Bảo hiểm nông nghiệp vẫn xa lạ

15/11/2021 16:12

Thường xuyên hứng chịu thiệt hại do các yếu tố khách quan, nhưng nông dân vẫn chưa biết nhiều tới bảo hiểm nông nghiệp. Doanh nghiệp bảo hiểm cũng chưa mặn mà với lĩnh vực kinh doanh này.

Nếu tham gia bảo hiểm nông nghiệp, người chăn nuôi sẽ được san sẻ gánh nặng về kinh tế khi dịch bệnh bùng phát

Người  bán, người mua chưa quan tâm

Làm trang trại chuyên cung cấp lợn giống, anh Nguyễn Học ở xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) cũng bỏ rất nhiều tiền của và công sức đầu tư xây dựng. Chăn nuôi thuận lợi, mỗi tháng trang trại của anh có thể xuất bán từ 200-300 con lợn giống, với nguồn thu nhập ổn định. Nhưng trong 5 năm chăn nuôi, anh Học đã hai lần phải đối mặt với dịch tả lợn Châu Phi. Ước tính đợt dịch gần đây nhất gia đình anh bị thiệt hại từ 2-3 tỷ đồng. Khi được hỏi có biết tới Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), anh Học ngạc nhiên vì chưa nghe tới sản phẩm này.

“Tôi chưa nghe tới hình thức bảo hiểm này bao giờ. Trải qua những thiệt hại do dịch bệnh gây ra tôi thấy BHNN thật sự rất cần thiết, nếu có sản phẩm phù hợp tôi nhất định sẽ tham gia”, anh Học nói. Ngoài anh Học còn rất nhiều nông dân khác cũng chưa từng nghe tới BHNN.

Mặc dù được triển khai từ lâu nhưng BHNN ở Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng vẫn còn khá xa lạ. Ngay chính các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cũng chưa thật sự chú tâm tới mảng kinh doanh này. Qua tìm hiểu, nhiều hãng bảo hiểm phi nhân thọ có danh tiếng như Bảo Việt, Bảo Minh, PIJCO… đều có sản phẩm BHNN như bảo hiểm cây trồng (cây lúa), bảo hiểm vật nuôi (trâu, bò, lợn), bảo hiểm nuôi trồng thủy sản (tôm)… Nhưng các doanh nghiệp này mới chỉ cung cấp BHNN cho nông dân tại 20 tỉnh, thành phố nằm trong chương trình hỗ trợ chính sách BHNN của Chính phủ. Các doanh nghiệp cũng chưa có bảo hiểm cho vật nuôi như gia cầm, cá… nên lượng khách hàng tham gia hạn chế.

Công ty Bảo hiểm ngân hàng nông nghiệp (ABIC) tại Hải Dương hiện đang cung cấp sản phẩm bảo hiểm trâu bò. Khi vật nuôi đủ điều kiện tham gia bảo hiểm nếu không chết do thiên tai hoặc các bệnh đã ký kết sẽ được ABIC bồi thường theo hợp đồng. Số tiền bảo hiểm được quy định cụ thể với từng vật nuôi như bò sữa là 40 triệu đồng/con; bò thịt, bò giống, trâu thịt, trâu giống 15 triệu đồng/con. Theo ông Đặng Quang Hùng, Giám đốc Bảo hiểm ABIC, mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi nhưng đơn vị cũng chưa khai thác được khách hàng nào trên địa bàn tỉnh tham gia sản phẩm BHNN này.

Nhiều vật nuôi có khả năng rủi ro cao là trở ngại cho doanh nghiệp khi đưa ra các sản phẩm bảo hiểm

Chính quyền địa phương cần hỗ trợ

Những rủi ro trong ngành nông nghiệp là khá rõ và quản lý được thông qua các sản phẩm BHNN. Ở nhiều quốc gia khác, BHNN rất phát triển bởi tính ưu việt mang lại cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, BHNN chỉ được biết tới khi có sự hỗ trợ của Nhà nước. BHNN chưa được biết tới do nhiều nguyên nhân, trước hết là nhận thức của người dân về việc chuyển rủi ro cho các công ty bảo hiểm còn hạn chế; thu nhập thấp và không ổn định khiến người dân ngại tham gia.

Mặt khác, chính các doanh nghiệp bảo hiểm cũng chưa quan tâm các sản phẩm BHNN. Theo đại diện của nhiều hãng bảo hiểm, BHNN chưa thể đáp ứng được nguyên tắc số đông trong ngành bảo hiểm, trong khi đó xác suất rủi ro là rất lớn sẽ kéo theo phí bảo hiểm cao, khách hàng khó tiếp cận…

Khi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, nông dân chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chính quyền địa phương, nhưng sự hỗ trợ ấy không thấm tháp gì so với tổng thiệt hại họ gánh chịu. Và đặc biệt là người dân sẽ đối mặt với khó khăn do không còn vốn để tái đầu tư sản xuất. 

Để BHNN có thể phát huy được tính ưu việt, ngoài tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức cho nông dân, chính quyền địa phương cần vào cuộc, có chính sách hỗ trợ một phần phí BHNN cho họ. Bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm cũng nên đánh giá lại tiềm năng từ lĩnh vực này, quan tâm xây dựng các sản phẩm phù hợp với từng đối tượng, có mức chi phí phù hợp...

THANH HOA


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo hiểm nông nghiệp vẫn xa lạ