ty này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã chỉ trích động thái của Mỹ là "lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu", sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành sắc lệnh yêu cầu Huawei phải nhận được sự cho phép của chính phủ để thực hiện hoạt động mua sắm. Ông Lục Khảng nói: "Chúng tôi hối thúc Mỹ ngừng cách tiếp cận sai lầm này. Trung Quốc sẽ thực hiện thêm các biện pháp cần thiết nhằm kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc".
Sau khi Mỹ có động thái cứng rắn với Huawei, cựu lãnh đạo Cơ quan tình báo Anh MI6 Richard Dearlove cho rằng Chính phủ Anh cần cân nhắc lại quyết định cho phép tập đoàn Huawei tham gia xây dựng mạng lưới 5G. Trong lời mở đầu của một báo cáo về Huawei do Tổ chức Henry Jackson thực hiện, ông Dearlove, người từng lãnh đạo MI6 từ năm 1996-2004 cho rằng Chính phủ Anh vẫn còn thời gian xem xét lại quyết định, và nhiều khả năng ông sẽ tiếp tục đưa ra kiến nghị với các chính phủ sau này. Ông cho rằng khả năng kiểm soát thông tin liên lạc và dữ liệu, vốn chuyển tải qua cơ sở hạ tầng của Huawei sẽ là cách thức để nắm kiểm soát xã hội và nhiều quốc gia khác.
Còn người phát ngôn Thủ tướng Anh Theresa May cho biết Chính phủ nước này sẽ xem xét chính sách đối với mạng không dây thế hệ 5G và sẽ có thông báo chính thức. Hồi cuối tháng 4 vừa qua, nhật báo Telegraph đưa tin Thủ tướng Anh May đã "bật đèn xanh" để Huawei hỗ trợ xây dựng mạng viễn thông 5G. Theo báo trên, bất chấp cảnh báo của Mỹ và một số bộ trưởng cấp cao trong chính phủ về nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, Hội đồng An ninh quốc gia Anh, đứng đầu là Thủ tướng May, đã nhất trí cho Huawei tiếp cận có giới hạn nhằm hỗ trợ xây dựng một số hạng mục của mạng 5G, như các trạm ăng ten và cơ sở hạ tầng "không trọng yếu" khác. Tuy nhiên, quyết định trên gây lo ngại ngay trong các bộ trưởng chủ chốt, như Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid, Ngoại trưởng Jeremy Hunt và Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson – người đã bị cách chức liên quan vụ rò rỉ thông tin về sự liên quan của Huawei với mạng 5G ở Anh.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định nước Pháp không có ý định gây trở ngại Tập đoàn viễn thông Huawei hay khởi động cuộc chiến công nghệ dưới bất kỳ hình thức nào. Phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Paris ngày 16.5, Tổng thống Macron nhấn mạnh quan điểm của Pháp là không gây khó dễ cho Huawei hoặc bất kỳ công ty nào, điều này là để bảo đảm an ninh quốc gia Pháp và chủ quyền của Liên minh châu Âu. Theo ông, khởi động một cuộc chiến công nghệ hay thương mại là không thích hợp.
Rủi ro mới
Huawei được thành lập vào năm 1987, là tập đoàn tư nhân của Trung Quốc cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông và các thiết bị thông minh. Từ lâu, Huawei đã nằm trong "tầm ngắm" của giới chức Mỹ. Huawei được biết đến là đối thủ đã soán ngôi vị trí "á quân" của tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ Apple trên thị trường điện thoại thông minh. Theo thống kê, doanh thu trong quý II.2018, Huawei đã lần đầu tiên vượt qua đối thủ Apple về thị phần điện thoại thông minh khi xuất xưởng tới 54,2 triệu chiếc, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Apple chỉ tung ra 41,3 triệu chiếc. Không chỉ vậy, Huawei còn mở rộng sang những lĩnh vực mới như phát triển điện tử, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây. Đặc biệt, Huawei là nhà sản xuất thiết bị hàng đầu cho mạng 5G, một lĩnh vực mà công ty này có thế mạnh và kế hoạch đầu tư tại nhiều nước. Từ cạnh tranh gay gắt giữa hai nhà sản xuất, khi cuộc chạy đua giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và không gian mạng càng quyết liệt, thì những tập đoàn như Huawei chắc chắn sẽ bị đẩy lên tuyến đầu.
Chủ đề Huawei tại Mỹ cũng mang những yếu tố chính trị. Trong nhiều năm qua, các chuyên gia an ninh quốc gia và công nghiệp Mỹ nhiều lần đề cập tới những rủi ro an ninh xuất phát từ các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông được sản xuất tại Trung Quốc. Thực tế, Huawei đã nằm dưới sự theo dõi của giới chức Mỹ từ hơn 10 năm trước. Hồi năm 2007 và 2010, Chính phủ Mỹ cản bước chân Huawei tiến sâu vào thị trường nước này khi lần lượt từ chối cho phép Huawei tham gia đấu thấu dự án đầu tư mạng lưới viễn thông 3G và nâng cấp mạng lưới mạng không dây cho hãng viễn thông Sprint. Cho đến đầu năm 2018, thương vụ hợp tác phân phối điện thoại thông minh giữa Huawei và AT&T tại Mỹ "đổ bể" phút chót. Huawei cũng bị cấm tham gia mạng 5G ở Mỹ trong tương lai. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton từng cho rằng cần phải có chiến lược ngăn cản tham vọng của Huawei trong lĩnh vực 5G nói riêng và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc nói chung.
Bên cạnh đó, lấy lý do an ninh quốc gia để cấm hoặc hạn chế các cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng thiết bị của Huawei, Mỹ còn khuyến cáo các nước phương Tây tẩy chay các sản phẩm gắn mác Huawei, động thái được nhận định là lôi kéo các đồng minh và đối tác tạo một "thế trận cờ vây" xung quanh Huawei, mà mục tiêu là hướng tới "cô lập" Trung Quốc, ít nhất là về kinh tế. Hiện Australia, New Zealand cùng nhiều nước khác đã cấm hoặc hạn chế sử dụng thiết bị của Huawei do những lo ngại rằng Bắc Kinh có thể tiếp cận các cơ sở hạ tầng quan trọng của nước mình. Tuy nhiên bất chấp các lệnh cấm hoặc hạn chế sử dụng thiết bị của Huawei, doanh số các sản phẩm điện thoại di động của Huawei vẫn tăng, ngoài ra thị trường thiết bị của Huawei cho các mạng viễn thông vẫn không ngừng tăng lên trong những năm qua.
Hiện Huawei đang trải qua thời kỳ khó khăn sau vụ nhà chức trách Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu hồi tháng 12.2018 theo yêu cầu của Mỹ và đang đấu tranh chống lại việc dẫn độ theo cáo buộc rằng bà và Tập đoàn Huawei vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran. Chuyên gia Amanda DeBusk tại hãng luật Dechert LLP nhận định vụ Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu là một vấn đề rộng lớn hơn nhiều một cuộc tranh chấp thương mại. Từ lâu, trong nỗ lực duy trì vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của mình, Mỹ luôn coi sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc là "mối đe dọa" cần phải được kiềm chế. Không chỉ về kinh tế mà cả chính trị, quân sự, an ninh, Mỹ đang xem Trung Quốc như đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng và mức độ xung đột lợi ích giữa hai bên mang cấp độ toàn cầu. Trong trường hợp đó thì động thái của Mỹ trong vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu có thể xem là động thái mang tính "nắn gân", thể hiện "sức mạnh và uy lực" của Washington trước đối thủ đang đe dọa vị thế cường quốc hàng đầu thế giới. Dù diễn biến vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu có theo chiều hướng nào thì nó cũng báo hiệu Mỹ và Trung Quốc đang bước vào một thế trận tranh giành ảnh hưởng ngày càng quyết liệt.
Trước quyết định của Mỹ cấm các công ty của nước này sử dụng thiết bị viễn thông của Tập đoàn Huawei, giới phân tích đã cảnh báo việc kiểm soát xuất khẩu có nguy cơ làm cho bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại và công nghệ trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong một báo cáo, các chuyên gia phân tích Nhóm Á-Âu (Eurasia Group) nhận định hạn chế mới của Mỹ là sự leo thang nghiêm trọng với Trung Quốc, mà ít nhất cũng dẫn đến hoài nghi về triển vọng các cuộc đàm phán thương mại đang tiếp diễn. Báo cáo có đoạn: "Nếu không được giải quyết một cách thận trọng, tình hình này có khả năng đẩy các công ty của Mỹ và Trung Quốc vào những rủi ro mới".
Theo TTXVN