Các cơ quan, đơn vị đã có nhiều biện pháp phân công hợp lý, giám sát, bảo đảm hiệu quả khi cán bộ, nhân viên làm việc tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
Nhân viên Viễn thông Hải Dương chủ động làm việc tại nhà
Trong khoảng thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã cho cán bộ, nhân viên làm việc tại nhà. Các cơ quan, đơn vị đã có nhiều biện pháp phân công hợp lý, giám sát, bảo đảm hiệu quả khi cán bộ, nhân viên làm việc tại nhà.
Công việc thông suốt
Từ đầu tháng 4, Sở Thông tin và Truyền thông đã ứng dụng đồng bộ các phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ, website, họp trực tuyến qua thiết bị di động, nhóm Zalo… để triển khai, trao đổi công việc, giảm tối thiểu số cán bộ, công chức đến cơ quan. Hằng ngày, sở bố trí 1 lãnh đạo trực cơ quan. Các phòng, đơn vị thuộc sở chỉ bố trí số lượng tối thiểu người làm việc tại cơ quan.
Từ ngày 30.3, Sở Khoa học và Công nghệ đã cho một bộ phận cán bộ, nhân viên làm việc tại nhà. Riêng Ban Giám đốc luân phiên trực tại cơ quan để điều hành, xử lý công việc. Bộ phận văn thư thay phiên nhau trực để tiếp nhận công văn đến và chuyển đi. Để bảo đảm hiệu quả công việc, sở quy định cán bộ, nhân viên phải hoàn thành khối lượng công việc được giao trong ngày. Khi có việc đột xuất, lãnh đạo yêu cầu thì cán bộ, nhân viên phải có mặt tại cơ quan để xử lý. "Chúng tôi đã tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên đây là làm việc tại nhà chứ không phải nghỉ nên các công việc vẫn phải bảo đảm kế hoạch đề ra", ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết.
Từ ngày 1.4, một bộ phận công chức, viên chức và người lao động thuộc Văn phòng UBND tỉnh được phép làm việc tại nhà. Hiện nay giữa UBND tỉnh và các sở, ngành, UBND cấp huyện có phần mềm chuyển văn bản nên chỉ cần có máy tính nối mạng internet thì cán bộ, nhân viên ngồi tại nhà vẫn có thể thao tác được. Theo ông Trương Văn Hơn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, hằng ngày văn phòng nhận rất nhiều văn bản đến và chuyển văn bản đi, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay có những văn bản hỏa tốc nên lãnh đạo yêu cầu cán bộ luôn phải trực trước máy tính để chuyển văn bản kịp thời. Văn phòng cũng có website đăng tải nhiều văn bản của tỉnh nên cán bộ phụ trách cũng phải thường xuyên túc trực để đưa văn bản lên, đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc. "Chúng tôi quản lý theo kết quả công việc nên cán bộ, công chức làm việc ở nhà sẽ không ảnh hưởng đến công việc chung của toàn cơ quan", ông Hơn nói.
UBND huyện Thanh Miện đã sớm yêu cầu các cán bộ, nhân viên chủ động làm việc tại nhà, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý công việc. Hiện nay, các văn bản, giấy mời được gửi qua email. Công tác chỉ đạo thực hiện trên các nhóm Zalo hoặc gọi điện trực tiếp, chỉ có lãnh đạo các phòng, ban trực tại cơ quan để xử lý công việc.
Thuận lợi
Mặc dù không phải đến cơ quan, không gặp gỡ, trao đổi trực tiếp, nhưng với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều phần mềm đã ra đời để hỗ trợ cán bộ, nhân viên có thể làm việc thuận lợi tại nhà. Trường THCS Thanh Hồng (Thanh Hà) có 26 cán bộ, giáo viên, trong đó 23 giáo viên đang dạy học trực tuyến. Ông Nguyễn Sinh Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Để giao bài tập về nhà, đề thi thử, kiểm tra trắc nghiệm, các giáo viên sẽ sử dụng phần mềm vnEdu, website của nhà trường hoặc sử dụng mạng xã hội để gửi bài cho học sinh. Đối với công tác quản lý, chúng tôi sẽ thực hiện qua phần mềm quản lý văn phòng của VNPT".
Trong thời gian nghỉ học, cô Nguyễn Thị Linh, giáo viên ngữ văn Trường THCS Thanh Hồng (Thanh Hà) đã lập một phòng học qua ứng dụng Zoom. Mỗi tối, cô và trò đều trao đổi với nhau qua ứng dụng này. Việc trao đổi giữa cô và trò diễn ra thuận lợi, học sinh nghe rõ lời cô giảng và cô nghe rõ học sinh trả lời. "Tôi thấy học qua phần mềm cũng thuận tiện, không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng việc dạy và học", cô Linh cho biết.
Không chỉ các cơ quan nhà nước mà nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã cho nhân viên làm việc tại nhà. Anh Nguyễn Đức Trọng, Giám đốc Trung tâm Kỹ năng sống Skill Edu (TPHải Dương) cho biết: "Chúng tôi đang sử dụng phần mềm VNPT- iOffice và VNPT-Meeting để xử lý công việc. Các phần mềm này cho phép mọi người gửi, nhận, tìm kiếm văn bản ngay trên điện thoại thông minh, iPad…".
Với sự chủ động của các cơ quan, đơn vị và bản thân mỗi cán bộ, nhân viên, chắc chắn công việc chung sẽ bảo đảm trôi chảy và hiệu quả trong thời gian phòng chống dịch bệnh.
NGỌC THỦY - ĐỖ QUYẾT