Bảo vệ “lá chắn” của sự sống

15/09/2019 17:39

Với chủ đề "32 năm nối tiếp hành trình bảo vệ tầng ozone" (32 years and healing), Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone năm 2019 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sẽ diễn ra ngày 16.9.

Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực đã ngừng mở rộng. Ảnh: AFP

Buổi lễ nhằm đề cao nỗ lực hợp tác quốc tế suốt hơn 3 thập kỷ qua, những thành tựu về bảo vệ tầng ozone và ứng phó với biến đổi khí hậu theo Nghị định thư Montreal mà nhân loại đã đạt được.

"Lá chắn" tự nhiên của trái đất

Cách bề mặt trái đất khoảng 10 đến 15km, ngay phía dưới tầng bình lưu là tầng ozone. Theo các nhà khoa học, cứ 10 triệu phân tử không khí, trung bình chỉ có ba phân tử ozone. Mặc dù không nhiều, nhưng chúng lại có đặc tính quý báu không có ở bất kỳ một chất khí nào khác trong khí quyển, đó là hấp thụ tia cực tím do bức xạ mặt trời phát ra. Độ dày mỏng của tầng ozone có thể thay đổi theo mùa hoặc vị trí địa lý, nhưng thông thường, nó giữ lại và hấp thụ tới 93 đến 99% tia bức xạ từ mặt trời, giúp bảo vệ các sinh vật đang sinh sống trên bề mặt trái đất.

Tia bức xạ UV mà mặt trời tỏa ra chia làm 3 loại: UV-A (có bước sóng từ 400 đến 315nm), UV-B (315-280nm), và UV-C (280-100 nm). Hầu hết tia UV-A đi xuyên qua lớp khí quyển và chiếu được tới bề mặt trái đất, nhưng chúng lại ít gây hại cho sinh vật nhất. UV-C và UV-B đều rất có hại cho con người. UV-B gây tác hại cho da và có thể gây tổn thương tế bào, dẫn đến ung thư da. Tuy nhiên, rất may mắn, nhờ có tầng ozone cản trở bức xạ mà phần lớn 2 loại tia có hại này bị giữ lại trên tầng khí quyển. Các nghiên cứu cho thấy, nhờ sự ngăn cản của tầng ozone, cường độ bức xạ UV-B trên bề mặt Trái đất trở nên yếu hơn tới 350 tỷ lần so với trên tầng khí quyển.

Với tác dụng quan trọng như thế, tầng ozone được xem là "tấm lá chắn" tự nhiên bảo vệ cho sự sống trên trái đất. Nếu tầng không khí này bị biến đổi hoặc suy giảm, loài người sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ nghiêm trọng từ tia UV, như bệnh ung thư da, đục thủy tinh thể ở mắt, giảm sản lượng lương thực, ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển và chuỗi thức ăn trên trái đất…

Trong quá trình phát triển, con người đã có nhiều phát minh ra máy móc, trang thiết bị, đồng thời thải ra khí quyển một lượng lớn hóa chất, trong đó có các chất làm suy giảm tầng ozone, khiến tầng ozone bị suy thoái.

Vào thập niên 60, các nhà khoa học phát hiện thấy sự gia tăng CFC hay chlorofluorocarbon trong khí quyển. Năm 1974, báo cáo khoa học đầu tiên dự báo về sự suy giảm tầng ozone được công bố trên tạp chí Nature. Ở những khu vực có đủ ánh sáng và nhiệt độ thấp, hợp chất này sẽ tạo thành những đám mây ở tầng bình lưu, bổ sung khối lượng lớn Clo vào khí quyển và tạo ra những lỗ thủng trên tầng ozone.

Năm 1987, lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện ra lỗ thủng tầng ozone xuất hiện ở Nam Cực và có nguy cơ lan rộng. Thông tin này làm chấn động dư luận toàn cầu, dấy lên những mối quan ngại sâu sắc về môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn không dừng lại. Trong vòng 50 năm, lượng ozone trên khí quyển đã giảm đi khoảng 1%, gây ra không ít hiện tượng cực đoan như bão lụt, hạn hán, cháy rừng; làm mất cân bằng hệ sinh thái, giảm chất lượng không khí, gia tăng hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu. Sức khỏe con người cũng ngày càng suy giảm, do các tia cực tím - được chứng minh là một yếu tố tạo thành các khối u ác tính dẫn đến ung thư da, đã tăng vượt quá yêu cầu.

Từ đó, việc loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, ứng phó và giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu trở thành nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi hành động quyết liệt và khẩn cấp của toàn cầu.

Bảo vệ tầng ozone vì tương lai nhân loại

Nhận thức được những hiểm họa khi tầng ozone suy giảm gây ra, với sự chung tay của cộng đồng quốc tế, năm 1985 Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone ra đời. Đây được coi là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên mang tính chất toàn cầu về bảo vệ tầng ozone. Hai năm sau, năm 1987, Nghị định thư Montreal - một Hiệp ước quốc tế với các điều khoản cụ thể được ký kết nhằm loại trừ dần dần các chất làm suy giảm tầng ozone, thể hiện quyết tâm toàn cầu trong việc bảo vệ tấm lá chắn quan trọng này. Nghị định thư Montreal được coi là điều ước quốc tế về môi trường thành công nhất từ trước đến nay với sự đồng thuận tham gia của 100% các quốc gia trên thế giới và được tất cả các ngành, tập đoàn công nghiệp cũng như người dân toàn cầu ủng hộ.

Theo các nghiên cứu, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng thủng tầng ozone là sự gia tăng các hợp chất hóa học như CFC, HCFC, HFC trong không khí, mà các loại hóa chất này thường được sử dụng trong cơ chế làm lạnh của thiết bị điều hòa, máy lạnh, chất tẩy công nghiệp... Ngoài ra, khói bụi và các khí thải của nền công nghiệp hiện đại như NOx, SO2, CO2… cũng là tác nhân phá hoại tầng ozone.

Nhờ nỗ lực từ cộng đồng và sự đồng thuận của các quốc gia, từ năm 2010, toàn bộ các chất CFC, halon, CTC đã được loại trừ hoàn toàn trên thế giới, ngoại trừ một lượng nhỏ được sử dụng trong nghiên cứu khoa học và sản xuất thuốc hen. Việc loại trừ hoàn toàn các chất CFC, halon và CTC còn góp phần giảm phát thải một lượng khí nhà kính đáng kể, cao gấp 4-5 lần mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà Nghị định thư Kyoto đặt ra trong thời kỳ cam kết ban đầu giai đoạn 2008-2012. Và sau nhiều thập niên bị hủy hoại, toàn bộ tầng ozone của Trái đất đang có dấu hiệu phục hồi. Trong vòng 15 năm, từ năm 2000 đến năm 2015, lỗ thủng tầng ozone đã giảm được 4 triệu km2, trong đó, hơn 1 nửa diện tích lỗ thủng tầng ozone được thu hẹp là do ảnh hưởng trực tiếp của nồng độ Clo thấp trong khí quyển. Các nhà khoa học hy vọng rằng, với sự đồng thuận toàn cầu, lỗ thủng trên “tấm lá chắn” sẽ được hàn gắn hoàn toàn vào giữa thế kỷ này.

Việt Nam không sản xuất chất làm suy giảm tầng ozone

Tháng 1.1994, Việt Nam chính thức phê chuẩn Nghị định thư Montreal. Nhờ chính sách hợp lý của Nhà nước và sự đồng lòng của cộng đồng, Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng kể trong việc từng bước hạn chế sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone.

Từ ngày 1.1.2010, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn CFC, Halon và CTC. Theo lộ trình, đến năm 2030, Việt Nam sẽ loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất HCFC. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Việt Nam hiện là nước không sản xuất ra chất làm suy giảm tầng ozone. Trước đây, chỉ nhập khẩu để thực hiện chữa cháy đưa vào bình chữa cháy, hoặc đưa vào thiết bị làm lạnh điều hòa không khí hay thiết bị sử dụng làm lạnh… Hiện nay, Bộ đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn đưa chất suy giảm tầng ozone vào sử dụng tại Việt Nam, chỉ trường hợp đặc biệt như phòng cháy chữa cháy thì mới được cấp mới.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam đã áp dụng dán nhãn năng lượng cho các thiết bị điện. Đây được coi là giải pháp hiệu quả, giúp định hướng việc sử dụng thiết bị hiệu suất cao, loại bỏ dần các sản phẩm công nghệ lạc hậu, trực tiếp làm giảm thải các chất khí gây tác động tới tầng ozone và làm gia tăng hiệu ứng nhà kính.

Theo thống kê của Bộ Công thương, kể từ khi Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc áp dụng ngày 1.7.2013 đến tháng 6.2018, đã có khoảng 15.000 mã sản phẩm thuộc 19 chủng loại thiết bị được dán nhãn năng lượng. Lượng sản phẩm bán ra của các thiết bị gia dụng có dán nhãn năng lượng như quạt điện, máy thu hình, máy điều hòa chiếm hơn 90% tổng số sản phẩm bán ra trên thị trường.

Tính riêng mặt hàng điều hòa, máy làm lạnh không khí, ước tính lượng điện năng tiết kiệm được do người tiêu dùng chuyển hướng sang chọn mua và sử dụng các loại sản phẩm có hiệu suất cao vào khoảng trên 100 triệu kWh/năm. Theo báo cáo của tổ chức CLASP (Mỹ), tới năm 2017, gần như toàn bộ 100% các sản phẩm điều hòa tại Việt Nam đã được dán nhãn trên thị trường; số mẫu đạt 4 sao và 5 sao (tiết kiệm năng lượng cao) chiếm 62,8%.

Mục tiêu của Chương trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm tiêu dùng tích lũy khoảng 10.000 tỷ đồng, tương đương giảm 34 triệu tấn khí thải carbon dioxide vào năm 2030; lượng điện quốc gia tiết kiệm vào khoảng 6.000 GWh/năm.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ “lá chắn” của sự sống