Bánh đậu xanh Hải Dương được đưa vào các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam từ khá sớm, trở thành thức quà quê của người xa xứ và đặc sản mới lạ của người dân nơi đây.
Nhớ quê tìm bánh đậu xanh
Vào TP Hồ Chí Minh sinh sống đã gần 20 năm, mỗi lần nhớ quê bà Nguyễn Thị Hồng Hòa ở phường Cô Giang, quận 1 lại tìm đến cửa hàng bán bánh đậu xanh Nguyên Hương trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận để mua. Bà Hòa cho biết từ lâu nhà có khách gia đình bà lại mang bánh đậu xanh ra mời để giới thiệu đặc sản của quê hương. Bánh đậu xanh cũng trở thành quà biếu mỗi dịp gia đình bà Hòa đến thăm bạn bè, người thân ở Sài Gòn. “Đợt ăn hỏi con trai, tôi cũng chuẩn bị một mâm lễ bánh đậu xanh để mang đến nhà gái. Với nhiều người Hải Dương vào miền Nam sinh sống thì bánh đậu xanh là một chút quà để gợi nhớ quê hương”, bà Hòa nói.
"Phố Bắc" ở đường Chu Mạnh Trinh, quận 1 (TP Hồ Chí Minh) là khu chợ đặc sản miền Bắc nổi tiếng. Tại đây, mỗi dịp Tết đến, xuân về bánh đậu xanh được bày bán khá phổ biến. Cùng với miến dong Bắc Kạn, kẹo lạc của Nam Định, bánh cốm Hà Nội... thì bánh đậu xanh cũng trở thành đặc sản được nhiều người dân TP Hồ Chí Minh tới đây tìm mua.
Ông Đào Trọng Hùng, chủ cửa hàng bán đặc sản miền Bắc tại chợ trên chia sẻ: “Bánh đậu xanh Hải Dương từ lâu được bày bán tại chợ này để người dân gốc Bắc, nhất là người Hải Dương mua về thưởng thức cho đỡ nhớ quê vào mỗi dịp Tết. Người Sài Gòn, nhất là những người gốc Hoa sống tại quận 5 rất thích bánh đậu xanh. Mỗi dịp Tết, tôi thường liên hệ với các doanh nghiệp ngoài Hải Dương như Hòa An, Minh Ngọc, Hữu Bình để lấy bánh đậu xanh về bán”.
Đến nay, chưa có một thống kê nào cho biết bánh đậu xanh Hải Dương được đưa vào các tỉnh phía Nam từ năm nào và thương hiệu nào có mặt đầu tiên ở đây. Theo ông Nguyễn Đức Hồi, Chủ tịch Hiệp hội Bánh đậu xanh Hải Dương thì đặc sản này của xứ Đông có thể theo chân người Hải Dương vào Nam từ những năm 60 của thế kỷ XX. Lúc đó, bánh đậu xanh mới chỉ là quà “xách tay” chứ chưa được đưa vào bán nhiều và phổ biến như những năm gần đây.
Khi giao thông phát triển, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, bánh đậu xanh Hải Dương dễ dàng có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Từ năm 1992, bánh đậu xanh Nguyên Hương đã có mặt tại Sài Gòn, tiếp đến là các thương hiệu Hòa An, Hoàng Gia, Hương Nguyên, Minh Ngọc...
Anh Nguyễn Văn Tố ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang nhận xét: “Lần đầu tôi được một người bạn gốc Bắc tặng bánh đậu xanh Hải Dương và từ đó ghiền loại bánh này. Thỉnh thoảng tôi lại ra siêu thị mua về cùng gia đình thưởng thức hoặc làm quà tặng”.
Mở rộng thị trường
Theo ông Nguyễn Lương Ngọc, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương Hải Dương), bánh đậu xanh thường xuyên được đưa vào giới thiệu tại các hội chợ ở TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Đây cũng là thị trường tiềm năng của các doanh nghiệp bánh đậu xanh của tỉnh và họ đang tìm hướng mở rộng, phát triển các kênh phân phối tại đó.
Hiện nay, bánh đậu xanh của Hải Dương đã có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng của các tỉnh phía Nam, nhiều nhất ở các quận trung tâm của TP Hồ Chí Minh. Riêng thương hiệu bánh đậu xanh Nguyên Hương không bán rộng rãi mà chỉ có một cửa hàng duy nhất của chị Đoàn Thị Thu Hằng, con gái ông Đoàn Văn Đạt, chủ thương hiệu bánh đậu xanh Nguyên Hương ở quận Phú Nhuận.
Từ năm 2017, Rồng Vàng Hoàng Gia cũng chính thức hiện diện tại TP Hồ Chí Minh tại các hệ thống siêu thị BigC, Co-op Mart, E-mart… Hiện nay, bánh đậu xanh thương hiệu này còn có mặt tại các điểm dừng chân du lịch và nhiều cửa hàng tạp hóa của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Ông Đào Quang Chuyện, đại diện Công ty CP Hoàng Giang cho biết thương hiệu bánh đậu xanh rồng vàng Hoàng Gia đã sớm có mặt tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh lân cận. Đây là thị trường lớn để doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường.
Hải Dương hiện có khoảng 100 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất bánh đậu xanh. Ngoài xuất khẩu thì thị trường trong nước cũng chiếm tỷ lệ khá lớn và đang được nhiều doanh nghiệp đầu tư, phát triển. Để mở rộng thị phần trong nước, ngoài kênh bán hàng truyền thống tại các siêu thị, cửa hàng, điểm dừng chân du lịch… bánh đậu xanh còn được bán qua các trang mạng xã hội. Một số doanh nghiệp như Hòa An, Hoàng Giang, Hữu Bình... còn đặt đại lý, cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam để quảng bá và bán sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Nhung, nhân viên bán hàng tại điểm dừng chân du lịch Trúc Xanh, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết bánh đậu xanh Hải Dương được bày bán tại đây nhiều năm. Đặc sản Hải Dương không chỉ được khách du lịch miền Nam ưa thích mà du khách nước ngoài cũng mua nhiều.
Ở phương Nam, bánh đậu xanh Hải Dương không chỉ là đặc sản quê hương với người xa quê mà còn là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp sản xuất bánh đậu xanh của tỉnh hướng tới.
BẢO ANH