Đã nhiều lần các nhà khoa học lên tiếng về sự xuống cấp của đảo Cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện).
Dùng rọ đá bao quanh đảo Cò sẽ làm cò vạc sợ hãi bay đi nơi khác
Khi thì cảnh báo có dấu hiệu đảo sụt lở và đề xuất biện pháp cạp bờ; khi thì báo động các cây trên đảo chết hàng loạt và đề xuất trồng cây khác thay thế... Đảo bị sạt lở, cây trên đảo chết sẽ dẫn đến nguy cơ đàn cò vạc không còn chỗ làm tổ, đẻ trứng, suy giảm về số lượng.
Nhớ lại vào đầu thế kỷ này, lúc đảo Cò Chi Lăng Nam được triển khai dự án GEF do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, thì chỉ mới ở cuối giai đoạn I (có 2 giai đoạn), nhờ chăm sóc và bảo vệ đúng hướng, cò vạc không những về đông hơn và còn tha rác làm tổ, đẻ trứng, nuôi con... khiến cho số lượng cò vạc tăng cao. Mùa đông trông đảo Cò như một mâm xôi phủ tuyết trắng xóa. Dự án trên do đó đã được đánh giá thành công.
Sau khi dự án kết thúc, dịch vụ du lịch ở đây phát triển nhưng lại không có sự quan tâm đầu tư lớn nào cho việc củng cố, khắc phục các cảnh báo xuống cấp của đảo Cò. Rồi có một dự án nhiều tỷ đồng đầu tư nâng cấp đảo Cò (trong đó có việc chống sạt lở đảo), nhưng chủ đầu tư chưa quan tâm đến đặc điểm về sinh thái học, đặc điểm của chim nước nên đã đưa công cụ, máy móc đến đảo Cò thi công mấy tháng liền, khiến đàn cò vạc tản mát. Một số bay về đảo cò ở Hưng Yên, nơi đó trước kia chỉ có một đảo, bây giờ thành 2 đảo cò đậu kín. Một số lớn về bãi cồn giữa con sông thuộc xã Mỹ Đức, huyện An Lão (Hải Phòng).
Vừa qua, chúng tôi đã về thăm vườn cò Bãi Sậy, huyện Kim Động và đảo cò ở TP Hưng Yên. Tại Bãi Sậy, ông chủ vườn cò đã dựng hàng rào sắt vây quanh khoảng 2 ha có cò cư trú. Do yên tĩnh như thế nên chỉ trong khoảng cây rậm rạp quanh chiếc ao ngập nước, khi ông chủ vỗ tay đàn vạc ồ ạt bay lên, nhiều tầng, nhiều lớp, kín cả bầu trời y như số cò vạc của cả đảo Cò Chi Lăng Nam lúc thịnh vượng. Cái đáng học tập họ ở đây là ông chủ bảo vệ rất kỹ đàn cò vạc, không những rào vây kín còn liên tục kiểm tra, canh gác. Xung quanh vườn cò là vùng sình lầy ngập nước có nhiều tôm tép, cá, ếch nhái... Ông chủ vườn cò cho biết vào mùa cò vạc đẻ, do thức ăn xung quanh nhiều nên chúng đẻ trứng nhiều đến mức nếu khai thác có thể lấy được hàng thúng trứng. Đi thăm 2 đảo cò ở Hưng Yên, chúng tôi thấy dù ban ngày vẫn thấy cò đậu trắng trên tán cây. Bờ mép đảo được kè đá nhẹ nhàng, có thể chỉ tốn vài chục triệu đồng để kè mỗi đảo.
Qua đây có thể rút ra bài học là khi can thiệp vào môi trường cần thận trọng và có chuyên môn sâu. Việc đưa máy móc ồn ào đã làm đàn cò vạc ở đảo Cò Chi Lăng Nam tản mát, di cư đến nơi khác trú ngụ. Hơn nữa, tại khu đảo đã cạp đá hiện nay ở đảo Cò có những khối rọ đá khô khốc vây quanh đảo, làm cho cò vạc bỡ ngỡ không còn nhận ra chỗ ở cũ của mình, rồi sợ hãi và bay đi sơ tán. Việc đổ khối lượng lớn đá xanh về đảo vô tình đã biến một vùng cỏ cây thuộc hệ sinh thái đất ngập nước thành một vùng bán sơn địa thuộc hệ sinh thái núi đá vôi. Lớp rọ đá rộng tới 3 m viền quanh một đảo nhỏ dưới đôi mắt tinh tường của loài chim chẳng khác gì cái bẫy khổng lồ giăng chung quanh để bẫy chúng (?)
Biện pháp khẩn cấp bây giờ là hãy dùng vải màu xanh lá cây nguỵ trang trên lớp đá vôi và đặt xen kẽ các bức tranh khổ lớn in hình cò vạc đang đậu để dụ đồng loại trở về. Sau đó gây các loài cỏ dại và cây bụi chịu được khắc khổ, sống trên đá để thay cho lớp vải.
Về cây trồng trên đảo cũng cần thay đổi. Tre gai dù được trồng nhiều ở khu dự kiến là đảo mới, không còn thích hợp nữa vì không chịu được phân cò. Nên trồng tre gộc, trồng xen cây xoan, cây vải, cây sanh, cây si, cây trúc ăn măng. Kế cận đảo Cò nên để dăm mẫu ruộng thả cá và cho tôm tép phát triển làm thức ăn cho cò vạc vào mùa đẻ.
Các biện pháp trên cần làm cấp bách để hồi sinh đảo Cò. Còn việc tiếp tục viền đảo bằng các rọ đá thì cần thận trọng. Tốt nhất nên có một hội đồng gồm các chuyên gia đầu ngành về môi trường và về chim nước của Trung ương và địa phương, nhất là các chuyên gia đã tham gia làm thành công các dự án do GEF tài trợ để tư vấn cách bảo vệ đảo Cò.
NGUYỄN VĂN KHANG