Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp (DN) cung ứng lương thực, thực phẩm đã sẵn sàng chuẩn bị, bảo đảm đủ nguồn cung để phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Khi nhu cầu của người dân tăng lên, Công ty TNHH Thương mại Tâm Anh ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) sẽ tăng lượng thịt cung ứng ra thị trường lên gấp đôi
Bảo đảm đủ nguồn cung
Khoảng 20 ngày trước, khi Việt Nam có ca nhiễm Covid-19 thứ 17, thị trường hàng hóa tại Hải Dương "nhộn nhịp" bất thường trong khoảng nửa ngày. Người dân đổ xô đi mua gạo, thức ăn, đồ khô... về tích trữ khiến một số cửa hàng tạp hóa, siêu thị bị quá tải và tạm thời hết hàng trong thời gian ngắn. Khi đó, một số người dân lo ngại Hải Dương không đủ nguồn hàng để cung cấp cho nhân dân nhưng ngay trong ngày, hàng hóa đã được các cửa hàng, DN bổ sung đủ.
Công ty CP Vinafood 1 Hải Dương ở đường Trần Bình Trọng (TP Hải Dương) chuyên cung cấp gạo cho nhiều đại lý trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Trung bình mỗi ngày DN bán ra thị trường từ 15 - 20 tấn gạo. Công ty hiện có 500 tấn gạo dự trữ trong kho tại khu vực Tiền Trung và thị trấn Yên Mỹ (Hưng Yên). Trong trường hợp cần thiết có thể huy động lượng gạo lớn gấp 2-3 lần hiện có.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc công ty, DN luôn đủ gạo để phục vụ người dân. Công ty còn có khoảng 1.200 tấn gạo đang dự trữ trong kho tại tỉnh Kiên Giang. "Khi nhu cầu của người dân trong tỉnh tăng đột biến, công ty sẽ vận chuyển ra. Công ty còn liên kết với một số DN phân phối gạo lớn của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nếu cần chúng tôi hoàn toàn có thể huy động được gạo từ các DN này nên trong mọi tình huống sẽ không để xảy ra việc khan hiếm gạo", ông Hùng cho biết.
Công ty TNHH Thương mại Tâm Anh ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) chuyên kinh doanh thịt lợn và các sản phẩm từ thịt. Trung bình mỗi ngày DN này cung cấp từ 800 - 1.000 kg thịt lợn và nhiều sản phẩm khác. Công ty đã mở chuỗi cửa hàng kinh doanh ở TP Hải Dương. Ông Nguyễn Mạnh Tâm, Giám đốc công ty cho biết: "Khi nhu cầu của người dân tăng lên, công ty sẽ tăng lượng thịt lợn lên gấp đôi. Ngoài ra, nếu có kế hoạch trước, sau từ 3 - 5 ngày DN có thể cung ứng với số lượng tăng gấp nhiều lần".
Hiện nay, trung bình mỗi ngày Công ty TNHH Chicken PT ở xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) cung cấp từ 5 - 7 tấn gà thịt. Nếu Covid-19 bùng phát, DN có khả năng cung cấp lượng gà thịt gấp 2 - 3 lần. Công ty còn có chuồng nuôi đủ dự trữ khoảng 20 tấn gà.
Công ty CP Vinafood 1 Hải Dương hiện có 500 tấn gạo dự trữ tại 2 kho ở khu vực Tiền Trung (TP Hải Dương) và Yên Mỹ (Hưng Yên)
Có thể đáp ứng cho 30 khu vực bị cách ly
Để bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ứng phó với dịch Covid-19 trong mọi tình huống, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể theo 5 cấp độ, từ khi chưa xuất hiện dịch Covid-19 đến khi dịch xảy ra đồng thời ở nhiều địa phương.
Tại mỗi cấp độ đều có kịch bản về số lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm cụ thể cần thiết cung ứng cho người dân. Sau khi triển khai kế hoạch này đến các ngành, địa phương, DN, Sở Công thương đã làm việc với một số DN, cơ sở chuyên doanh hàng hóa chủ lực theo từng ngành hàng để thống nhất phương án sẵn sàng cung ứng cho nhân dân.
Theo đại diện Sở Công thương, nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân khá dồi dào. DN và nhiều hộ sản xuất, kinh doanh hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân đầy đủ, kịp thời.
Số lượng hàng thực phẩm tươi sống (lưu chuyển thường xuyên trong ngày) và hàng dự trữ lưu thông bình quân (hàng thực phẩm có hạn sử dụng) luôn sẵn sàng. Các DN, hộ kinh doanh cam kết sẵn sàng tăng năng lực sản xuất, kinh doanh khi có yêu cầu. Riêng siêu thị Big C Hải Dương sẵn sàng phục vụ các suất ăn nhanh khi cần thiết.
Theo tính toán, nếu giả định bình quân một khu vực bị cách ly có khoảng 3.000 dân thì các DN, hộ kinh doanh đã ký cam kết sẵn sàng phục vụ từ 7 - 12 khu cách ly và khi cần có thể phục vụ 30 khu hoặc chi viện các tỉnh, thành phố.
Các DN, hộ kinh doanh đều cam kết sẵn sàng giảm lượng hàng bán ra cho các đầu mối thường xuyên, ưu tiên cung ứng hàng vào các địa bàn bị cách ly; ổn định giá cả hàng hóa và chi phí vận chuyển theo diễn biến thị trường trước và trong thời điểm thực hiện cách ly.
LAN NGUYỄN